Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kiên Giang trước thời điểm Ủy ban châu Âu kiểm tra khắc phục thẻ vàng

22:24 05/11/2019 GMT+7

Ngày 7-8/11/2019 tới đây, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam để kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Trong đó, EC đã chọn Kiên Giang là tỉnh có gần 4.000 tàu cá và nghề đánh bắt lâu đời để kiểm tra tình hình khắc phục thẻ vàng IUU.

Lực lượng Biên phòng Kiên Giang đang tuyên truyền cho ngư dân kiến thức về chủ quyền biển đảo, chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp.

“Qui trình nghiêm ngặt không thể tiêu thụ thuỷ sản bất hợp pháp”

Ông Tiêu Anh Kiệt, ở ấp Thanh Phong, xã Bình An, huyện Châu Thành Kiên Giang đã khẳng định nhự vậy khi được hỏi về việc có hay không hải sản không rõ nguồn gốc được tiêu thụ. Theo ông, mấy chục năm nay sống với nghề đánh bắt biển khơi, ông cùng hàng trăm chủ tàu khác đều chung nhận định rằng công tác quản lý nguồn gốc hải sản đánh bắt đã được chính quyền, ngư dân giám sát chặt chẽ, qui củ.

Trước, trong và sau khi buông lưới đều phải ghi chép tọa độ vị trí con tàu, hải sản bắt được phải ghi rõ chủng loại số lượng, vậy thì làm sao mà có thể là bất hợp pháp được chú? Các chủ tàu hậu cần, đánh bắt đều tự giác tuân thủ nghiêm ngặt qui trình này, bởi vô đến bờ, Biên phòng kiểm tra cấp giấy mới được vô cảng. Có giấy của Kiểm soát biên phòng và nhật ký đánh bắt, cảng Tắc Cậu mới cho lên hàng nhập hàng. Qui trình nghiêm ngặt vậy, làm sao mà tiêu thụ thủy sản bất hợp pháp được? Trước kia, bà con mình khai thác kiểu truyền thống, bây giờ bài bản vậy vừa có lợi cho ngư dân vừa có lợi cho ngư trường. Nhận thức được điều đó nên từ khi có Nghị định về khai thác năm 2017, đa phần bà con ngư dân đều ủng hộ, ông Võ Đăng Khoa, Thuyền trưởng tàu hậu cần KG 95671 chia sẻ.

Thuyền trưởng Tiêu Anh Kiệt ở Bình An, Châu Thành: “Không thể có chuyện tiêu thụ hải sản bất hợp pháp”.

Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Tắc Cậu cho hay, tất cả tàu ra vào cảng đều phải đối chiếu trên trang web kiểm soát hải trình của Tổng cục Thủy sản, nếu không đúng sẽ không cho bốc dỡ mà báo cho lực lượng chức năng. Nếu đúng theo hải trình, sẽ có cán bộ cảng xuống tận nơi giám sát các tàu bốc dỡ số lượng, chủng loại hàng hóa đã khai thác, đối chiếu với lịch trình, nhật ký khai thác.

Tuân thủ nghiêm ngặt qui định giám sát hành trình

Sau 2 năm bị cảnh báo “thẻ vàng”, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chế biến hải sản tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục các điểm yếu theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Trong đó có vấn đề lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Kiên Giang hiện có 3.990 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó tàu có chiều dài từ 25m trở lên là 618 tàu. Tính đến ngày 30/10, toàn tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.030 tàu, có chiều dài từ 15 m trở lên, chiếm 75,9%.

Khâu lên cá từ tàu tại cảng Tắc Cậu dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cán bộ quản lý cảng.

Riêng tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp đặt được 562 tàu, đạt 90,9%. Các hệ thống quản lý tàu cá chung của tỉnh do 5 đơn vị cung cấp gồm: VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel và An Bình. Qua đó, đã lắp đặt và đưa lên hệ thống phần mềm chung 2.780 tàu. Tất cả các tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động khai thác hải sản trên biển đều được Chi cục Thủy sản giám sát hàng ngày và điện yêu cầu đưa tàu quay về khi vượt ranh giới vùng biển Việt Nam.

Thực hiện Nghị định 42/2019/NĐ-CP, của Chính phủ, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã ra quân tuần tra, kiểm soát trên biển, tuyên tuyền và xử lý nghiêm các tàu vi phạm khai thác IUU. Đã lập biên bản vi phạm hành chính 54 phương tiện, xử phạt số tiền trên 1,114 tỷ đồng với các hành vi vi phạm như: khai thác sai vùng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có sổ nhật ký khai thác thủy sản…

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, vào ngày 7-8/11, Đoàn Thanh tra của EC sẽ kiểm tra việc chống khai thác IUU tại Kiên Giang và đây cũng là địa phương được chọn đại diện cho 28 tỉnh thành ven biển của Việt Nam để đoàn EC kiểm tra. Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, màn hình, sử dụng phần mềm, cố gắng kết nối các thiết bị kết nối đối với tàu cá với tỉ lệ lắp đặt cao. Việc đăng kiểm, cấp phép, chứng nhận cũng có nhiều cố gắng để xác lập các hồ sơ cơ bản về hoạt động của tàu cá.

Hoàn thiện khâu cuối cùng, sẵn sàng đón đoàn EC

Ngày 4/11, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU đã dần đầu đoàn công tác đi kiểm tra các khâu cuối cùng để chuẩn bị đón đoàn EC tại bến Cảng cá Tắc Cậu. ông Mai Anh Nhịn đã ghi nhận và đánh giá cao Sở NN&PTNT, Chi Cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá – Bến cá tỉnh, UBND huyện Châu Thành và các ngành có liên quan đã tích cực trong công tác chuẩn bị đón tiếp và làm việc Đoàn Thanh tra của EC.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra quá trình cập cảng, hoạt động lên cá của các tàu, quy trình thu mua cá của các doanh nghiệp, công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, việc sắp xếp xe cộ đậu đỗ trong khu vực cảng, quy trình vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cập cảng và rời cảng, công tác lưu trữ hồ sơ và trích lục khi có yêu cầu… Qua đây nhằm góp phần chuẩn bị tốt cho việc đón tiếp và làm việc với đoàn EC về nỗ lực tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tỉnh Kiên Giang.

Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Tắc Cậu cho hay ‘”Tất cả tàu ra vào cảng đều phải đối chiếu trên trang web kiểm soát hải trình của Tổng cục Thủy sản”.

Ông Nhịn nhấn mạnh, các ngành chức năng và địa phương có liên quan cần tập trung thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU. Đây không chỉ để chuẩn bị đón tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC mà còn là nề nếp để chúng ta tiếp tục thực hiện lâu dài về sau này. Qua đó nhằm hiện đại hóa nghề cá của tỉnh, vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, vừa khắc phục được Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.

“Đến thời điểm này thì khi đi vào tôi thấy trước nhất là tình hình vệ sinh môi trường, hồ sơ, quy trình đi từ đâu tới đâu, rồi thủ tục của quy trình đó thì chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị tương đối. Và thứ hai là cần bộ hồ sơ nào thì các đồng chí đã lấy ra được liền bộ hồ sơ đó. Về thủ tục hồ sơ nhìn chung là khá” – ông Nhịn cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Quân