Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mừng thọ nét đẹp ngày Xuân của người Việt

Hoàng Tính - 07:16 11/02/2022 GMT+7
Không rõ phong tục mừng thọ chính xác có từ bao giờ, nhưng nó đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt trên khắp cả nước mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nét đẹp truyền thống những ngày Xuân

Theo quan niệm dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được phúc lớn trời ban. Vì có phúc nên mới được sống lâu và có con cháu đề huề, mừng thọ chính là mừng cái phúc ấy. Con cháu ở xa, gần đến ngày về mừng thọ ông bà, cha mẹ là được có thêm niềm vui, niềm tự hào.

Con cháu sum vầy tổ chức mừng thọ cho các cụ vào những ngày đầu Xuân  

Lễ mừng thọ của người cao tuổi thường được con cháu tổ chức vào ngày đầu Xuân năm mới, trong không khí Xuân rộn ràng tràn đầy tình thân, con cháu ở khắp nơi về sum vầy.

Ngày xưa, lễ mừng thọ được bắt đầu khi trong gia đình có người từ 60 tuổi trở lên. Ngày nay, khi chất lượng đời sống ngày một nâng cao, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn nên độ tuổi mừng thọ thường được bắt đầu từ 70 tuổi trở lên.

Việc mừng thọ cũng không còn giới hạn trong quy mô gia đình, dòng họ mà được chính quyền địa phương quan tâm. Những cụ có tuổi năm chẵn 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, lúc 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi thì gọi là bách tuế hay bách niên chi lão. Việc mừng thọ sẽ được tổ chức mừng thọ tại UBND xã, nhà văn hóa, đình làng theo nghi thức, phong tục truyền thống của từng địa phương trong không khí đầm ấm, mang đến niềm vui cho tất cả mọi người.

Trong lễ mừng thọ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là trang phục truyền thống của dân tộc mình, trang phục màu đỏ hoặc màu vàng tùy tuổi thọ, đi hài. Các cụ ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu, kính lễ, sau đó làm tiệc mừng thọ.

Con cháu luôn dành cho bố mẹ, ông bà những lời chúc tốt đẹp, thể hiện niềm tôn kính, hiếu thảo trước công lao sinh thành và dưỡng dục, chăm lo và dạy bảo theo suốt cuộc đời. Những lời này còn được thêu trên bức trướng, bức tranh hay thông qua những vần thơ giàu ý nghĩa.

 Trong buổi lễ, ngoài con cháu trong gia đình còn có họ hàng nội ngoại gần xa, bà con hàng xóm đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và con cháu. Sau phần lễ, gia đình tổ chức cỗ đãi họ hàng và khách đến chúc mừng, chung vui trong không khí vui vẻ.

Mùa Xuân năm 2022 mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song ở nhiều địa phương các cấp chính quyền vẫn quan tâm tổ chức mừng thọ cho những người cao tuổi bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc mừng thọ được tổ chức trang trọng, đầm ấm, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên.

Những việc cần loại bỏ trong lễ mừng thọ

Kinh tế phát triển, cuộc sống của mỗi gia đình cũng đều tốt hơn chính vì vậy phong tục mừng thọ đã trở nên quen thuộc với mọi người, từ làng xã, nông thôn cho đến phố phường, thành thị trên khắp cả nước. Tuy nhiên, với sự “Hiện đại hóa” của xã hội ngày nay, cộng với ý nghĩ “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà đã có nhiều gia đình tổ chức lễ mừng thọ quá đà, gây nhiều lãng phí, tốn kém không cần thiết.

Đầu tiên là về những nghi thức trong lễ mừng thọ. Trước đây, vào ngày mừng thọ, con cháu chỉ dâng rượu chúc thọ ông bà thì nay có gia đình còn bày vẽ thuê cả kiệu rước cụ ra đình. Có nhà thì thích “khoe mẽ”, lợi dụng việc mừng thọ mà phô trương tên tuổi, thuê cả phông bạt về dựng rạp, cũng chữ xanh, chữ đỏ, mở nhạc sập xình suốt ngày, đêm rình rang cả làng trên, xóm dưới.

Vấn đề thứ hai là chuyện tổ chức ăn uống. Theo tục lệ ngày xưa, lễ mừng thọ thường chỉ diễn ra trong nội bộ gia đình, làm mấy mâm cơm để cả gia đình sum họp, đầm ấm. Hiện giờ, lễ mừng thọ đã bị một số người bóp méo, xấu xí bằng việc tổ chức xa hoa, tốn kém, nhất là trong khâu ăn uống. Họ mời mọc khắp làng, khắp xóm, thuê người nấu vài chục mâm cỗ, ăn uống linh đình. Cá biệt, có nhà lợi dụng, biến chuyện mừng thọ ông bà, cha mẹ trở thành chuyện “thương mại hóa”, kinh doanh lời lãi. Việc tổ chức lễ mừng thọ không phải để tỏ lòng hiếu thảo mà thừa dịp thu phong bì, quà cáp…

Còn một chuyện cũng đáng để bàn là vấn đề quà cáp. Nếu trước đây, vào ngày mừng thọ, ông bà thường chỉ nhận từ con cháu và những người thân thiết những món quà đơn giản, mang nặng ý nghĩa tình cảm là chính thì nay, khi được mời đi ăn tiệc mừng thọ, không ít người phải đắn đo về vấn đề phong bì, quà cáp. Những người có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày phải lo biết bao chi phí, khi được mời đi ăn mừng thọ, đi thì tốn một khoản tiền không nhỏ, mà không đi lại sợ bị trách. Thành ra việc tặng quà mừng thọ không mang ý nghĩ đẹp nữa mà nặng về yếu tố vật chất hơn.

Thiết nghĩ, mừng thọ là một phong tục đầy ý nghĩa nhân văn đã được lưu truyền từ bao đời nay. Bởi vậy, những quan niệm sai lầm trong việc tổ chức mừng thọ trên cần phải được loại bỏ. Lễ mừng thọ cần tổ chức làm sao để vừa đầm ấm, vừa tiết kiệm, để lễ mừng thọ luôn là một nét đẹp văn hóa thuần Việt đáng được lưu truyền.