Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kon Tum: Hoà giải thành công nhờ phát huy vai trò của già làng

08:37 18/08/2020 GMT+7

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân; phân công cán bộ Hội tham gia tổ hoà giải, phối hợp giải quyết các mâu thuẫn, tham gia tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân.

Cán bộ Hội ND huyện Kon Plông nắm bắt tâm tư nguyện vọng để giải quyết khiếu nại tố cáo của hội viên nông dân ở cơ sở. Ảnh: Q.Đ

Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín

Hai tuần một lần, Hội ND huyện Kon Plông lại tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật tại các thôn, làng. Bằng những câu từ ngắn gọn, dễ hiểu, cán bộ Hội đã giúp bà con hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Anh A Niu ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành cho biết, từ ngày được cán bộ Hội ND huyện tuyên truyền, ý thức, trách nhiệm của mọi người đối với việc giữ gìn an ninh, trật tự thôn, làng từng bước được nâng cao. Bản thân anh cũng tích cực vận động bà con tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và chung tay xây dựng kinh tế.

Anh A Niu bộc bạch: “Trật tự an toàn giao thông trong thôn, tôi cũng tuyên truyền cho bà con là xe độ chế gây mất trật tự an ninh trong thôn, nên trong quá trình tuyên truyền, bà con cũng thống nhất, bớt cái xe độ chế, rồi đi đêm đỡ ồn ào cho bà con ngủ, đỡ mất trật tự trong thôn”.

Hiện nay, Hội ND huyện Kon Plông đang phối hợp với Hội ND tỉnh xây dựng mô hình điểm “Hội ND tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại xã Măng Cành. Theo đó, chỉ đạo Hội ND xã tham mưu cho UBND xã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” gồm 50 thành viên; xây dựng quy chế hoạt động của Câu lạc bộ; quy chế phối hợp giữa UBND xã và Hội ND xã trong việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

Ông A Thắng – Chủ tịch Hội ND huyện Kon Plông cho biết: Huyện Kon Plông là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Kon Plông có 9 xã với 89 thôn, 117 làng; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, một số bộ phận người dân còn nhận thức kém, việc hiểu biết và chấp hành pháp luật của người dân nơi đây còn hạn chế. Trước thực trạng đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân luôn được các cấp Hội ND huyện Kon Plông chú trọng thực hiện.

Trong 5 năm qua, Hội đã mở được 5 lớp tập huấn với 445 học viên tham gia. Ngoài ra, Hội ND huyện thường xuyên phối hợp với Thanh tra huyện và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức được 280 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 8.650 lượt người dân. Hội cấp phát 2.500 ấn phẩm tuyên truyền về pháp luật và các chính sách của Nhà nước như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định xử phạt hành chính về an toàn giao thông…

Một trong những cách làm sáng tạo của Hội ND huyện Kon Plông là: Để nói dân tin, dân nghe, dân hiểu, Hội ND các cấp của huyện tăng cường phối hợp với già làng, người có uy tín trong thôn, làng đến từng hộ dân, thông tin về pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời tích cực vận động bà con thay đổi cách thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động để tăng năng suất cây trồng, từng bước vươn lên làm giàu.

Già làng A Nuông ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành cho hay: “Là già làng, bản thân tôi tuyên truyền cho nhân dân ăn sạch, ở sạch, xóm làng phải sạch sẽ thì mới đảm bảo được vệ sinh. Riêng sinh con thì trước đây chưa có kế hoạch, chưa có ai tuyên truyền thì sinh nhiều. Bữa nay nhiều thanh niên trẻ hiểu hết cái đó, có kế hoạch”.

Hạn chế tranh chấp, khiếu kiện, nông dân xã Ia Chim (TP. Kon Tum) yên tâm đầu tư mô hình thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Đ.T

Hoà giải thành công nhiều vụ tranh chấp

Song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, Hội ND huyện Kon Plông chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hội thường xuyên duy trì hoạt động tổ hoà giải ở cơ sở được thành lập tại 89 thôn trên địa bàn huyện; hòa giải thành công 33/41 vụ tranh chấp về đất đai, giống cây trồng… giúp bà con yên tâm lao động, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như: Hội ND xã Pờ Ê tham gia giải quyết 5 vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ dân của thôn Vi Ô Lăk; Hội ND xã Đăk Ring tham gia giải quyết tranh chấp về rẫy, ruộng; Hội ND xã Đăk Nên tham gia giải quyết khiếu nại đất đai tại các thôn Xô Luông, Xô Thác; Hội ND xã Đăk Long tham gia giải quyết khiếu kiện về việc cấp giống cà gai leo chậm; Hội ND xã Hiếu hòa giải thành công vụ bồi thường đền bù tại thôn Vi Glơng…

Ông A Thắng – Chủ tịch Hội ND huyện Kon Plông cho biết: Việc phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo đã giúp cho bà con nhân dân yên tâm sản xuất; kịp thời phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tiêu biểu như vụ khiếu nại của ông A Đẩy (thôn Xô Thác, xã Đăk Nên) liên quan đến số diện tích đất, nhà ở, cây cối hoa màu bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đăk Đrinh chưa được đền bù và một số chính sách hỗ trợ theo quy định khi Nhà nước thu hồi đất chưa được thực hiện. Qua xem xét đơn khiếu nại, Hội ND huyện phối hợp với UBND huyện và các ban ngành đã chuyển đơn đến Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng huyện giải quyết đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân…

Bà Võ Thị Bích Hường – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Kon Tum cho biết: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội trong năm 2020, Hội ND tỉnh Kon Tum tiếp tục phối hợp với các ban ngành chức năng, đoàn thể kiểm tra, giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh cũng như việc các cấp Hội thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương…

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 854 tổ hòa giải/869 thôn, làng, tổ dân phố với 5.537 hòa giải viên, trong đó, thành viên tổ hòa giải là chi hội trưởng Hội ND là 828 người. Qua đó, Hội ND các cấp tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận và hòa giải thành công 43 vụ việc mâu thuẫn tại các chi hội.

Mai Anh