Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngư dân chung tay nói không với khai thác IUU

08:00 10/04/2023 GMT+7
Trong mỗi chuyến vươn khơi, bên cạnh thực phẩm, lưới cụ, bà con ngư dân còn kiểm tra kỹ lưỡng thiết bị giám sát hành trình, sổ ghi nhật ký khai thác, để chung tay cùng chính quyền địa phương sớm tháo gỡ “thẻ vàng EC” trong đợt cao điểm 180 ngày chống khai thác IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý).
Cảnh sát biển tuyên truyền Luật Thủy sản, tặng cờ cho ngư dân Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước mỗi chuyến ra khơi

Miền Trung đang vào mùa cao điểm đánh bắt hải sản, mỗi ngày, hàng chục tàu thuyền tấp nập ra vào cảng. Bên cạnh chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, lưới cụ, các ngư dân đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng trang thiết bị giám sát hành trình, sổ ghi nhật ký khai thác để thực hiện chuyến biển an toàn, chấp hành đầy đủ quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản.

Dọc ngang vượt sóng trên 20 năm làm nghề đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Trần Văn Lý, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho hay, trong những năm gần đây, bản thân ông cùng cộng đồng ngư dân được chính quyền địa phương nơi sinh sống, lực lượng biên phòng cùng cảnh sát biển liên tục biển phổ biển, tuyên truyền về Luật Thủy sản. Ông hiểu việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, không lắp thiết bị giám sát hành trình, mất kết nối nghĩa là vi phạm luật về đánh bắt hải sản không chỉ của Việt Nam mà ở phạm vi quốc tế.

"Tôi đã hiểu và chấp hành đúng quy định của Nhà nước, do đó mỗi lần vươn khơi, bên cạnh ngư lưới cụ, đá lạnh, thực phẩm tôi đều kiểm tra đầy đủ các máy móc giám sát hành trình và chưa từng vướng phải vi phạm này, bởi chung tay cùng Nhà nước là chung tay giúp bản thân mình", ngư dân Trần Văn Lý cho biết.

Cùng trú tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, ngư dân Trương Công Tiếp chia sẻ, tàu ông đánh bắt chủ yếu ở vùng khơi, các loại hải sản hướng đến là các loại chế biến xuất khẩu nên ông rất quan tâm đến các điều luật quốc tế. Năm nào chính quyền địa phương tuyên truyền luật cho ngư dân, ông đều tham dự đầy đủ, hiểu về gỡ thẻ vàng, tàu ông nói không với đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

"Khi đánh bắt ở các vùng biển xa, bà con đi theo đội nhóm, kịp thời hỗ trợ nhau, nâng cao hiệu quả chuyến biển và cùng nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển", ngư dân Trương Công Tiếp cho hay.

Ngư dân Huỳnh Văn Danh, trú tại huyện đảo Lý Sơn (hành nghề lưới vây) cho hay, thực hiện đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, mỗi khi tàu ra khơi, chúng tôi kiểm tra kỹ lưỡng thiết bị giám sát hành trình trước khi xuất bến.

"Chuẩn bị vươn khơi, tàu chúng tôi trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, ICOM, bộ đàm. Trước khi xuất bến, chúng tôi kiểm tra kỹ rồi mới xuất phát, thực hiện đầy đủ thủ tục rồi mới rời cảng. Chúng tôi tuân thủ theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong đợt cao điểm 180 ngày này để góp phần sớm gỡ thẻ vàng của EC", ngư dân Huỳnh Văn Danh chia sẻ.

Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chính quyền tăng cường tuyên truyền, giám sát

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 540 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản, trong đó 135 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, chủ yếu hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Hầu hết các tàu cá của ngư dân Lý Sơn đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Thời gian qua, việc tuyên truyền đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm pháp luật. Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành, nghiệp đoàn nghề cá tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU trên địa bàn. Các ngư dân, chủ phương tiện đã nắm rõ các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản trên biển. Các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, nhất là tuyên truyền để mọi ngư dân chấp hành nghiêm chỉnh, kiên quyết không để phương tiện tàu, thuyền nào của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài", bà Phạm Thị Hương khẳng định.

Đồng hành cùng ngư dân và chính quyền địa phương miền Trung, trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã phối hợp tăng cường tuyên truyền việc chấp hành pháp luật trên biển.

Phó Chính uỷ Vùng Cảnh sát biển 2 Trần Hồng Quế cho biết, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân, quản lý cảng cá, chủ cơ sở doanh nghiệp, tàu thu mua thủy sản… về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến biển, đảo và hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Qua đó, giúp bà con ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển, không đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; chung tay cùng các cấp, các ngành và cả nước sớm tháo gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản.

Theo Chính phủ