Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Liên kết sản xuất nông nghiệp: Nông dân phải là mắt xích quan trọng nhất

16:26 27/11/2019 GMT+7
Trong hơn 10 triệu nông hộ đang tham gia sản xuất nông nghiệp hiện nay phần đông đang thiếu và yếu về vốn, kỹ năng sản xuất nông sản hàng hóa. Thế nhưng, đây lại là lực lượng chủ chốt trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản nhằm

Trong hơn 10 triệu nông hộ đang tham gia sản xuất nông nghiệp hiện nay phần đông đang thiếu và yếu về vốn, kỹ năng sản xuất nông sản hàng hóa. Thế nhưng, đây lại là lực lượng chủ chốt trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tránh tình trạng “được mùa – mất giá”.

Nỗi ám ảnh qua những đợt “giải cứu” nông sản (dưa hấu, củ cải, cải bắp…) thời gian qua vẫn là mối lo thường trực với nhà nông. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, rất khó cho việc tổ chức ký hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn… Do vậy, xu hướng liên kết trong sản xuất sẽ tháo gỡ những vướng mắc “cố hữu” trong sản xuất nông nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo hiến kế về nông nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh tư liệu

Nhận diện vị thế nhà nông
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 – 2023), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân. Trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Các nhà khoa học trong nước phân tích, trong chuỗi liên kết “6 nhà” thì vai trò của tam giác liên kết gồm nhà nông, nhà đầu tư và nhà phân phối là mắt xích quan trọng nhất. Nhà nông là một chủ thể tạo ra của cải vật chất cho xã hội; nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ, đất đai và có tầm nhìn chiến lược trong phát triển sản xuất; nhà phân phối giải quyết đầu ra của sản xuất xã hội, nếu hệ thống phân phối rời rạc kém hiệu quả, không biết chia sẻ lợi ích hợp lý cho các thành phần trong chuỗi liên kết thì liên kết sẽ khó thành công; hàng hóa sẽ có lúc ứ đọng, dư thừa và tiếp tục giải cứu. Đồng thời, trong tam giác liên kết giữa nhà nông, nhà đầu tư và nhà phân phối còn cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của các cơ quan nhà nước, các địa phương và của các nhà khoa học trong sản xuất và phân phối hàng hóa nông sản, để giảm bớt chi phí sản xuất phân phối, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Những mô hình nông nghiệp liên kết có hiệu quả do có chung mục tiêu, phương pháp, nghĩa vụ và cùng chia sẻ lợi ích. Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong mối liên kết này, họ cần chung tay với nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước để đẩy mạnh chuỗi liên kết bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh cao.

Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, nông dân cần liên kết chặt chẽ với nhà khoa học, doanh nghiệp, trong mối liên kết này, doanh nghiệp có vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất sản phẩm chất lượng, đẩy mạnh thương mại.

Liên kết còn lỏng lẻo

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào tháng 5.2019, tại phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về nông nghiệp với chủ đề “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương ông Cao Đức Phát cho biết: Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này còn rất “mỏng”, trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay, chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam hiện có 10 triệu hộ gia đình nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới.

“Ở Mỹ, một hộ có 500.000ha chỉ hai vợ chồng làm. Còn ở quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 – 3.000m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, giai đoạn mới không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần có vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp chính là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân”, ông Cao Đức Phát chia sẻ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tư nhân đã cùng thảo luận để đưa ra giải pháp tăng cường tính liên kết của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi sản xuất, giải pháp thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn với chuỗi nông, lâm, thủy sản.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính liên kết của các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua có bước tiến triển, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết. Hiện mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết là quá nhỏ.

Trong chuỗi liên kết, quan trọng nhất là thực hiện theo các quy trình an toàn như VietGap, GlobalGap… song, tỷ lệ này còn khá thấp, chỉ khoảng 3-5%. Như vậy, tiềm năng còn rất lớn với hàng chục triệu hec-ta nông nghiệp, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết trong nông nghiệp.

“Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất phải theo tiêu chuẩn, quy trình đặt hàng của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Những hộ nông dân có quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Trong tương lai, một mặt chúng ta phải đào tạo cho nông dân, mặt khác phải nâng cao nhận thức và tích tụ quy mô để giá trị tăng lên”, ông Lê Đức Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức cho nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế chưa trở thành phổ biến; thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả, nhất là với khâu kết nối thị trường đang còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, các vấn đề về môi trường, công nghiệp phụ trợ…

Những vùng trồng cà rốt ở Hải Dương cho thu nhập cao nhờ liên kết hiệu quả với doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

Để thúc đẩy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản và giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì việc hài hòa lợi ích trong liên kết tiêu thụ sản phẩm là điều rất quan trọng, đòi hỏi các bên cùng nhau chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân, hợp tác xã cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bởi, sản phẩm an toàn, chất lượng tốt nhưng không được nhiều người biết đến, thị trường không đón nhận thì giá trị sản phẩm không được nâng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân, lợi nhuận của hợp tác xã cũng không tăng.

Nhà nước “cầm cân nảy mực”

Theo ông Nguyễn Như Tiệp,Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT)  hiện cả nước đã xây dựng và phát triển 1.254 mô hình liên kết chuỗi với 1.452 sản phẩm, 3.172 địa điểm bán sản phẩm và đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm. So với sản lượng nông sản thực tế, con số trên còn khiêm tốn.

Để thúc đẩy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản và giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, ông Trần Văn Tuế – hộ sản xuất rau an toàn ở xã Tự Lập (huyện Mê Linh) đề nghị, chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành cho rằng, chính quyền địa phương cần chủ động tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp, qua đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm…

Nông dân cần được hỗ trợ vốn và trang bị kiến thức để chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các tỉnh, thành phố cần rà soát, ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất. Đồng thời, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Có được vùng sản xuất tập trung, hợp tác xã phát huy vai trò cầu nối, chắc chắn các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.

Đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, muốn tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng, vai trò liên kết “6 nhà” là vô cùng quan trọng, trong đó nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp cần phát huy vai trò của mình; Tổ chức Hội Nông dân, Bộ NN&PTNT cùng các ban, ngành phải phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết những vấn đề nông dân, doanh nghiệp mong muốn. Nhà nước là người “cầm cân nảy mực” trong việc xây dựng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân phát triển, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường.

Trong Đạt (Tổng hợp)