Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghịch lý nguồn nguyên liệu nông lâm thủy sản

23:06 26/12/2017 GMT+7

Để đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo từ nhiều thị trường xuất khẩu (XK) cao cấp, chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến Việt đang đòi hỏi nguồn nguyên liệu nông lâm thủy sản phải đạt chuẩn sạch. Có những doanh nghiệp (DN) XK thực phẩm uy tín đã buộc phải hủy ý định ra đời sản phẩm mới vì không tìm được nguồn nguyên liệu sạch và trong khi hàng loạt nông lâm thủy sản chúng ta phải giải cứu.

Khó khăn của các DN xuất khẩu thực phẩm là đang thiếu nguồn nguyên liệu đạt chuẩn

Đơn cử như trường hợp công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới ở Bến Tre, DN XK thực phẩm với kim ngạch hàng năm khoảng 20 triệu USD vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Canada, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông…

Ban đầu, công ty hăm hở định ra lò một sản phẩm thực phẩm mới với nguyên liệu chủ yếu từ hành lá. Nhưng vấn đề đặt ra là nguồn hành lá đang tiêu thụ phổ biến trên thị trường liệu có đáp ứng được tiêu chuẩn sạch hay không.

Khó tìm nguyên liệu đạt chuẩn

Rốt cuộc, kết quả ấp ủ ra sản phẩm mới không mấy khả quan. Bởi lẽ, khi công ty ra chợ truyền thống để thử mẫu hành lá thì xác định có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó, công ty quay sang kênh siêu thị để xác định nguồn gốc hành lá thì cũng… y chang kênh truyền thống.

Đây cũng là tình hình chung của nhiều DN chế biến thực phẩm XK sang các thị trường cao cấp khi mà nguồn nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn sạch không phải lúc nào cũng có.

Tại hội nghị kết nối chuỗi hành động vì an toàn thực phẩm để hội nhập do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức cuối tuần qua ở Tp.HCM, nhiều DN thực phẩm cũng phản ánh chuyện này.

Như chia sẻ của bà Huỳnh Thị Cẩm Châu, Phó Giám đốc công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới: “Chúng tôi đang bán nước cốt dừa hữu cơ ở thị trường Mỹ, EU rất tốt. Để sản phẩm được an toàn thì mọi nguyên liệu, phụ gia đều phải được kiểm soát tới nguồn gốc”.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc công ty CP Vinamit, có 3 câu chuyện vừa liên quan đến nông nghiệp, vừa gắn chặt với các DN sản xuất chế biến thực phẩm sạch, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ – vốn đang thịnh hành, là xu hướng trên nhiều thị trường cao cấp hiện nay.

Thứ nhất, đó là các DN phải hiểu rõ về canh tác hữu cơ là gì. Thứ hai là “mối quan hệ hữu cơ”, kết nối giữa các nhà sản xuất chế biến, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán trong ngành thực phẩm với các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ ba là những trải nghiệm thực tế trong ngành thực phẩm.

Ông Viên lưu ý trong “mối quan hệ hữu cơ”, những điều mà người trồng trọt mong muốn chính là cần bao tiêu sản phẩm không phân loại nông sản trong thời gian dài. Họ cần được vay vốn lãi suất thấp, cần được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học. Và điều quan trọng là cần sự hỗ trợ kỹ thuật, cũng như mua sản phẩm giá cao.

Cần chuẩn hội nhập

“Người mua là người có quyền, còn người cuối cùng là người trồng trọt thì… xem như hết quyền. Người trồng trọt cũng cần phải biết để thay đổi, để hiểu được chân dung của người mua của họ là ai, họ khó tính như thế nào. Có như thế thì người trồng trọt tự xem xét là có thể tham gia được cuộc chơi này hay không. Và nếu có thế, có cách để chơi được thì người trồng trọt mới có thể hình thành mối quan hệ hữu cơ đó”, ông Viên nhấn mạnh.

Về phía DN phân phối và chế biến, ông Viên đưa ra trường hợp cụ thể như DN của ông với yêu cầu kiểm soát sản phẩm táo organic. Cụ thể là có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (C/O); chứng nhận organic và danh mục đính kèm của nhà sản xuất còn hiệu lực; tiêu chuẩn của nhà sản xuất về sản phẩm.

Dưới góc độ là Chủ tịch Hội DN HVNCLC, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng thực phẩm là ngành hết sức nóng bỏng, nên việc cấp giấy chứng nhận “HVNCLC – chuẩn hội nhập” theo đúng bộ tiêu chí đề ra đã được ưu tiên đầu tiên.

Mục đích lập ra bộ tiêu chí “HVNCLC – chuẩn hội nhập”, là theo như mô hình hệ sinh thái DN tại nhiều quốc gia, chúng ta còn thiếu bên thứ ba giúp cho công việc của bên thứ nhất là phía Chính phủ (như Bộ KH&CN là cơ quan ban hành ra các tiêu chí, tiêu chuẩn và chế tài những ai không thực hiện tốt tiêu chuẩn). Bên sẽ thụ hưởng và thực hiện các tiêu chí (bên thứ hai) là các DN.

Chúng ta đang thiếu bên thứ ba, tức là bên các hiệp hội, tổ chức nghiên cứu, các tổ chức xúc tiến sẽ hỗ trợ cho DN trong việc thông tin, tư vấn, hướng dẫn và đồng hành để cho các DN có điều kiện tuân thủ tốt hơn các hệ thống tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Mới đây, một tín hiệu lạc quan là 4 tỉnh nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp đã bắt tay xây dựng mô hình kết nối hình thành chuỗi thực phẩm an toàn để hội nhập, chủ yếu là nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho việc đưa thực phẩm sạch ở ĐBSCL ra thị trường thế giới.

Đơn cử như Cần Thơ đã cam kết đưa 100ha ở huyện Cờ Đỏ để xây dựng vùng nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, như lưu ý của bà Hạnh, huyện này nên chọn sản phẩm nào thương mại hóa kịp thời và nhanh để đưa vào thị trường nhằm giúp người nông dân đang rất cần giải quyết đầu ra.

Trong khi đó, tỉnh Bến Tre cũng đang tính đưa 2 mặt hàng nông sản mạnh nhất của họ là dừa và bưởi tham gia vào mô hình chuỗi thực phẩm an toàn. Nhưng việc chuyện chứng nhận hữu cơ cũng là cả vấn đề.

Thế Vinh