Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lan tỏa âm thanh từ tre nứa để gìn giữ lửa nghề

20:35 23/01/2020 GMT+7
HTX nhạc cụ dân tộc Thắng Lợi (phường Thắng Lợi, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một trong 9 làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai cùng với nghề khác dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, làm rượu cần… Nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa Tây

HTX nhạc cụ dân tộc Thắng Lợi (phường Thắng Lợi, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một trong 9 làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai cùng với nghề khác dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, làm rượu cần… Nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa Tây Nguyên, bằng niềm đam mê của nghệ nhân Rơ Châm Tih và các học trò đang duy trì và mong muốn xây dựng làng nghề sản xuất nhạc cụ truyền thống phát triển bền vững.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih đang tạo nhạc cụ truyền thống dân tộc J’rai từ tre nứa.

Gắn với nghề bắt nguồn từ đam mê

Bắt đầu từ hơn 14 năm qua, đề án “Mỗi làng một nghề” đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai nhằm khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Đề án kỳ vọng thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống.

Cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn của Chính phủ, nhiều làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Gia Lai được khôi phục và từng bước khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng ở nhiều ngành nghề như nghề dệt thổ cẩm (HTX Ia Dom, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), đan lát mây tre (HTX công nông nghiệp Đăk Kơ Ning, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kon Chro), sản xuất rượu cần, dệt thổ cẩm (HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar – huyện Đăk Đoa, tỉnh Ia Lai)… Trong đó, HTX nhạc cụ dân tộc Thắng Lợi (phường Thắng Lợi, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai) do nghệ nhân Rơ Châm Tih – người giữ hồn tiếng nhạc cổ truyền của cộng đồng J’rai xây dựng và truyền nghề lại cho thanh niên trong buôn làng.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih sinh ra và lớn lên ở làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai) từ thuở nhỏ đã đam mê tiếng đàn, các nhạc cụ cổ truyền của đồng bào J’rai. Mê đàn, nên mỗi khi biết ở đâu có tiếng đàn là Rơ Châm Tih có mặt, có ngày ngồi học say sưa quên cả ăn, cả uống. Tâm hồn trẻ thơ của Rơ Châm Tih luôn bay bổng theo giai điệu thánh thót của những tiếng đàn và lời ca tiếng hát của bà con đồng bào J’rai trong các ngày đêm lễ hội.

Rơ Châm Tih biểu diễn sức hấp dẫn từ qua âm thanh từ nhạc cụ dân tộc J’rai.

Thường thì các nghệ nhân vừa tạo ra nhạc cụ giỏi, vừa chơi được nhạc cụ do chính mình tạo ra như Rơ Châm Tih rất hiếm hoi. Tiếng đàn, sáo cổ truyền do anh tạo ra, anh chơi đã thu hút niềm đam mê của các thanh niên nơi gia đình anh sinh sống và họ xin theo để học hỏi, Rơ Châm Tih sẵn sàng nhận lời và giúp đỡ họ.

Thời gian qua, chính anh đã bảo tồn được một số loại đàn đang có xu hướng mai một dần như: t’rưng, bru (sáo dọc), knik, tingning (đàn goong) đinh pơng… Đặc biệt Tih còn biết phát huy tác dụng của các loại đàn mà theo anh là những nhạc cụ giao hòa tâm linh giữa con người với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá…

Âm thanh từ tre, nứa chinh phục khán giả nước ngoài

Rơ Châm Tih cho biết: “Nếu để được xem là một dàn nhạc cụ đầy đủ của người Jrai hay Barnah thì phải đủ 15 loại nhạc cụ. Trừ cồng chiêng là kim loại phải đúc thì tất cả các nhạc cụ truyền thống bằng tre, nứa của đồng bào, Rơ Châm Tih đều có thể tự mình làm ra”.

Là một nghệ nhân trẻ tuổi và thành công nhất ở Gia Lai trong việc bảo tồn và phát triển nhạc cụ của dân tộc, Rơ Châm Tih từng được đại diện nghệ nhân tỉnh Gia Lai đi các tỉnh thành trong cả nước thậm chí ra nước ngoài như Hà Lan, Australia, Đức, Anh… biểu diễn và được đông đảo công chúng, khán giả đón nhận với cảm xúc vừa ngạc nhiên, vừa thú vị đầy bất ngờ.

Theo nghệ nhân Rơ Châm Tih: “Khi được đại diện cho tỉnh Gia Lai, đất nước Việt Nam đi biểu diễn, giới thiệu truyền thống âm nhạc cộng đồng dân tộc J’rai, Bahnar… tại nước ngoài, tôi mang cả tình yêu thương dân tộc mình, yêu đất nước Việt Nam và cống hiến hết lòng cho khán giả, công chúng. Họ rất thích. Âm thanh từ những thanh tre, ống nữa đã chuyển tải tình yêu cộng đồng J’rai đến với thiên nhiên. Rất nhiều người ngỏ ý đặt nhờ tôi làm những nhạc cụ truyền thống từ tre nữa như t’rưng, bru, knik, tingning (đàn goong) đinh pơng…”.

Hiện nay, HTX nhạc cụ dân tộc Thắng Lợi do Rơ Châm Tih thành lập thường xuyên nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi với uy tín ngày càng được khẳng định. Theo quan điểm của Rơ Châm Tih “đàn được coi là “tiếng tơ đồng”, vật “tâm linh” của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, không thể làm nhanh, làm ẩu mà phải làm bằng chính sự rung động của bàn tay và tâm hồn người nghệ nhân”.

Để làm được một cây đàn T’rưng không đơn giản. Rơ Châm Tih kể: “Ngày xưa, người già làm một cây đàn T’rưng phải tốn nhiều công sức lắm, cả tháng trời mới xong. Tre phải ngâm dưới bùn ao đến 3 năm mới có thể mang lên để làm đàn. Giờ những công đoạn đó đơn giản hơn. Tre chặt về phơi nắng 3 tháng, rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên dàn bếp. Sau công đoạn ấy, những đoạn tre thẳng nhất, già và vàng nhất mới được đem làm đàn. Một cây đàn T’rưng làm chỉ trong một ngày là xong nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng. Có lẽ vì vậy, giá các loại đàn, nhạc cụ dân tộc J’rai, Bahnar… do HTX nhạc cụ dân tộc Thắng Lợi làm ra thường có giá từ 2 – 7 triệu đồng, tùy vào kích cỡ, loại nhạc cụ.

Được biết, ngoài việc sản xuất nhạc cụ truyền thống theo yêu cầu của khách hàng, bằng tình yêu văn hóa truyền thống cộng đồng và mong muốn được gìn giữ, phát huy, nghệ nhân Rơ Châm Tih đang gánh trên vai mình trách nhiệm người truyền lửa, sẵn sàng truyền dạy cho những ai yêu thích tìm hiểu về sức hấp dẫn từ âm thanh tre nứa trong văn hóa các dân tộc J’rai, Bahnar khu vực Bắc Tây Nguyên.

“Khi được đại diện cho tỉnh Gia Lai, đất nước Việt Nam đi biểu diễn, giới thiệu truyền thống âm nhạc cộng đồng dân tộc J’rai, Bahnar… tại nước ngoài, tôi mang cả tình yêu thương dân tộc mình, yêu đất nước Việt Nam và cống hiến hết lòng cho khán giả, công chúng…”.
Nghệ nhân Rơ Châm Tih.

Thanh Luận