Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dạy nghề đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch; đối tượng tham gia đa dạng

Vân Nguyễn - 07:36 11/01/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 10/1, Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động dạy nghề và hỗ trợ nông dân năm 2023  và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Theo Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động sau khi khảo sát, đăng ký theo nhu cầu học nghề của hội viên nông dân; phối hợp cùng Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố và cơ sở Hội tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dạy nghề, đặc biệt là công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức như thông qua các hội thảo, tập huấn, bản tin Nông dân Bình Dương, sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội...

Thời gian qua, trung tâm đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, doanh nghiệp tổ chức hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh về khoa học, công nghệ mới, phân bón, vật tư nông nghiệp; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; các nguồn vốn vay... để nông dân an tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Trung tâm tham mưu cho Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thực hiện các chương trình phối hợp với các ngành có liên quan góp phần chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân.

Luôn định hướng tuyên truyền, vận động nông dân tham gia sản xuất nông sản sạch, an toàn, tham gia mô hình kinh tế tập thể; góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại. Kết quả, Trung tâm tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Công ty Bảo hiểm PVI Bình Dương, Phân bón Con Voi Bình Dương... để tư vấn, hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân có nhu cầu tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp về sàn thương mại điện tử, BHXH, BHYT, bảo hiểm sức khỏe người vay vốn, vật tư phân bón, các gói vốn vay của Ngân hàng thương mại ...

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Tại hội nghị, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân tỉnh tỉnh Bình Dương cho biết: Trung tâm đã tập trung tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với nhu cầu của nông dân, đặc thù của từng địa phương, đúng với định hướng chung của tỉnh; Tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ cho nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tham gia các chợ phiên, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, tiêu thụ nông sản...

Đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ký kết phối hợp với các đơn vị như Bưu điện tỉnh, nhằm hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, BHXH tỉnh, Công ty Bảo hiểm PVI Bình Dương để góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội cho hội viên nông dân... Thông qua các lớp dạy nghề, và hội nghị, Trung tâm phối hợp các đơn vị chuyên môn lồng ghép tuyên truyền, tư vấn cho hội viên nông dân các chính sách có liên quan.

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho nông dân luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ của Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố, cơ sở Hội, sự đồng thuận, tích cực tham gia của hội viên nông dân nên kế hoạch dạy nghề đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu, đối tượng tham gia phong phú, đa dạng.

Điển hình như Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, TP. Thuận An, Dĩ An… sau khóa đào tạo nghề, hội viên nông dân và con em nông dân đã nắm được các kiến thức kỹ thuật cơ bản, kỹ năng nghề nghiệp, mạnh dạn, chủ động ứng dụng vào phát triển sản xuất, kinh doanh; được giới thiệu vào các doanh nghiệp, công ty hoặc tự tạo việc làm tại gia đình.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn: Do đặc thù địa bàn, tính chất công việc chuyên môn nên một số cán bộ Hội ở cơ sở chưa thật sự quan tâm đến việc khảo sát nhu cầu, ngành nghề phù hợp của hội viên nông dân. Mặt khác, còn nhiều hội viên nông dân chưa nhận thức đúng, đầy đủ về sự cần thiết phải học nghề và chuyển đổi nghề trong giai đoạn hiện nay nên hội viên ở một số cơ sở Hội tham gia học nghề còn ít.

Hoạt động dịch vụ, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bảo quản sau thu hoạch, quảng bá, tiêu thụ nông sản cho sản phẩm, hàng hóa đạt kết quả còn hạn chế do nhận thức, tư tưởng của một bộ phận nông dân còn băn khoăn về chi phí đầu vào tăng cao, giá cả đầu ra không ổn định, cạnh tranh, thị trường tiêu thụ còn khó khăn…

Trung tâm chưa có giáo viên cơ hữu, đội ngũ giáo viên chủ yếu là hợp đồng, do đó chưa chủ động thực hiện theo kế hoạch dạy nghề hàng năm; giáo án chưa đổi mới nhiều so với thực tế hiện nay. Đối tượng học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ học vấn nên khả năng tiếp thu kiến thức còn hạn chế; một số học viên vừa tham gia học nghề, vừa kiêm nhiệm công việc ở khu, ấp, công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình nên chưa đảm bảo về số lượng, thời gian tham gia học nghề.