Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Luồng gió mới ở nông thôn Hậu Giang

22:30 22/01/2019 GMT+7

Năm 2018 khép lại, cũng là lúc tỉnh Hậu Giang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh. Trong đó, người dân Hậu Giang tiếp tục tạo nên những dấu ấn bằng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, cho thu nhập cao.

Ông Lê Công Lý, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp (trái) thăm mô hình trồng nhãn của nông dân. Ảnh: CAO PHONG

Đây được xem là cách tiếp cận hay tạo nên “đòn bẩy” để Hậu Giang trở thành tỉnh dẫn đầu xây dựng nông thôn mới khu vực ĐBSCL.

Mát mắt, mát lòng

Cách đây 5 năm (năm 2013), xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) là xã đầu tiên của tỉnh và của vùng ĐBSCL được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là bước ngoặt của Hậu Giang trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tỉnh Hậu Giang vừa long trọng tổ chức công nhận xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp đạt chuẩn NTM. Đây là xã thứ 27/54 của tỉnh Hậu Giang đạt chuẩn này. Như vậy, Hậu Giang đã có 50% xã đạt chuẩn NTM, dẫn đầu khu vực ĐBSCL.

Chúng tôi có dịp về Bình Thành nhân ngày xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Gương mặt người dân rạng ngời, niềm vui lan tỏa khắp ngõ xóm. Đường nông thôn khang trang song hành cùng điện đường, trường trạm… sạch đẹp. Dọc bên những con đường, nông dân thu hoạch dưa hấu tấp nập. Thời tiết thuận lợi nên năng suất dưa đạt bình quân 25-30 tấn/ha, cao hơn khoảng 5.000 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện thương lái vào tận ruộng thu mua giá 6.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí sản xuất, nông dân lãi khoảng 2.000 đồng/kg, trung bình đạt lợi nhuận 50 triệu đồng/ha. Nông dân huyện Phụng Hiệp trồng khoảng 200ha dưa hấu, thu hoạch kéo dài từ nay đến Tết Nguyên đán.

“Giờ nhiều người dân được “hai cái mát”: đường nông thôn ngon lành, có cây hoàng yến vàng rực làm mát mắt; nông dân được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn sản xuất theo mô hình cho thu nhập cao làm mát lòng”, nông dân Võ Trưng ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, tâm sự. Ông Võ Trưng là một nông dân được nhiều người dân ở Bình Thành kính trọng, bởi ông là người mạnh dạn theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp làm mô hình dưa lưới nhà kính. Từ 2.000m² trồng dưa lưới thí điểm ban đầu, không ngại ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp, đến nay diện tích dưa lưới của gia đình ông hơn 8.000m². Trung bình mỗi năm ông sản xuất 4 vụ dưa, với sản lượng đạt hơn 60 tấn trái, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mô hình dưa lưới của ông Trưng còn giải quyết việc làm cho gần 10 nhân công lao động/ngày. Từ thành công của mô hình ông Trưng, xã đã thành lập HTX dưa lưới Thuận Phát ổn định đầu ra, được doanh nghiệp bao tiêu giá.

Thấy ông Võ Trưng trồng dưa lưới thành công, ông Năm (Đặng Văn Năm, ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành) cũng sốt ruột với ruộng mía thất bát và rớt giá. Ông quyết định chuyển 7 công đất trồng mía sang trồng nhãn Ido. Vụ thu hoạch đầu tiên đã mang về cho ông Năm lợi nhuận gần 200 triệu đồng và vụ mới đây lợi nhuận đến 300 triệu đồng.

Thành công mô hình nhãn Ido đang được nhiều nông dân tìm hiểu sản xuất. Đến nay, Bình Thành có trên 100 mô hình sản xuất nổi bật thu lợi nhuận hàng năm từ 150 – 300 triệu đồng/năm, cá biệt có những mô hình thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Bình Thành đạt 41 triệu đồng/người/năm.

Người dân đồng lòng, đồng hành

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NMT là một trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng của Chính phủ. Phụng Hiệp đã xây dựng được 4/12 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 33,3% trên tổng số xã. Trong khi đó, theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, đến năm 2020 huyện phải đạt 50% số xã. “Phụng Hiệp là huyện có địa bàn rộng, dân số đông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để thực hiện mục tiêu đó, lãnh đạo huyện và cán bộ phải “quyết liệt, thực chất, hiệu quả”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn”, ông Lê Công Lý, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết.

Cái hay của người dân Bình Thành là nhanh chóng tiếp thu và thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả theo phương châm “Mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng” mà tỉnh Hậu Giang phát động. Có thể nói, việc tỉnh Hậu Giang cử cán bộ nông nghiệp sát cánh cùng nông dân trong phong trào xây dựng NTM gắn với phương châm đề ra đã tạo ra luồng gió mới được người dân đón nhận và chí thú sản xuất.

Huyện Phụng Hiệp cũng là nơi có hàng chục nông dân có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng mãng cầu xiêm. Mãng cầu xiêm ngoài bán cho nhà máy trái cây trên địa bàn, còn được người dân liên kết sản xuất ra trà mãng cầu xiêm đang được thị trường ưa chuộng. Sự thay đổi mang lại hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đã tạo ra sự cộng hưởng tích cực khi người dân tham gia xây dựng NTM.

“Tỉnh Hậu Giang đang dồn nhiều nguồn lực ưu tiên cho xây dựng NTM. Chúng tôi xác định, xây dựng NTM phải nâng cao mức sống và tinh thần cho người dân. Đồng hành cùng phong trào xây dựng NTM là sự hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay. Chúng tôi rất vui khi việc xây dựng NTM được người dân đồng lòng, đồng hành. Chính vì vậy, cán bộ địa phương cần nâng cao nhận thức, xem đây là giải pháp thiết thực để nâng cao đời sống và tinh thần cho người dân thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế bền vững cho người dân”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Nguồn SGGP