Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nét “lắng hồn núi sông” từ nghề thêu long bào

07:15 23/07/2021 GMT+7

Làng thêu Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) ra đời từ hàng trăm năm trước với nghề thêu long bào phục vụ các bậc vua, chúa thời phong kiến. Ngày nay, người dân vẫn gìn giữ lối thêu phục chế long bào tạo nên một nét văn hóa đặc sắc.

Hiện nay, nghề thêu long bào Đông Cứu đã thu hút thế hệ trẻ ở làng theo học.

Gìn giữ nét xưa

Nằm bên phía hữu ngạn con sông Nhuệ, làng Đông Cứu từ xa xưa đã nổi danh trong nước với nghề thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. Nhiều sản phẩm thêu truyền thống đặc trưng của làng như: Nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng, áo lễ… hầu như có mặt ở khắp nơi trong cả nước.

Về làng Đông Cứu hôm nay, những sản phẩm may thêu đã được bán khắp cả nước. Dù công nghệ thêu bằng máy đã phát triển ở nhiều làng thêu khác nhưng nghề thêu tay vẫn là thế mạnh ở Đông Cứu. Thêu trang phục cung đình đòi hỏi sự khắt khe, tỉ mỉ và rất nhiều tâm sức. Công cụ thêu cũng khá đơn giản, gồm kim thêu, khung thêu, kéo, thước, bút lông, chỉ thêu, vải thêu các loại.

Bà Phùng Thị Mai – một thợ thêu trong làng, chia sẻ: “Có những chiếc áo làm mấy tháng, có những chiếc phải làm cả năm trời. Ở đây, tất cả các công đoạn đều thêu bằng tay nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Ví dụ áo vua thì cách se chỉ và phối màu khác áo hoàng hậu, mỗi họa tiết đều phải tỉ mỉ dù là nhỏ nhất, cách phối màu phải theo mức độ đậm nhạt. Có những khách ở tận miền Nam cất công ra đây để được tận mắt nhìn thấy chúng tôi thêu tay.”

Đối với kỹ thuật thêu, phối màu là một điều quan trọng tạo nên bức thêu đẹp, khẳng định được tay nghề người thợ. Đối với những tay thợ giỏi, trên sản phẩm thêu bao giờ cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quyện lấy nhau, đường thêu mềm mại. Người Đông Cứu có bàn tay rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là người thợ có thể cầm kim thêu và chỉ sau một thời gian ngắn tấm vải đã hiện lên những bức tranh sinh động.

Dù ngày nay có công nghệ thêu máy hiện đại với từng đường chỉ đều tăm tắp, tuy nhiên sản phẩm thêu tay vẫn được khách hàng ưa chuộng hơn. Một sản phẩm được tạo ra dưới sự chăm chút, cần mẫn hàng tháng trời từ những đôi tay khéo léo luôn mang đến sự tinh tế, có giá trị thẩm mỹ cao.

Bảo tồn và phát huy nghề thêu cổ là mong ước và tâm huyết của nhiều nghệ nhân làng Đông Cứu.

Gắn nét truyền thống với phát triển kinh tế

Trước đây, làng thêu long bào Đông Cứu từng rơi vào tình cảnh khó khăn. Một phần do không có thợ kế nghiệp. Mặc khác, các sản phẩm như long bào, áo quan đều là sản phẩm cao cấp không còn ai dùng nữa. Trước đây, áo long bào chủ yếu được làm cho các tổ văn công, sau này làm trang phục cho các đoàn phim nên chất lượng không thể bằng những chiếc áo nguyên chiếc, long bào đúng nghĩa ngày xưa. Để duy trì cuộc sống, nhiều người dân làng thêu Đông Cứu đã phải quay sang làm hàng thị trường để kiếm sống.

Để duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống nổi tiếng như ngày nay là quá trình bền bỉ tạo thương hiệu và sáng tạo, kế thừa nhiều thế hệ của người dân Đông Cứu. Hiện nay, làng thêu hội tụ những tay nghề giỏi, tâm huyết sẵn sàng đào tạo học nghề cho mọi người, nhất là con em trong làng. Đặc biệt, thế hệ trẻ ở làng đang theo nghề khá nhiều. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống trên cả nước đứng trước nguy cơ mai một.

Hiện nay, làng Đông Cứu có hơn 100 hộ gia đình đứng ra mở xưởng và nhận hàng về thêu. Mỗi xưởng có quy mô từ 10-20 thợ thêu thủ công. Sản phẩm của làng đa dạng mẫu mã như: Khăn chầu áo ngự, nghi môn, trướng, tán và được bán khắp cả nước, nhiều nhất là miền Bắc và thị trường Hà Nội. Thu nhập từ nghề thêu khá cao, giúp người dân Đông Cứu ổn định kinh tế đồng thời có thể bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu chia sẻ: “Làng thêu Đông Cứu được khách hàng tin dùng rất nhiều, số lượng đặt hàng lớn, càng ngày càng phát triển hơn. Công nhân của làng nghề được trả lương cao. Để tiếp nối và giữ gìn nghề truyền thống của ông cha, hiện nay chúng tôi liên tục đào tạo con em trong nhà, các cháu chưa xin được việc làm. Tất cả các thành viên trong làng đều làm nghề, nghề thêu mang lại nguồn thu nhập chính và giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.”

Gia đình nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã trải qua 5 đời làm nghề thêu. Anh chia sẻ rằng, thêu trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của Vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều. Trong khi áo Hoàng hậu lại là chỉ se một chiều. Riêng long bào của Vua, mỗi gam màu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng khoảng 200 màu chỉ thêu. Đấy là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, phức tạp.
“Không chỉ khắt khe về nguyên liệu, lối thêu cũng hoàn toàn khác biệt. Mỗi hoa văn, họa tiết có cách thêu khác nhau và đòi hỏi tỉ mỉ từng chi tiết, màu sắc cũng phải uyển chuyển, hài hòa theo ngũ sắc thời xưa, thiên nhiên có màu sắc gì thì trong đó phải có màu sắc đó” anh Giỏi nói.

Các mẫu long bào được thêu cẩn thận, tỉ mỉ.

Để thêu được một chiếc long bào phải mất hàng năm, chưa tính trường hợp bị hỏng. Thêu một chiếc áo để phục vụ các dịp lễ hội, hầu bóng cũng phải mất tới vài tháng. Chính bởi vậy, thợ ở làng Đông Cứu chỉ làm theo đơn đặt hàng. Không chỉ tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo, có một không hai phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, làng Đông Cứu còn là một điểm du lịch lý thú thu hút nhiều khách du lịch.

Các nghệ nhân làng Đông Cứu đang từng ngày gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa của các thế hệ trước để lại, giúp nghề truyền thống không bị mai một. Với những giá trị văn hóa đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Nghề thủ công truyền thống thôn Đông Cứu là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo thông tin được ghi trên bản sắc phong, làng thêu xuất hiện dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (năm 1746). Làng Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, cũng là ông tổ nghề thêu. Tương truyền rằng khi đi sứ phương Bắc, ông học được kỹ thuật thêu nên về truyền lại cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.

Thu Ba