Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làng nghề mỹ nghệ trầm cảnh

01:13 01/03/2018 GMT+7

Làng nghề mỹ nghệ trầm cảnh Trung Phước (Quế Trung, Quế Sơn, Quảng Nam) đã sở hữu một bí mật gia truyền về việc tinh chế dầu từ chính cây dó của địa phương, điều mà không phải nơi nào cũng làm được.

Cơ duyên làng nghề

Cách đây vài ba thập kỷ, cơn sốt săn trầm ở khắp các cánh rừng già bạt ngàn trên dãy Trường Sơn từ Khánh Hoà đến Quảng Trị, Quảng Bình… đã mang hàng trăm thanh niên trai tráng các làng quê nghèo miền trung du Quảng Nam lên rừng theo những chuyến tìm trầm đằng đẵng biệt tăm. Khi đó rừng xanh chưa có dấu chân người, điệu trầm được rừng xanh khoản đãi, nhiều chuyến trở về xóm làng vang tiếng ca khúc khải hoàn. Chợ Trung Phước – cách Quốc lộ hơn 50 cây số đường nhộn nhịp như một thương cảng. Bến đò Cà Tang tấp nập ghe thuyền, hàng quán mọc lên chen chúc để phục vụ việc đóng chuyến cho dân đi điệu, những kẻ buôn trầm (gọi là tài-kê) nằm chờ chực năm này tháng khác.

Những ngày dài “ngậm ngải tìm trầm” mang lại nhiều nước mắt hơn là nụ cười. Không hiếm người trở về với căn bệnh sốt rét kinh niên, thậm chí bỏ mạng ở rừng xanh. Cực khổ là thế nhưng họ vẫn đeo đuổi, gắn kết với trầm hương như một đam mê ngay cả khi cây dó tưởng đã vĩnh viễn không còn. Cụt nghề lại thấy nhớ nghề, khoảng năm 1995 mới rủ nhau lên rừng tìm đào mấy gốc dó về đục tỉa để tạo thành những gốc cây có hình thù lạ mắt mang vô TP. Hồ Chí Minh bán thử. Thấy gốc dó có hình dạng đẹp, khách mua ngay. Rồi họ đặt hàng, vẽ kiểu cho mình làm theo. Ban đầu, họ chỉ nhận gia công những phần việc đơn giản như: tạo thế, đục đẽo các sản phẩm từ cây dó theo đơn đặt hàng. Sau đó, họ mạnh dạn nhận làm các sản phẩm trang trí nội thất, làm đồ trang sức… Lao động không mấy nặng nhọc lại có nguồn thu nhập đáng kể, nên mọi người đổ xô nhận làm các mặt hàng từ cây dó. Dần dần, những thợ săn trầm và lái trầm ở “chợ trầm” Trung Phước đã sản xuất được loại trầm mỹ nghệ – gọi là “trầm cảnh”.

Làng nghề mỹ nghệ trầm cảnh Trung Phước (Quế Trung, Quế Sơn, Quảng Nam) (Ảnh: internet)

Kỹ thuật xử lý tạo trầm

Sản phẩm của các làng nghề trầm cảnh Quảng Nam có 2 loại: trầm cảnh dó sanh và trầm nhúng. Loại thứ nhất – sản phẩm làm nên tên tuổi đáng tự hào của nghề trầm cảnh được các nghệ nhân kỳ công gọt tỉa từ những thân cây dó lớn, để có một sản phẩm hoàn chỉnh có khi phải mất đến vài tháng trời. Loại thứ hai được chế tác từ thân cây dó để cho hình dáng giống như trầm thật, sau đó chúng được nhúng vào một dung dịch đặc biệt, khi đốt lên có mùi thơm không khác trầm thật là mấy, công việc “tạo dáng” cho trầm nhúng cũng qua khá nhiều công đoạn ngâm, vớt ra tẩy trắng, lại ngâm, gọt tỉa… chỉ những dân trong nghề mới phân biệt được đâu là trầm nhúng và trầm thật.

Nghề làm trầm mỹ nghệ của Trung Phước chỉ phát triển khi có được kỹ thuật xử lý tạo trầm cho cây dó trồng trong vườn nhà của một số nông dân trong tỉnh. Do thấy những đoạn trầm qua xử lý có hình dáng lồi lõm rất đẹp, khối trầm lại được kéo dài liên tục với kích cỡ lớn, thay vì tỉa rời thành những miếng trầm nhỏ, những người lái trầm đã cho thợ giữ nguyên một đoạn với các kích cỡ khác nhau, rồi tỉa tót, tạo hình để chào bán. Để có được tác phẩm trầm cảnh đẹp, yếu tố đầu tiên là gốc cây dó to, có dáng đẹp tự nhiên, nhiều mắt và nhánh, còn nguyên bộ rễ, tuổi thọ mỗi gốc trầm cảnh phải trên dưới 40 năm. Công việc của người thợ làm trầm cảnh là phải kỳ công tỉa từng chút một trên cây dó để lộ dần từng đường dẫn dầu nằm trong thân cây như những “mạch máu” li ti…

Hàng mỹ nghệ dó trầm Trung Phước khá phong phú, đa dạng, từ những sản phẩm có giá cả trăm triệu đồng cho đến những món đồ nhỏ như chuỗi hạt, tượng nhỏ giá chỉ trăm ngàn đồng được làm từ giác trắng. Để có những mặt hàng cỡ lớn toàn bằng trầm ròng, những người thợ trầm phải dán ghép rất công phu. Và công sức của họ được đền đáp thỏa đáng, bởi nhiều khi khách mua không tính theo lượng trầm mà theo cái đẹp, cái độc đáo của sản phẩm.

Hàng mỹ nghệ dó trầm Trung Phước khá phong phú, đa dạng, từ những sản phẩm có giá cả trăm triệu đồng cho đến những món đồ nhỏ như chuỗi hạt, tượng nhỏ giá chỉ trăm ngàn đồng được làm từ giác trắng. (Ảnh: internet)

Hàng mỹ nghệ trầm cảnh Trung Phước có đặc trưng riêng, không nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào. Bên cạnh việc tạo các sản phẩm mỹ nghệ, các nghệ nhân nơi đây còn làm hương thơm, giác xông, hạt cườm trang sức… để xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Hồi giáo… Tìm đến các hội chợ quốc tế ở Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… qua các thông tin trên mạng, một số người mang hàng ra Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn thuê người thông dịch rồi cùng nhau đến xứ người, thuê mặt bằng và bày hàng chào bán. Từ các hội chợ, họ lại lần ra đường đi mới, mối quan hệ mới. Và không đợi đến khi có hội chợ, hễ có hàng là họ tự mang đi bán. Tháng 5/2009, tại Hội chợ quốc tế Nam Ninh (Trung Quốc) có hơn 2.000 gian hàng của các nước trên thế giới thì Việt Nam có 140 gian hàng tham gia. Trong số đó, có 10 gian hàng trầm cảnh của làng Trung Phước góp mặt. Chỉ sau 10 ngày tham dự, toàn bộ gian hàng trầm của làng Trung Phước bán hết sạch, thu về khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi quầy.

Trồng dó ở đất Trung Phước đã khó, tạo trầm từ dó lại khó gấp bội. Phần lớn, cây dó trắng nơi đây đều không có tinh dầu, hoặc có thì rất ít, khó để tạo hình khối, màu sắc cũng như hương thơm. Tinh dầu tự nhiên của dó quá ít. Qua một thời gian dài nghiên cứu, người dân đã tìm ra được cách thức nấu dầu nhân tạo. Cũng dùng tinh dầu thật, gỗ dó trắng được bỏ vào thùng nấu thủ công, chủ yếu nấu bằng cồn 90 độ. Quá trình nấu để tạo ra tinh dầu thơm cực kỳ công phu, thường mất 7 ngày, đêm; phải có người thay phiên nhau canh lửa, giống như nấu bánh tét, bánh chưng.

Chỉ có người Trung Phước mới có ý tưởng dùng cồn nấu dó, vẫn bảo đảm được hương thơm, tạo được dạng (dầu tinh chế). Đồng thời, bằng nhiều cách, họ lấy được nhiều loại dầu tinh chế khác nhau.

Hàng mỹ nghệ trầm cảnh Trung Phước có đặc trưng riêng, không nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào. (Ảnh: internet)

Ngoài những sản phẩm toàn bằng trầm ròng, phần gỗ trắng của cây dó (dó là tên quen gọi của cây trầm hương; thân, rễ cây dó có màu trắng, chỗ có nhựa kết tụ có màu sẫm gọi là trầm) cũng được làm hàng mỹ nghệ, để có màu và có hương thơm, người ta phải nấu gỗ dó với chất phụ gia, những sản phẩm này được gọi là hàng nấu. Nhờ kỹ thuật xử lý tạo trầm cho cây dó, ngoài những đoạn trầm cảnh lớn, sản phẩm trầm mỹ nghệ Trung Phước luôn có những mặt hàng lạ, độc đáo.

Từ dăm ba hộ mở xưởng buổi đầu, hiện nay, từ Trung Phước lên bến Cà Tang, nơi đầu nguồn sông Thu, dài khoảng 4km có đến gần 40 cơ sở và công ty chế biến trầm hương nhân tạo nhằm cung cấp cho những thương lái của làng xuất ngoại ra nước ngoài bán dạo. Đây cũng là nơi cung cấp sản phẩm trầm hương để sau đó, hàng trăm nông dân của làng nối gót nhau đưa hàng ra nước ngoài bán dạo và trở thành những đại gia nông dân giàu có nơi đầu nguồn sông Thu này.

Đức Toàn