Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lựa chọn mô hình kinh tế bền vững cho vùng dân tộc thiểu số

11:11 25/11/2020 GMT+7
Phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh những chính sách hỗ trợ về xóa đói giảm nghèo thì vấn đề phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cũng cần những giải pháp căn cơ. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa

Phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh những chính sách hỗ trợ về xóa đói giảm nghèo thì vấn đề phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cũng cần những giải pháp căn cơ. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa và cốt lõi là phát triển con người là thước đo chất lượng tăng trưởng bền vững vùng dân tộc thiểu số.

GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên.

Để hiểu rõ, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã có những chia sẻ, trao đổi làm rõ hơn về vấn đề này với Tạp chí Nông Thôn Mới.

Ông nhận định thế nào về vấn đề phát triển ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nước ta hiện nay?

Tôi theo dõi thấy trong hầu hết các chiến lược của các tỉnh ở Việt Nam giai đoạn 2020-2025 (trong đó có các tỉnh miền núi), các văn kiện của các tỉnh đều hướng đến các chỉ tiêu kinh tế xã hội rất cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một chỉ số phát triển quan trọng, là đích cuối cùng cần đạt đến, đó là mục tiêu phát triển con người – ít được đề cập mặc dù mục tiêu này bao trùm các chỉ tiêu và giải pháp. Chất lượng của tăng trưởng phải lấy mục tiêu phát triển con người làm trọng tâm, cơ bản, do vậy phải đặt chỉ tiêu HDI trong chiến lược (Human Development Index) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đang xếp thứ tự 118/193 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ tiêu này. Cách tiếp cận hệ thống, liên ngành để giải quyết bất cứ một vấn đề cụ thể của thực tiễn vùng DTTS đều phải đặt trọng tâm vào mục tiêu sinh kế của người dân được nâng lên, môi trường được đảm bảo. Mục tiêu lớn hơn là ở tầm vĩ mô, chiến lược nguồn nước, năng lượng, sinh thái và chất lượng không khí… là những giá trị phải được đảm bảo chắc chắn cho sự bền vững vùng DTTS.

Theo ông, quá trình công nghiệp hóa đang làm thay đổi khu vực miền núi như thế nào?

Vùng DTTS và miền núi của Việt Nam chiếm hơn 75% diện tích cả nước, thuộc 52/63 tỉnh. Đây cũng là khu vực chứa đựng các hệ sinh thái rừng đa dạng và tài nguyên thiên nhiên (động, thực vật, đất đai, khoáng sản,…) phong phú. Là khu vực còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ nghèo cao so với bình quân cả nước, tuy nhiên nhiều khu vực DTTS và miền núi cũng đã và đang chứng kiến sự thay đổi bởi quá trình công nghiệp hoá, đi kèm với thu hút đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh sự phát triển kinh tế, quá trình này cũng đưa tới những tác động ngược chiều: biến đổi môi trường tự nhiên, ô nhiễm đất, nước không khí, sự suy giảm đa dạng sinh học, các sự cố môi trường, thay đổi văn hoá và cấu trúc xã hội…

Ở Việt Nam, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, khai thác tài nguyên phải có báo cáo đánh giác tác động môi trường. Tuy nhiên, vẫn thiếu các quy định về đánh giá xã hội, lồng ghép giới và DTTS nên đã làm gia tăng rủi ro về xã hội trong quá trình thực hiện dự án. Quá trình công nghiệp hóa ở miền núi vẫn ít thấy các khu công nghiệp tập trung, mà chủ yếu các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản. Trong đó, phát triển thuỷ điện ở miền núi đang gây ra nhiều lo ngại về làm mất rừng, chiếm dụng nhiều đất rừng, gây xáo trộn đời sống của hàng trăm nghìn hộ gia đình do phải tái định cư, do ngập lụt bởi xả lũ…

Ở miền xuôi, canh tác nông nghiệp thâm canh, lạm dụng quá nhiều phân bón và hóa chất trong mấy chục năm qua, đã gây hệ lụy làm biến đổi chất đất, ô nhiêm môi trường. Làm thế nào để miền núi không đi theo “vết xe đổ” này, thưa ông?

Ở khu vực miền núi và DTTS, diện tích nông nghiệp thâm canh còn thấp, chủ yếu vẫn canh tác theo lối truyền thống, nên môi trường được giữ gìn đảm bảo tốt hơn. Tuy vậy, những năm gần đây, nông nghiệp thâm canh đã lan đến khu vực miền núi, ngày càng nhiều người DTTS đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp quảng canh sang thâm canh với mục tiêu đạt năng suất cao. Vấn đề này sẽ gây hệ lụy trong tương lai về ô nhiễm môi trường đất canh tác, gia tăng sự phát triển của sâu bệnh gây hại.

Ở vùng DTTS, nhiều giá trị tốt đẹp còn lưu giữ trong cộng đồng. Trong đó, tư duy tiêu dùng với nhu cầu tiêu dùng chừng mực là bản chất từ xưa đã có ở người DTTS, sẽ là một trong những nhân tố giúp bảo vệ môi trường. Trong khi đó, ở khu vực thành thị và miền xuôi, việc quảng cáo của các hãng sản xuất thực phẩm đã kích hoạt quá mức nhu cầu sinh hoạt của con người (nhu cầu ảo, giá trị ảo…) trong tiêu dùng, đẩy con người vào tình trạng càng ăn càng thấy đói, càng uống càng thấy khát. Hiện nay, do sự giao lưu giữa miền xuôi và miền núi, giữa người Kinh và người DTTS, đã làm tư duy của người DTTS thay đổi. Ngày càng nhiều người DTTS tăng nhu cầu tiêu dùng, sử dụng nhiều hàng hóa và thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này, cần phải kết hợp với nhiều yếu tố khác như thay đổi tư duy về tăng trưởng, giảm nhu cầu, cải tiến công nghệ,… để có thể đem lại sự phát triển bền vững. Khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm không tăng, đồng bào DTTS sẽ không tìm mọi cách để tăng năng suất trong canh tác, mà sẽ hướng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để vừa đảm bảo chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường. Giáo dục nhu cầu tiêu dùng chừng mực là vấn đề quan trọng, có thể thông qua các hoạt động văn hóa bản địa có tác dụng tốt (như luật tục cúng rừng, thần nước, bảo vệ sinh thái, động vật, thực vật…).

Chương trình vay bò trả bê ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: Tư liệu.

Vậy theo ông, mô hình kinh tế nào là phù hợp với người dân tộc thiểu số và miền núi?

Cùng với gìn giữ tư duy tiêu dùng chừng mực, giải pháp thứ hai là cần vận động người dân vùng DTTS chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Thực ra, đây là mô hình không hoàn toàn mới. Ở khu vực DTTS và miền núi, nhiều mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có khá sớm như: sử dụng rơm rạ, thân ngô là thức ăn cho trâu bò, nấm rơm, vật liệu xây dựng, vật liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ, ủ phân hữu cơ. Đặc biệt, mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) đã phát triển kinh tế sinh thái kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, thu hồi khí từ vật nuôi dạng hầm Biogas… Mô hình này còn thu hút khách du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch homstay, tìm hiểu văn hóa bản địa.

Chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là phương án khả thi bởi nhiều nội dung hoạt động đã có sẵn trong đời sống, sản xuất của người DTTS một cách tự nhiên. Ví dụ như hệ sinh thái bao quanh ngôi nhà, làng bản của người nông dân vùng DTTS từ nhiều thế kỉ trước. Vùng DTTS là nơi dự trữ sinh quyển, không khí và nước sạch, dự trữ đất và các tài nguyên rừng, nông-lâm, sự đa dạng sinh học… Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc phát triển kinh tế nơi đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đang nguy cơ gây biến dạng văn hóa và đe dọa đến môi trường. Ông nghĩ sao về điều này?

Phát triển kinh tế phải đồng thời với coi trọng văn hóa, coi văn hóa là động lực cho phát triển. Chỉ khi nào cộng đồng tham gia chủ động, tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn sinh thái môi trường, giữ gìn các giá trị bản sắc… họ được thụ hưởng bởi chính hành động của mình. Sự phát triển bền vững vùng DTTS còn cần những yếu tố đảm bảo an ninh nguồn nước, sinh thái, môi trường, chất lượng không khí… cùng với các yếu tố nền tảng là an ninh, quốc phòng cho vùng “phên dậu” của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chu Khôi (thực hiện)