Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghệ An: Ước tính mưa lũ gây thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng

Bùi Ánh - 07:53 10/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4, nhưng hoàn lưu sau bão đã gây ra thiệt hại rất nặng nề cho tỉnh Nghệ An. Ước tính sơ bộ con số đã tăng lên khoảng 900 tỷ đồng.

Ngày 9/10, thông tin từ thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT – TKCN&PTDS) Nghệ An khẳng định, trận thiên tai mới nhất gây thiệt hại cho địa phương khoảng 900 tỷ đồng và con số còn có thể tăng lên khi công tác kiểm đếm vẫn còn tiếp tục.

Ngổn ngang sau lũ ngang qua

Đợt mưa lũ đầu tháng 10 này làm 8 người chết, có 6.174 ngôi nhà bị ngập trong đó huyện Quỳnh Lưu 1.313 nhà, huyện Hưng Nguyên 1.615 nhà, huyện Yên Thành 1.357 nhà, huyện Diễn Châu 530 nhà, Thành phố Vinh 652 nhà… Số hộ phải di dời có 747 hộ. Số nhà bị hư hỏng trên 70% có 84 nhà…

Về nông nghiệp, thiệt hại vượt quá sức tưởng tượng của người dân. Đối với diện tích trồng lúa, ước tính thiệt hại hơn 2.932ha, hoa màu hơn 10.348ha, cây công nghiệp 1.292ha, cây ăn quả 337ha, lương thực bị hư hỏng cuốn trôi 113,75 tấn (các số liệu làm tròn). Về chăn nuôi gia súc bị chết, cuốn trôi 1.984 con, gia cầm bị chết, cuốn trôi 265.383 con, chuồng trại bị hư hỏng, ngập 53 cái… Diện tích ao hồ bị ngập hơn 10.058ha, lồng cá bị cuốn trôi 191 cái. Về diêm nghiệp - muối bị thiệt hại 797 tấn. Hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở 13.202m, sạt lở bờ sông 4.249m.

Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng 900 tỷ đồng

Hạ tầng giao thông cũng bị hư hỏng khá nghiêm trọng, đường bị sạt lở 76.342m riêng huyện Kỳ Sơn sạt lở nhiều đoạn tại tuyến đường Thị trấn Mường Xén, cầu tràn hư hỏng nặng nhưng chưa xác định được khối lượng cụ thể. Khối lượng đất đá sạt lở 82.242,8 m3, có 22 cầu nhỏ bị hư hỏng, 113 cống bị cuốn trôi, hư hỏng,…

Riêng huyện miền núi Kỳ Sơn chiếm khoảng 1/5 trong tổng số toàn tỉnh phải hứng chịu. Qua thống kê, tổng ước tính thiệt hại của huyện Kỳ Sơn lên đến 190 tỷ đồng, thêm mức thiệt hại 70 tỷ đồng của trận thiên tai trước đó 1 tháng. Đây là con số thiệt hại lớn của một huyện thu ngân sách hàng năm chỉ đạt 12 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân thất thần sau lũ dữ ập đến cuốn trôi nhiều tài sản có giá trị.

Sau lũ dữ, ngập lụt kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đây cũng là thời điểm các dịch bệnh mùa mưa lũ có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng nếu không có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Do đó, phương án cần được chú trọng là vệ sinh, khử khuẩn môi trường nông thôn nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh.

Một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay là nguồn nước sạch thiếu thốn. Sau khi nước lũ tràn qua, nhiều giếng nước bị ngập do đó cần được kịp thời xử lý để đảm bảo vệ sinh nguồn nước khi đưa vào sử dụng. Người dân cần chủ động lau dọn nhà cửa, thực hiện ăn chín uống sôi để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ.