Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dân bức xúc vì mùi hôi thối từ trang trại lợn Masan ở Nghệ An

Bùi Ánh - 10:26 01/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ khi trang trại lợn lớn của Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An (Công ty thành viên của Tập đoàn Masan) đi vào hoạt động, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An) cùng những vùng lân cận chịu nhiều hệ lụy. Thực trạng này tồn tại suốt nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người dân và chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, khiến người dân không khỏi băn khoăn, bức xúc.

"Nhiều lúc không thể ngủ được vì mùi hôi thối nồng nặc"

Dọc theo tuyến đường Tỉnh lộ 531C nối từ Quốc lộ 48D là 2 trang trại lợn S1 và S2 của Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan), cả 2 trại này nằm trên phần đất thuộc xóm Côn Sơn, nay là xóm Cồn Tô xã Hạ Sơn. Tổng diện tích cơ sở chăn nuôi của trại S2: 1.116.800m2 (trong đó: Diện tích chuồng nuôi: 110.265m2; diện tích khu xử lý chất thải: 8.106,5m2). Trại S2 đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2017 với 5.000 lợn nái và 40.000 lợn thịt. Còn  trại S1 có tổng diện tích cơ sở chăn nuôi: 1.094.315,8 m2 (trong đó, diện tích chuồng nuôi: 95.553 m2; diện tích khu xử lý chất thải: 7.467 m2). Trại S1 bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2019 với 5.400 lợn nái và 60.000 lợn thịt. Trang trại nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển miền Tây tỉnh Nghệ An, cách thị trấn Quỳ Hợp khoảng 25km về phía Đông Nam.

Trang trại lợn tại địa bàn xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp - Nghệ An) bị cho là gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Bùi Ánh

Vừa đặt chân đến vùng đất cách trang trại chừng 1km, chúng tôi đã bắt đầu ngửi thấy một mùi hôi thối khó tả, không giống với quang cảnh thoáng đãng thanh bình xung quanh. Theo phản ánh của người dân nơi đây, kể từ khi trang trại đi vào hoạt động đến nay, họ không được yên ổn với mùi “lạ” này. Nhân dân các xóm Xuân Sơn, xóm Xiểm và xóm Cồn Tô đã phản ánh với doanh nghiệp và chính quyền địa phương về mùi hôi thối do trang trại lợn chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường gây ra, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Bức xúc vì phải sống trong cảnh ô nhiễm không khí, chị Trương Thị Thực ở xóm Cồn Tô nói: “Nhiều lúc không thể ngủ được vì mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ trại lợn. Mỗi lần ý kiến thì nghe nói phía trang trại đảm bảo mọi điều kiện về môi trường nhưng chúng tôi là dân, những thứ đó chúng tôi không rõ, chỉ biết hôi thối không chịu được, đành phải phản ánh lên xã. Giờ đi không được mà ở không xong, nhiều đêm thức trắng vì mùi bốc nồng nặc, thậm chí có lúc bị nôn giống như bị ngộ độc. Đấy, chị (PV) đứng đây cũng ngửi một mùi khét lẹt đó. Giờ này (tầm hơn 9h sáng ngày 06/9/2022) họ lại thiêu lợn chết, không ngửi mùi thối từ chất thải của lợn thì ngửi mùi khét lẹt của lò thiêu lợn chết. Chẳng có gì khổ bằng nổi khổ của người dân chúng tôi sống gần trang trại, cảnh này chẳng biết bao giờ mới có thể chấm dứt. Từ khi họ về xây dựng trang trại, dân chúng tôi chưa một ngày được yên ổn vì mùi hôi thối bủa vây”.

Người dân xóm Cồn Tô và vùng phụ cận nói rằng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nhiều vì ô nhiễm không khí. Ảnh: Bùi Ánh

Không những vậy, các hộ dân ở gần trại lợn này cho biết còn phải hứng chịu những đàn ruồi muỗi kéo về rất nhiều, khiến cuộc sống bị xáo trộn. Trước tình cảnh này, nhiều hộ dân ở xóm Xuân Sơn đã phải đề nghị Công ty cấp thuốc khử trùng để xử lý ruồi muỗi.

Nói về thực trạng ô nhiễm từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An trên địa bàn xã, ông Trương Văn An – Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn cho biết: “Ô nhiễm không khí giờ không chỉ xảy ra trên địa bàn xã Hạ Sơn nữa mà nay đã lan sang cả xã Minh Hợp và một số xã thuộc huyện Nghĩa Đàn. Chính quyền cũng rất vất vả mỗi lần người dân phản ánh, mọi thứ đều vượt ngoài thẩm quyền xã có thể giải quyết nên chỉ có thể an dân đến lúc nào hay lúc đó thôi. Với cương vị người đứng đầu chính quyền xã, tôi chỉ mong sao cuộc sống của người dân được yên ổn. Gia đình tôi sống cách trang trại khoảng 7km nhưng cũng bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối từ trang trại bay tới”.

Chủ đầu tư đã khắc phục, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cả 2 trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An chính thức đi vào hoạt động đến nay đã gần 5 năm và liên tục có mùi hôi thối xuất hiện, trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trên địa bàn. Điều này thể hiện qua ý kiến cử tri trong những cuộc họp HĐND xã, trong các báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường của UBND xã Hạ Sơn, biên bản làm việc của Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng này.

Phía Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An cũng đã có những biện pháp khắc phục nhằm hạn chế phát tán mùi hôi thối ra ngoài như: Làm vệ sinh chuồng trại hàng ngày, phun chế phẩm vi sinh khử mùi, bổ sung cây xanh. Ngoài việc thực hiện đảm bảo các biện pháp về giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Công ty cũng đã bổ sung xây dựng hệ thống xử lý mùi sau quạt chuồng nuôi bằng giàn phun sương có chế phẩm EM, giảm lượng protein trong thức ăn…, vì vậy mùi hôi cũng đã được giảm phần nào. Tuy nhiên, tình trạng mùi khó ngửi vẫn tiếp tục diễn ra với người dân.

Một trong hai trang trại chăn nuôi lợn của Masan tại xã Hạ Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Bùi Ánh

Từ ý kiến phản ánh của cử tri, HĐND huyện đã nhiều lần xuống thực tế và làm văn bản báo cáo gửi các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, vấn đề đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Theo một báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/3/2021, trại lợn Masan đang nuôi tổng cộng 133.732 con (trong đó có 10.863 con lợn nái, vượt 863 con so với quy mô chuồng trại của trang trại này). Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm văn bản yêu cầu Công ty TNHH MNS Farm Nghệ AN xử lý báo cáo trước ngày 31/5/2021 và đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát.

Ông Trương Văn An - Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn mong muốn có biện pháp xử lý môi trường để cử tri các xóm sẽ không còn phải phản ánh về những ô nhiễm do trại lợn gây ra trong các kỳ họp HĐND. Ảnh: Bùi Ánh

Khó đạt tiêu chí "Môi trường" trong xây dựng Nông thôn mới

“Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới, thế nhưng với điều kiện như hiện nay thì tiêu chí này tôi e khó đạt. Hơn nữa, trại lợn hoạt động còn rất nhiều vấn đề đáng bàn, giờ không chỉ ô nhiễm từ không khí, mà nguy cơ mạch nước ngầm của người dân sinh hoạt sau này nữa. Với lượng nước dùng từ trại lợn mỗi ngày như thế, mạch nước ngầm nguy cơ sẽ tụt và lâu dài nguồn nước này cũng sẽ ô nhiễm. Khi đó, người dân họ không chịu được cảnh này thì không biết sẽ ra sao” - ông Trương Văn An cho biết thêm.

Cũng theo ông Trương Văn An, kể từ khi Công ty về đây thực hiện dự án, đất của một số người dân đang sản xuất bị thu hồi. Sau khi bị thu hồi đất và không có đất sản xuất, một số hộ đi mua lại được của những hộ khác, còn một số lại không mua được đất. Hơn nữa, giá đất mua lại bây giờ đắt gấp 2-3 lần, nhưng cũng không thể có để mua. Do đó, họ không có đất để canh tác, đành đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Cũng có một số hộ dân sau khị bị thu hồi đất được nhận vào làm công cho trang trại lợn, nhưng không phải ai cũng có thể bám trụ ở đó lâu được, đã có một số người nghỉ việc, hiện không còn làm cho công ty này nữa.

Tuyến đường Tỉnh lộ 531C nối từ Quốc lộ 48D đi vào đã bị xuống cấp gây khó khăn trong việc lưu thông của người dân. Ảnh: Bùi Ánh

Thêm vào đó, tuyến đường Tỉnh lộ 531C nối từ Quốc lộ 48D đi vào đã bị hư hỏng nghiêm trọng, có những đoạn xuất hiện những hố sâu khiến xe đi lại rất khó khăn. Theo đại diện UBND xã Hạ Sơn, tuyến đường này chủ yếu là xe ra vào của Công ty vận chuyển lợn và thức ăn liên tục. Mặc dù người dân có đi lại sản xuất trên tuyến đường đó, nhưng cường độ không cao, bởi việc thu hoạch mía mỗi năm một lần, còn diện tích trồng cây keo thì 5 năm mới thu hoạch một lần. Bây giờ đường hư hỏng nặng, phía Công ty có hỏi UBND xã bỏ thêm kinh phí để tu sửa, nhưng xã không có ngân sách để sửa đường, mà chỉ vận động người dân ra phát quang, khơi thông cống rãnh.

Trong quá trình trao đổi với chúng tôi, một số người dân và cán bộ địa phương nói rằng, họ hiểu được việc đầu tư của các doanh nghiệp lớn đóng vai trò thúc đẩy quan trọng đối với kinh tế, xã hội của địa phương và ủng hộ doanh nghiệp đầu tư, làm ăn có lãi. Tuy nhiên, cùng với lợi của doanh nghiệp thì phải đảm bảo lợi ích của cộng đồng, nhất là vấn đề môi trường sống của người dân địa phương phải được đảm bảo. Ý kiến của người dân về nỗi khổ khi phải sống trong môi trường "ô nhiễm không khí" cần được lắng nghe, thấu hiểu và xử lý có hiệu quả. Như vậy mới thực sự là dân chủ, công bằng và văn minh.