Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023): Cựu chiến binh với khát vọng nơi vùng cát bỏng

Bùi Ánh - Trần Thuỷ - 13:58 26/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cựu chiến binh Trần Xuân Quý, thương binh hạng 4/4, sinh ra miền cát trắng nóng bỏng Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị) luôn có khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp. Với ý chí đó ông đã từng bước góp phần thay đổi vùng quê nghèo này.

Miệt mài tìm lại đồng đội
Nhập ngũ lúc tròn 17 tuổi, cũng là thời điểm cam go nhất của cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Lúc bấy giờ ông thuộc bộ đội địa phương Huyện đội Triệu Phong, đơn vị tham gia chiến đấu ở phòng tuyến phía Đông Thành Cổ. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng biết bao nhiêu đồng đội, “có những đồng đội đã hi sinh trên vòng tay của chính mình, những lần thấy đồng đội dần mất đi sự sống nhưng không làm được gì khiến lòng tôi như qoặn lại, nổi đau đó vẫn in đậm trong tâm trí tôi hơn 50 năm nay”, ông Quý nghẹn ngào kể lại.
Tình đồng đội thiêng liêng đã thôi thúc ông bao nhiêu năm nay. Không bao giờ ngừng nghỉ, chỉ cần có bất cứ thông tin gì liên quan đến đồng đội đã khuất là ông đều tức tốc khăn gói lên đường. Nhiều năm qua, ông Quý cùng đồng đội đã tìm kiếm được 25 hài cốt liệt sĩ. Sau mỗi lần tìm thấy hài cốt, ông Quý báo ngay với cơ quan chức năng tại địa phương để phối hợp cất bốc, làm lễ truy điệu, an táng trang nghiêm. 

Cựu chiến binh Trần Xuân Quý thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Lăng.

Trên con đường đi tìm lại đồng đội đã mất, có một câu chuyện mà ông Quý nhớ mãi, đó là trường hợp của liệt sĩ Trần Viết Xuân, quê ở xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, là du kích được tăng cường vào huyện Triệu Phong để chiến đấu và hy sinh tại xã Triệu Lăng. Năm 2017, gia đình của liệt sĩ Xuân đã đến tìm gặp ông Quý để nhờ giúp đỡ việc tìm kiếm hài cốt, ông Quý cùng nhiều đồng đội lại khăn gói đi khắp nơi tìm kiếm thông tin, được một người dân biết về trường hợp hy sinh của ông Xuân khiến ông cùng đồng đội rất phấn khởi. 
Ông Trần Xuân Quý kể: “Nơi chôn xác liệt sĩ Xuân cách cây tràm chỉ vài mét, tuy nhiên cây tràm ngày đó đã chết, địa hình đã thay đổi khác xưa, giữa mênh mông cát trắng thì việc xác định lại vị trí là một điều rất khó khăn. Nhưng với ý chí kiên cường, cùng với tấm lòng chân tình, sự linh thiêng hai chữ đồng đội. Sau 2 tuần nỗ lực, niềm vui vỡ òa khi lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy hài cốt có thông tin chính xác về tên tuổi, quê quán của liệt sĩ Xuân”.
Những niềm vui vỡ oà kèm theo những giọt nước mắt, những cái ôm thắm thiết, những cái siết tay vui mừng khôn xiết của những đồng đội, của gia đình khi tìm được hài cốt liệt sĩ khi ấy thật khó có thể diễn tả bằng lời. “Lúc đó trong thâm tôi lại càng rào rực niềm tin vào sự thiêng liêng tình đồng đội, đồng chí. Ý chí dâng cao khiến tôi lại quyết tâm vào con đường đi tìm đồng đội, đồng chí đã khuất” - ông Quý tâm sự.
“Trải qua sinh tử từ chiến trường đầy bom đạn, từng chứng kiến đồng đội đổ xương máu cho đất nước mới thấm thía giá trị của cuộc sống, giá trị của hòa bình. Nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống và vẫn còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất quê hương thì lòng lại đau như cắt. Chính vì vậy, mỗi lần tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ đưa về với gia đình với quê hương, là tôi cùng những đồng đội đều cảm thấy hạnh phúc, thanh thản.”, ông Quý xúc động nói.
Hoa nở trên miền cát trắng
Là cựu chiến binh đã từng trải qua bao trận chiến đấu ác liệt, khi trở về quê hương thấy đâu đâu cũng cát trắng, con người phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh, lo cái ăn, cái mặc từng ngày... khiến ông bừng lên một khát vọng xây dựng quê hương bằng chính mồ hôi, công sức, nỗ lực của mình và bà con nơi đây. Chính vì vậy, ông quyết định phải đi nhiều nơi để học hỏi và tìm ra lối đi góp phần xây dựng quê hương. Từ suy nghĩ đó, ông Quý một mình rong ruổi nhiều tỉnh, thành từ Nam ra Bắc, để tham quan những mô hình chăn nuôi, mua bán, học cách làm du lịch, dịch vụ.
Từ những điều đã học hỏi, trải nghiệm, ông Quý đã cùng 12 cựu chiến binh xin UBND xã Triệu Lăng để thành lập bãi tắm Nhật Tân. 
“Tôi đi nhiều nơi, nhiều vùng biển, cảng biển, bãi tắm, nhận thấy những nơi đó con cá, con tôm từ tàu đánh bắt xa bờ nên không còn tươi ngon như ở bãi ngang nơi đây, sáng đi trưa đã mang cá đem về nhưng lại bán với giá khá rẻ, chưa kể bãi biển cát trắng trải dài ở quê hương rất sạch nên ý định mở bãi tắm luôn nhen nhóm trong tâm trí của tôi,” - ông Quý tâm sự.
Được sự đồng ý của UBND xã Triệu Lăng, ông cùng những Cựu chiến binh trong xã đã xây cất những hàng quán nhỏ chuyên bán các loại hải sản tươi ngon, chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ khách du lịch tắm biển. Đến giờ những hàng quán nối dài đã khang trang hơn, có những lúc phải đến gần 5 ngàn khách tới tắm biển, thưởng thức hải sản.

 
Ông Trần Xuân Quý là người khai sinh Bãi tắm Nhật Tân, nơi nguồn mưu sinh của người dân, ngư dân với nguồn hải sản tươi ngon.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng, giao thông, đèn điện chiếu sáng,.. được đầu tư. Vùng bãi ngang Triệu Lăng ngày ấy đã thay đổi từng ngày, cuộc sống người dân ngày một nâng cao, những chiếc thuyền đánh bắt nhỏ lẻ giờ đã có một đội hình đánh bắt chuyên nghiệp hơn, những mớ cá, mớ tôm giờ nay đã đầy ắp các vựa với nhiều loại hải sản tươi ngon.
Chưa dừng lại ở đó, ông Quý còn mạnh dạn đầu tư nuôi tôm. Ông kể, 20 năm về trước, nuôi tôm là một mô hình rất mới mẻ và xa lạ với người dân nơi đây, vùng cát bỏng mà chỉ có cây phi lao mới mọc nổi nên nhiều người cho rằng đó là điều không khả thi, mặc dù vậy ông Quý vẫn kiên định với những khát vọng của mình. Bởi ông nói: “Đặt câu hỏi bao giờ cũng dễ hơn chỉ ra câu trả lời!”. Thế rồi đáp án thuyết phục nhất mà ông chứng thực cho người dân, đó chính là việc hồ nuôi tôm của ông nhiều năm liền đạt năng suất cao, có năm thu lãi lên đến 700 triệu đồng.
Từ đó con tôm cũng đã giúp cuộc đời ông bước sang một trang mới. Để giúp người dân quê ông bớt khổ, ông Quý truyền lại những kiến thức cho những người dân nơi đây làm theo. Ông Quý đã đứng ra giúp đỡ từng hộ gia đình từ việc tiến hành xây dựng hồ nuôi tôm như thế nào, lựa chọn tôm giống, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thức ăn cho tôm ra sao, cho đến xử lý ao nuôi và chữa bệnh cho tôm đúng cách. Sau đó, người dân nơi đây đã có những mùa vụ thành công. Từ đó, cuộc sống cũng được cải thiện, nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên.