Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỹ thuật trồng cây quế Thanh

21:35 26/05/2018 GMT+7

Kỹ thuật trồng cây quế chỉ giới hạn về cây quế Thanh Hóa do đây là cây quế được khuyến khích trồng để thu hoạch sản phẩm có giá trị xuất khẩu.

Cây quế là một vị thuốc thường dùng trong đông và tây y, quế được xem như một loại dược liệu quý nhất là quế Thanh Hóa.Tại Việt Nam có nhiều loài quế bao gồm ba loại quế chính là Quế Thanh Hóa ( Cinnamomum Loureirii Nees), Quế Quan hay còn gọi là quế Xrilanca ( Cinnamomum Zeylannicum Nees) và Quế Trung Quốc  (Cinnamomum cassia Blume).

1.Mô tả cây quế Thanh

Cây quế , là cây thân gỗ chiều cao trưởng thành từ 12-20 mét, vỏ rất thơm, nhánh vuông không lông, lá hình trứng hai đầu hẹp lại hơi nhọn, có 3 gân rõ rệt chạy từ cuống đến đầu lá, mặt dưới phủ lớp vảy nhỏ. Phiến lá dài 12-15 cm rộng 5 cm. Hoa màu trắng mọc giữa thùy ở kẽ lá hay đầu cành. Quả hạch hình trứng dài chừng 1 cm, quả non màu xanh lục sau chín có màu nâu tím.

Bộ rễ cây quế phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất, rễ bàng lan rộng, đan chéo nhau vì vậy quế có khả năng sinh sống tốt trên các vùng đồi núi dốc. Cây quế lúc còn nhỏ cần có bóng che thích hợp mới sinh trưởng và phát triển tốt , càng lớn lên mức độ chịu bóng càng giảm dần và sau khoảng 3 – 4 năm trồng thì cây quế hoàn toàn ưa sáng. Tinh dầu quế có vị thơm, cay, ngọt rất được ưa chuộng. Cây quế Thanh mọc hoang và được trồng ở khắp vùng rừng núi tại Việt Nam nhưng chủ yếu là ở dọc dãy núi Trường Sơn từ bắc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà tĩnh tới Quảng Nam, Quảng ngãi.

Dân gian cho rằng cây quế ở Thanh Hóa là tốt nhất, còn mọc ở các vùng khác thì giá trị kém hơn.

2.Kỹ thuật trồng cây quế

Muốn trồng cây quế, có thể gieo hạt, chiết cành hay đào những cây quế mọc hoang về trồng lại.Vào tháng 7,8 chọn cây quế to, khỏe mạnh rồi hái về ngâm nước để lựa chọn hạt giống, hạt nào chìm thì lấy hạt nổi bỏ đi. Sau đó rửa lại hạt bằng nước vôi xong đem trồng ngay, thường sau 10-15 ngày sau khi hái hạt phải đem trồng ngay thì tỷ lệ nẩy mầm cao hơn. Sau một năm khi cây con cao khoảng 30 cm thì có thể đưa trồng nơi khác. Nếu chiết cành thì tiến hành vào tháng 9,10 nhưng sẽ cho cây quế mỏng vỏ ít nhựa dễ sâu bệnh.

3.Khai thác vỏ cây quế Thanh

Việc bóc vỏ thực hiện vào tháng 4,5 và 9,10 và có thể tận dụng vỏ cây khi cây từ 6 năm tuổi trở lên.

– Phần vỏ lấy từ mặt đất 0,2 – 0,4 m đến 1,2 m gọi là quế hạ căn là sản phẩm có chất lượng thấp nhất.

– Từ 1,2m đến chổ cây quế phân cành thứ nhất gọi là quế thượng châu đây là quế tốt nhất.

– Vỏ bóc ở cành quế to gọi là quế thượng biểu.

– Vỏ bóc ở cành quế nhỏ gọi là quế chi, hay chỉ là cành quế non phơi khô trong mát.

Quế hái xong phải được ủ trong những chiếc sọt to dán giấy kín, dùng lá chuối tươi phơi cho ỉu. Vỏ quế hái về rửa sạch để khô nước sau đó mới lấy lá chuối khô xếp quanh sọt và đáy dầy 5 cm, rồi mới xếp quế vào đầy, trên cùng tiếp tục ủ thêm lớp lá chuối 5cm che lại buộc thật chặt.

Mỗi ngày đảo mặt trên xuống mặt dưới để cho nóng đều.Mùa nóng ủ khoảng 3 ngày, mùa lạnh ủ 7 ngày. Sau đó dỡ quế ra ngâm  nước 1 giờ nửa xong đem phơi quế lên tấm phên tre nứa ép cho thẳng quế, để nơi khô mát, hàng ngày mở ra lau cho bóng mặt bên trong quế cho đến khi quế khô là hoàn tất quá trình ủ phơi khoảng 15 ngày( mùa khô) và 1 tháng ( màu lạnh).

4.Công dụng dược tính

Trong tây y thì quế và tinh dầu quế có tác dụng kích thích làm tăng tuần hoàn máu và hô hấp.Tinh dầu có tính sát trùng mạnh.

Còn Đông y xem quế như là một vị thuốc bổ chữa ho hen, bồi bổ sức khỏe, đau bụng đi tả.Vị quế có vị cay ngọt tính đại nhiệt, hơi có độc nên không dùng cho phụ nữ có thai hay người có tạng âm hư dương thịnh.

Hiện nay trên thị trường còn có những loài cây quế khác có thể trồng trong điều kiện như khí hậu Miền Nam như một loài cây kiểng do cây có lá đẹp.Vì vậy kỹ thuật trồng cây quế giống như cách trồng cây kiểng trong chậu chủ yếu cho bộ lá xanh tươi chứ rất khó có thể thu hái vỏ cây quế vì cây  sẽ chậm lớn.

HQ