Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kiên Giang: Hàng vạn người dự Lễ tưởng niệm ngày Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh

16:55 25/09/2019 GMT+7

Tối 24/9/2019, hàng vạn người dân từ khắp nơi trên cả nước đổ về TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để tham dự lễ hội Nguyễn Trung Trực, kỷ niệm 151 năm ngày hy sinh của người Anh hùng Dân tộc đã gắn liền với hai câu thơ:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.

Đình thần Nguyễn Trung Trực ở đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá Kiên Giang được vua Tự Đức sắc phong Thượng Đẳng Linh thần. Đình được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Thương dân, dân lập đền thờ

Hàng năm, mỗi dịp từ 26 đến 28 tháng 8 âm lịch, người dân khắp nơi không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, địa vị lại hẹn nhau đổ về đình Nguyễn Trung Trực ở TP. Rạch Giá, Kiên Giang tham dự Lễ hội Kỷ niệm ngày mất của người Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ai cũng mong muốn được thắp nén hương bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến người Anh hùng Dân tộc đã hy sinh oanh liệt vì nước, vì dân.

Trước Đình Nguyễn Trung Trực là Sông Kiên, nơi đây đang neo đậu mô hình tàu L’ Esprance của Pháp bị ông và nghĩa quân đốt trên sông Nhật Tảo năm 1861.

Cảm phục một vị tướng tài giỏi, khí phách anh hùng, Vua Tự Đức triều Nguyễn đã sắc phong ông là Thượng Đẳng Linh Thần, thờ tại phường Vĩnh Thanh Vân tận hôm nay.

Nằm trên đường Nguyễn Công Trứ ngay trung tâm TP. Rạch Giá. Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, ngày 22/3/1998. Tại đây, có mộ, khu thờ tự, nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn. Trước kia, đình chỉ là một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do ngư dân trong vùng dựng lên để thờ thần Nam Hải nhằm tránh sự càn phá của giặc Pháp. Qua mấy cuộc chiến tranh và nhiều lần sửa chữa, ngôi đình đã trở nên khang trang, bề thế như hiện nay. Điều đặc biệt, tất cả kinh phí, công cán tu bổ, xây dựng đều do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Đông đảo người dân trước tượng đài Nguyễn Trung Trực ở Trung tâm TP. Rạch Giá để chuẩn bị dự lễ rước thần.

Gần ba mươi năm nay, cứ mỗi dịp ngày sinh, ngày mất của ông Nguyễn (cách gọi kính trọng của người dân địa phương đối với Anh hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực) thì tụi tui lại gồng gánh xuống đây góp công góp sức, chỉ mong cho đám giỗ của ông được tươm tất. Bà Sa, 77 tuổi quê ở Chợ Mới An Giang cùng hàng chục các mẹ các bà ở Ô Môn Cần Thơ, Đồng Tháp tranh nhau kể. Theo các bà, được góp công góp sức lo cho ngày giỗ của ông Nguyễn là một niềm tự hào, tỏ lòng thành kính đối với người anh hùng dân tộc. Đối với người dân miền Tây, tên tuổi chiến tích lẫy lừng của ông Nguyễn như một huyền thoại về khí phách anh hùng của một vị thần. Khi sống, ông đã bảo vệ dân, giúp dân đánh đuổi ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng. Lúc chết, thần thái uy nghi lẫm liệt của ông đã hóa thành bất tử, khiến vạn dân thương xót, muôn giặc khiếp sợ. Vì thế, ông Nguyễn luôn là vị thần trong lòng dân, che chở cho quốc thái dân an. Nên ngày giỗ của ông từ xa xưa đến giờ, ai có gì góp nấy, cùng quây quần nấu mâm cơm để cúng và tưởng nhớ đến ông.

Các đội lân, rồng, phụng từ các nơi đổ về trước giờ rước thần.

Ông Trần Văn Hoà ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tham gia làm công quả trong lễ hội bộc bạch: Nhiều năm nay, anh em chúng tôi tập trung về dựng rạp để bà con về tham quan viếng lễ. Dù bận cỡ nào, nhưng tới ngày kỷ niệm đều tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc gia đình khoảng nửa tháng cùng tập trung đi. Đó là trách nhiệm của người dân hôm nay với công lao tiền nhân.

Theo ông Đặng Công Bình- Trưởng Ban bảo vệ di tích Đình – mộ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, trước khi diễn ra Lễ hội 2019, Ban tổ chức lễ hội đã nhận được hơn 102 tấn gạo, hơn 1 tấn nếp, hơn 10 tấn đậu nành, khoảng 300 tấn rau củ quả, hơn 300m3 chất đốt, do người dân, doanh nghiệp khắp mọi nơi phụng cúng. Bên cạnh đó, còn có 2.500 người đăng ký tự nguyện phục vụ hậu cần cho lễ hội.

Một giỏ hoa trái cây đẹp, khổng lồ của người dân cúng viếng ông Nguyễn.

Lễ hội gắn với tiết kiệm và bảo vệ môi trường

Tối 24/9/2019, UBND tỉnh Kiên Giang có chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội truyền thống Kỷ niệm 151 ngày mất của năm Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực  gồm lễ rước thần, lễ cúng viếng. Ngay từ ngày 22/9 đình Nguyễn Trung Trực đã bắt đầu phục vụ cơm chay miễn phí để phục vụ bà con đến dâng hương, tham quan. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn hơn 1,5 triệu suất cơm chay miễn phí. Năm nay, đình thí điểm tổ chức buffer chay (ăn chay tự chọn) để rút kinh nghiệm cho các năm sau có thể nhân lên đại trà nhằm tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí thức ăn, rác thải ra môi trường và nhân sự phục vụ.

Ngoài 3 trại cơm phục vụ chính, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn chuẩn bị các loại thức uống ngon, hợp vệ sinh, các món ăn chay đem đến phát miễn phí cho bà con tại Lễ hội. Đặc biệt, năm nay còn có các đội đổ bánh xèo chay để phục vụ khách hành hương.

Hơn 300 tấn rau củ quả người dân quyên góp, thoạt nhìn ai cũng nghĩ đây là một khu chợ sầm uất.

Hưởng ứng phong trào không rác thải nhựa, Lễ hội năm nay đã không tổ chức thả hoa đăng, thay vào đó, Ban Tổ chức neo 25 đại hoa đăng trên dòng sông Kiên để bà con đến tham quan.

Theo ông Đặng Công Bình – Trưởng Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực cho biết đình đã vận động được 6 ngàn tiểu hoa đăng phát cho đồng bào phật tử thả vào đêm 27.8 ÂL để cầu cho quốc thái dân an nhưng do hưởng ứng không sử dụng rác thải nhựa và do thời gian quá gấp nên không kịp chuyển sang hoa đăng giấy vì vậy hoạt động thả hoa đăng sẽ được tổ chức vào Lễ hội năm sau.

Sáng 25/9/2019 tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực và tại Khu di tích đình Nguyễn Trung Trực các nghi lễ chính được tổ chức trang nghiêm, theo nghi thức cổ truyền.         

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (sinh Đinh Dậu 1837 – mất năm Mậu Thìn 1868), quê ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ngoại ô thị xã Tân An, Long An). Là liệt sĩ cận đại, nhà lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. (Vì lúc nhỏ ông có tên là Chơn, rồi từ năm Kỉ Mùi 1859 đổi là Lịch, còn Quản là chức Quản cơ). Sau trận tổ chức cuộc phục kích đốt tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10/12/1861 tại vàm Nhật Tảo, ông đổi tên là Nguyễn Trung Trực và tên này được nhân dân gọi cho đến ngày cuối cùng.

Xuất thân trong một gia đình chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ, năm 1861, hưởng ứng lịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An. Lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu qua lại trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Sau khi ba tỉnh miền đông Nam Bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862) ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861 ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23/6/1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16/6/1868 ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thị xã Rạch Giá) tiêu diệt hàng trăm quan lính Pháp và làm chủ tình hình. Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo. Đến tháng 10/1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt. Chúng nhiều lần dụ dộ, mua chuộc nhưng ông không khuất phục. Giặc Pháp giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kì lúc đó vừa dụ hàng, vừa hăm dọạ ông trả lời: “Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng lúc nào ngài trừ cho hết cỏ trên mặt đất thì chừng đó ngài mới may ra trừ tiệt được những người ái quốc của xứ sở này”.

Cuối cùng, giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868 trước sự tiếc thương của hàng ngàn người dân trong vùng. Để tỏ lòng biết ơn Ông, hiện nay, nhân dân ta thờ cúng Ông ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu là Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Long An, Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá và Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu (Phú Quốc).

Bài, ảnh: Hoàng Quân