Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nâng cao năng suất, đi đôi với chất lượng và hướng đi bền vững

17:24 30/12/2017 GMT+7

Đã nhiều năm nay, người trồng cà phê ở  thôn 4 xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai  không còn phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm nông sản của mình, không những vậy, cà phê còn được thu mua  với giá cao  hơn thị trường vì sản phẩm cà phê  ở đây có chất lượng rất tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm  theo bộ  tiêu chuẩn  4C do Bộ nông nghiệp quy định.

Trước đây, cũng như nhiều người dân trong tỉnh, các hộ  canh tác cà phê theo tập quán cũ, tự mua cây giống về trồng, khi thấy trời sắp mưa thì mang phân ra bón, và một cây cà bị sâu bệnh thì  cũng tự mình đi mua thuốc trừ  sâu về phun cho cả vườn, vất vả quanh năm nhưng năng suất cà phê rất thấp, đời sống khó khăn.

Cùng chung một  mục tiêu nâng cao sản lượng và chất lượng cà phê, tìm thị trường đầu ra ổn định. Năm 2010, 77 hộ nông dân  đã tự thành lập tổ hợp tác 4C, trồng cà phê sạch trên diện tích tập trung 200ha do  ông Nguyễn Tiến Dũng , Bí thư Đảng ủy xã Trà Đa, làm Tổ trưởng tổ hợp tác 4C. Để tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, lâu dài, ông đã phối hợp với công ty cà phê Nestle thực hiện mô hình này, công ty hỗ trợ về kỹ thuật, giám sát hỗ trợ người dân quy trình thực hiện và thu mua sản phẩm cho bà con.

Tất cả hội viên trồng cà phê phải tuân thủ nghiêm ngặt theo bộ tiêu chuẩn 4C. Bắt đầu quy trình từ khâu chọn giống, trồng chăm sóc, đến khi thu hoạch. Phương pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Khi thu hoạch trái cà phê tỷ lệ quả chín phải đạt tỷ lệ 90% trở lên, phơi trên nền xi măng  không được phơi ở sân đất, khi xay ra nhân phải đóng vào bao bì  mới, kho chứa cũng phải đảm bảo đủ  độ ẩm theo quy định 15oC.

Những năm qua, nhờ áp dụng theo đúng quy trình, vườn cà phê của bà con phát triển rất tốt, cây không bị dịch bệnh, năng suất rất cao đạt từ 4 đến 5 tấn nhân trên 1ha, tăng từ 0,5 đến 1 tấn/ 1ha, giá thu mua cao hơn giá cà phê bình thường từ 300 – 600 đồng /1kg. Ông Nguyễn Văn Thiện, thôn 4, xã Trà Đa, thành phố Pleiku cho biết, Gia đình tôi trồng hơn 10ha cà, tham gia tổ hợp tác 4C, thì được tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng theo quy tắc của bộ 4C, cây cà sinh trưởng tốt hơn, khi hoạch toán về sản xuất đầu vào nhỏ hơn đầu ra, năng suất thu cao hơn và sản phẩm bán ra cũng cao hơn cà phê bình thường.

Gia đình ông Nguyên Văn Thiện đã đầu tư khoảng gần 5.000m2 sân xi măng để phơi cà phê

Nói về hiệu quả từ khi triển khai mô hình này ông Nguyễn Tiến Dũng  – Tổ trưởng tổ hợp tác 4C, Bí thư Đảng ủy xã Trà Đa, thành phố Pleiku cho biết: “Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt  theo bộ tiêu chuẩn 4C. Hiện nay cà phê của chúng tôi đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và  đã được xuất khẩu sang các nước  Châu Âu, một thị trường khó tính họ luôn đặt vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm lên hàng đầu, chúng tôi rất mừng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập thành  Hợp tác xã, theo tiêu chí xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới để mở rộng diện tích canh tác, thu hút thêm nhiều thành viên để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã”.

Việc canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C đã làm thay đổi nhận thức của người trồng cà phê; chi phí đầu vào thấp hơn nhưng năng suất đạt cao hơn, chất lượng tốt hơn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe của những người lao động trực tiếp, sức khỏe của người tiêu dùng. Từ tổ hợp tác 4C mà nhiều hội viên đã vươn lên giàu có, trở thành những hộ kinh doanh sản xuất giỏi của tỉnh. Bên cạnh đó mô hình canh tác cà phê 4C đã được ghi nhận, hiện nay tỉnh đã nhân rộng sang các huyện lân cận giúp bà con nông dân  trồng cà phê trong tỉnh cải thiện dần tập tục canh tác cũ chuyển sang thâm canh  tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được đòi hỏi của thị trường cà phê khó tính hiện nay.

Thanh Xuân