Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kiên Giang: Chi 75 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi

22:46 24/09/2019 GMT+7

Tính đến 22/9/2019, tại Kiên Giang đã xảy ra 3.086 ổ dịch tại các cơ sở chăn nuôi (chiếm 20% số hộ nuôi) tại 641 ấp, 123 xã/ phường/thị trấn thuộc 15/15 huyện, thành phố. Tổng số đàn lợn đã tiêu hủy 42.202 con (12,5% tổng đàn), trọng lượng 2.639 tấn.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày 24/9/2019. Ảnh: H.Q.

Dịch bệnh hoành hành

Ngày 24/9/2019, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp dịch tả heo (lợn) châu Phi trên địa bàn. Tại Hội nghị, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Dịch bệnh tả lợn trên địa bàn đang ở mức nghiêm trọng khó kiểm soát, đe dọa trực tiếp đến tổng đàn heo, kinh tế xã hội và tốc độ tăng trưởng ngành.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, thống kê toàn tỉnh đã phát hiện 3.086 ổ dịch, phải tiêu hủy 42.202 con (tương đương 12,5% tổng đàn), trọng lượng 2.639 tấn. Trong đó cao điểm nhất là tháng 8/2019, do mưa nhiều, thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện dịch lây nhanh đã xuất hiện 1.622 ổ dịch, phải tiêu hủy 23.466 con (56% ổ dịch và 59% số lợn tiêu hủy so với tổng số từ khi phát dịch, gấp 2,4 lần so tháng 7.2019). Theo đó, ước tính ngân sách phải chi 75 tỷ đồng (đã chi 62 tỷ đồng) để hỗ trợ cho người nuôi.  Đàn lợn còn lại ước 182.000 con/330.854 con so thống kê 1/4/2019.

Về nguyên nhân dịch bệnh hoành hành, theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, chủ yếu do các cơ quan chức năng buông lỏng công tác quản lý; toàn tỉnh có 90% hộ nuôi nhỏ lẻ, phân tán, điều kiện cở sở vật chất an toàn sinh học hạn chế, vật nuôi khác (chó, mèo, gia cầm) côn trùng tự do ra vào trại, thuốc sát trùng được cấp cho các hộ, hay cơ sở chăn nuôi đã không sử dụng hoặc sử dụng không đúng phương pháp, liều lượng.

Xử lý một ổ dịch tại Giồng Riềng tháng 8/2019. Từ khi phát hiện dịch bệnh tháng 5/2019 đến nay, Kiên Giang đã  phải tiêu hủy hơn 42.000 con lợn. Ảnh: H.Q.

Công tác hỗ trợ các hộ bị thiệt hại chưa được thực hiện kịp thời, có nơi còn vận động người chăn nuôi tự bỏ kinh phí để tiêu hủy lợn bệnh chết nên họ ngại khai báo, vứt ra môi trường hoặc giấu dịch do giá lợn hơi ngoài thị trường đã cao hơn mức hỗ trợ của nhà nước từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Tình trạng vứt xác lợn bệnh ra môi trường, sông ngòi không kiểm soát được (trong đó tại huyện Rạch Giá vớt được 100 con, Giồng Riềng 80 con, Tân Hiệp 20 con). Công tác kiểm soát lưu thông vận chuyển lợn thịt, lợn giống, tự ý tái đàn còn yếu do không đủ nhân lực, vật lực.

 Cẩn trọng tái đàn, nhân rộng mô hình xử lý hiệu quả

Ông Quảng Trọng Thao lưu ý, ngoài việc giảm đàn lợn từ tổng đàn từ 330.000 con (4/2019) đến nay còn 182.000 con, tỉnh Kiên Giang đang chuẩn bị các phương án tái đàn diện rộng khi đẩy lùi dịch. Hiện tại, thời điểm tái đàn diện rộng ở các hộ nhỏ lẻ là chưa phù hợp, chỉ thử nghiệm tái đàn có trọng điểm.

Kết luận Hội nghị, ông Mai Anh Nhịn nhấn mạnh, Kiên Giang bằng mọi giá phải nỗ lực ngăn chặn dập tắt dịch. Trước mắt, không để dịch lan rộng phát triển như thời gian qua. Yêu cầu các địa phương có chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc khử trùng, an toàn sinh học. Đặc biệt, cần nhân rộng triển khai các mô hình đã thí điểm thành công, hướng dẫn người dân phun xịt đúng liều lượng phương pháp.

Từ 15/7/2019, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã giao Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp các huyện tiến hành thí điểm Mô hình Phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi cấp xã tại Thị trấn Giồng Riềng, xã Bình An (Giồng Riềng) và phường Tô Châu (TP. Hà Tiên), Theo đó, giải pháp trọng tâm được đề xuất là tập huấn và vệ sinh tiêu độc đúng qui trình, tần suất, tập trung khu chăn nuôi, giết mổ mua bán một số nơi công cộng phun xịt đồng loạt, có giám sát (lượng benkocid đã phun xịt trong 30 ngày thí điểm lần lượt tại Giồng Riềng 775 lít/340 hộ, Bình An 101 lit /97 hộ, phường Tô Châu 38 lit/18 hộ). Phương pháp này đã đạt được hiệu quả cao: Thông qua phun thuốc khử trùng đã tăng cường tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường tại nơi nguy cơ cao (ổ dịch cũ, hố chôn hủy lợn bệnh, đường giao thông nông thôn khu vực các hộ nuôi lợn, bến xe, bãi đậu xe các đơn vị đóng trên địa bàn…) góp phần làm giảm nguy cơ đẩy lùi dịch bệnh có hiệu quả.

Hoàng Quân