Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu từ đam mê nông sản sạch

13:55 28/03/2021 GMT+7

Từ nhóm sở thích nông sản hữu cơ, nhiều nông hộ ở xã Đăk Hring (Kon Tum) thành lập hợp tác xã (HTX) và mở ra hướng đi mới, bền vững, luôn chủ động từ khâu đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm.

Chị Bùi Thị Thúy giới thiệu vườn bơ, na, sầu riêng trong trang trại của HTX.

Thu tiền tỷ nhờ canh tác hữu cơ

Năm 2017, từ đam mê trồng trái cây sạch, gia đình chị Bùi Thị Thúy cùng nhiều nông dân khác ở xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) lập nhóm và cho ra đời Tổ hợp tác trồng cây an toàn. Nhờ có cách làm khoa học, quy trình chuẩn theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn cho sức khỏe nên được nhiều người biết tiếng. Trong khi nhiều nông dân trong tỉnh loay hoay với bài toán giá cả và đầu ra cho nông sản thì sản phẩm của Tổ hợp tác luôn “cháy hàng”, giá bán lại cao. Để thuận tiện cho giao dịch, tháng 6/2020 nhóm quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm.

Chị Bùi Thị Thúy – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Bắc Tây Nguyên Farm chia sẻ: “Nhờ có chung sở thích là làm nông sản sạch nên việc thành lập nhóm, rồi đến HTX rất thuận lợi. Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Ưu tiên hàng đầu của HTX là tạo sự tin tưởng cho đối tác, người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình cung cấp, sau đó mới đến xây dựng thương hiệu. Hiện tại chúng tôi đang làm thủ tục để cấp chứng nhận VietGAP và làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP cho cà phê của HTX”.

Chị Thúy cho biết, HTX hiện có 8 thành viên, diện tích trồng theo hướng hữu cơ với hơn 40ha, chủ yếu là cây cà phê, chuối đặc sản, bơ, na, mít Thái và sầu riêng. Quá trình trồng và chăm sóc đều tiến hành theo quy trình hữu cơ, sinh học an toàn. Hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón vô cơ… Đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ tự ủ, thuốc và chế phẩm sinh học.

Nói về nông sản sạch, anh Đinh Văn Sỹ – Phó Giám đốc HTX Bắc Tây Nguyên Farm chia sẻ: “Gia đình tôi có 12ha cà phê, trước đây trồng theo hướng truyền thống. Nhận thấy chỉ có hướng đi hữu cơ, sản xuất sạch mới bền vững lâu dài nên tôi quyết định chuyển đổi cây trồng, hiện tại đã trồng hữu cơ 4ha, diện tích còn lại đang chuyển đổi dần. Về lâu dài, làm nông nghiệp hữu cơ sẽ cho lợi nhuận cao hơn, đầu ra ổn định. Để nâng cao giá trị, tôi còn chủ động đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy chế biến cà phê theo đơn đặt hàng của đối tác”.

Theo anh Sỹ, các thành viên trong HTX đều thực hiện về các quy định chung rất nghiêm ngặt, cái chính là ý thức của các nông hộ. Đối với vườn cây cà phê, sản phẩm vỏ cà phê sau xay xát được tận dụng đem ủ, kết hợp với phân chuồng để làm phân hữu cơ bón cho cây. Trong vườn trồng nhiều cây bóng mát, sử dụng thiên địch là kiến thay cho thuốc BVTV. Còn những vườn cây ăn quả không phun thuốc BVTV, sử dụng phân bón, thuốc sinh học, trồng các cây trồng có mùi như sả, bạc hà… để xua đuổi côn trùng, thậm chí trồng xen canh cây ổi, để trái chín thu hút côn trùng. Hiện tại, sản phẩm của HTX được khá nhiều doanh nghiệp trong nước biết đến và liên hệ đặt hàng ngay từ đầu năm.

Chủ động đầu ra, sản xuất theo đơn hàng

Chia sẻ về cách làm nông nghiệp bền vững, chị Bùi Thị Thúy cho biết: “Để việc sản xuất thuận lợi, an toàn, hàng tuần chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi họp bàn, lên phương án và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Ngoài những cây trồng cố định như cà phê, sầu riêng, bơ, thì chúng tôi còn sản xuất theo đơn đặt hàng từ các đối tác là các doanh nghiệp. Từ khâu đầu vào và đầu ra, HTX luôn chủ động tìm đối tác, làm theo nhu cầu của thị trường chứ không chạy theo phong trào dễ gặp rủi ro”.

Theo chị Thúy, từ nhiều năm nay nhóm của chị đã tự tìm hướng đi cho mình, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để ký kết đầu ra cho sản phẩm. Thời gian đầu chưa có nhiều mối quan hệ nên cũng rất vất vả. Có thời điểm, để bán 7 tấn môn sáp, anh Vũ Ngọc Hà (chồng chị Thúy) phải vào tận Sài Gòn để bắt mối. Hiện tại, nhiều đối tác đã biết đến HTX nên chủ động liên hệ đặt hàng lên đến hàng trăm tấn và ký kết, bao tiêu giá cả ngay từ khi chưa trồng. Thường các doanh nghiệp đặt hàng trồng chuối, ngô sinh khối, nha đam… Doanh nghiệp đầu tư 100%, còn HTX cam kết hàng chất lượng, an toàn và đủ số lượng.

“Nhờ cách làm khoa học, sản phẩm an toàn và luôn bán được giá cao nên nhiều nông dân khác đã tìm đến chúng tôi để học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi cũng mong muốn sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ được lan tỏa trong cộng đồng. Bởi cách làm này vừa tăng giá trị sản phẩm, phát triển bền vững vừa an toàn cho mình và cả người tiêu dùng. Về lâu dài, HTX sẽ đầu tư máy móc, trang thiết bị để sơ chế, chế biến nông sản để tăng lên giá trị cho mặt hàng và giảm các chi phí đầu vào. Khó khăn nhất của HTX hiện nay là quỹ đất hạn hẹp, khó để nhận những đơn hàng lớn”, chị Thúy nói.

Hàng năm, riêng sản phẩm từ chuối, HTX đã bán khoảng 600 tấn với giá 7.000 đồng/kg và được các doanh nghiệp đặt hàng, thu mua ngay tại vườn. Lợi nhuận ròng đạt trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương, lúc cao điểm thuê 40-50 lao động/ngày.

Bài, ảnh: Nhật Hạ