Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nền nông nghiệp dựa vào hóa học vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo

16:00 28/12/2017 GMT+7

Với điều kiện của Việt Nam, nông nghiệp dựa vào hóa học vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định an sinh xã hội và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc tế, còn nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phần phân khúc thị trường cao cấp.

nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phần phân khúc thị trường cao cấp

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển nông nghiệp hữu cơ lần thứ nhất với chủ đề “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 27/12.

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho hay, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là tăng năng suất, mà muốn tăng năng suất thì chỉ có con đường sản xuất hóa học. Đây cũng là xu thế của các nước đang phát triển trên thế giới.

Theo ông Phong, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt mà phải dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng. Đồng thời, cần xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn.

Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất đòi hỏi những yêu cầu khắt khe với người sản xuất và thị trường rất hạn chế. Do vậy, phát triển nông nghiệp cần hài hòa, bền vững, trong đó sản xuất theo hướng thâm canh, hóa học vẫn là chủ yếu.

Hiện cả nước có 26 cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố với tổng diện tích gần 4.100 ha. Các mô hình khá hiệu quả như nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10.000 ha xuất khẩu sang EU. Ngoài ra còn có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học với gần 1.200 ha lúa, 90 ha rau, 285 ha nho và 79 ha táo. Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như mật ong, rau, chè, thịt heo, tôm.

Tuy nhiên, việc sản xuất NNHC hiện nay cơ hội ít và khó khăn thách thức thì nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí chứng nhận cao, và phức tạp, phải có thời gian khá dài cải tạo đất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

Ông Phong cho hay, hiện Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm hữu cơ. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1104:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thực sự đi vào cuộc sống đã phải chuẩn bị để thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2017 (đang dự thảo) với các quy định chi tiết hơn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hoà với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp kiểm soát tốt thị trường sản phẩm nông nghiệp  hữu cơ, loại bỏ các sản phẩm “đội lốt” hữu cơ hiện đang được bày bán khá phổ biến trên thị trường.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã trao đổi về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, việc xác định chủng loại sản phẩm, thị trường cũng như quy mô cho việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Cùng với đó là những chính sách cần được Chính phủ ban hành để nông nghiệp hữu cơ thu hút được các thành phần kinh tế tham gia.

PV