Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người cầm nhịp tài giỏi trên đường đua thuyền sông Kiến Giang

14:40 11/09/2019 GMT+7

Tìm về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sau những ngày lễ hội Tết Độc lập, chúng tôi được người dân giới thiệu một nhân vật khá nổi tiếng trong lễ hội là ông Nguyễn Thanh Quyết, người gõ mõ cho đội bơi xã Phú Thủy, một đội bơi mới chỉ tham gia có 4 năm gần đây nhưng có thành tích tốt: 2 năm đầu họ về nhì, năm thứ 3 họ về nhất. Năm nay đội của họ gặp sự cố khi đò gần bị chìm, nhưng họ đã cố gắng đuổi kịp về vị trí thứ nhì. 

Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, một di sản phi vật thể cấp Quốc gia được công nhận vào năm 2019. Ảnh Trần Long

Sâu thẳm trong mọi người con Lệ Thủy là niềm tự hào với truyền thống cha ông, nên dù có đi đến tận chân trời góc bể thì họ đều mong muốn trở về với ngày lễ Quốc khánh.

Dù ai đi Tây về Đông

 Mùng 2 tháng 9 cũng mong về nhà

 Về nhà xem hội quê ta

 Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Từ thị trấn Kiến Giang đến khắp các đường làng, xã, trong huyện nơi nơi đều là không khí của một ngày tết đúng nghĩa. Bởi những ngày này là những ngày để người dân nơi đây thể hiện tinh thần yêu nước và truyền thống quật cường qua Lễ hội Đua Thuyền trên sông Kiến Giang. Một cuộc đua thể hiện tất cả những gì tốt đẹp nhất của con người nơi đây trên một đường đua khốc liệt với chiều dài cuộc đua là 26km. Dường như cả đêm 1/9, rạng sáng 2/9, người dân Lệ Thủy không ngủ vì ai cũng háo hức tới lễ hội. Sông Kiến Giang vốn yên bình bỗng “dậy sóng” vì những “con rồng” Kiến Giang đang vượt sóng tiến lên.

Trai bơi, gái đua vượt sóng nước tiến lên dưới những hiệu lệnh của thuyền trưởng. Thuyền trưởng ở đây mộc mạc chỉ là những người đàn ông gõ mõ (tiếng Quảng Bình gọi là gõ mọ), nhưng trong họ mang trong mình tất cả tố chất của thủ lĩnh. Họ là những người nắm giữ hồn của “Rồng Kiến Giang”.

Tìm về huyện Lệ Thủy sau những ngày lễ hội, chúng tôi được người dân tiến cử một nhân vật đã khá nổi tiếng trong lễ hội là ông Nguyễn Thanh Quyết, người chỉ duy nhất gõ mõ  cho đội bơi xã Phú Thủy, một đội bơi mới chỉ tham gia có 4 năm gần đây nhưng là đội bơi có thành tích đáng phải kinh ngạc khi 2 năm đầu họ về nhì, năm thứ 3 họ về nhất và năm nay, dù gặp sự cố bị gần chìm đò nhưng họ vẫn về nhì.

Đội bơi xã Phú Thủy. Ảnh Trần Long

Chúng tôi nghĩ đội bơi ấy phải thuộc về một xã vùng sông nước đặc trưng. Nhưng không, đây là một xã hoàn toàn nằm trên núi cao không có một con sông, chỉ nối liền với sông Kiến Giang qua một con kênh đào nhỏ. Tại sao đội bơi này vẫn đạt kết quả tốt như vậy? Đó là bởi vai trò của người chỉ huy đội đua, người gõ mõ cầm nhịp cho cả đội bơi.

Chúng tôi gặp ông trong một ngày mưa lụt miền Trung, một hình dáng của một người nông dân chân chất, một anh lính nhưng toát lên một khí chất mạnh mẽ. Bên tách trà ấm, ông kể cho chúng tôi nghe về chiến tích của đội bơi, khi xuất phát năm nay, đò của ông đã phải dừng lại không bơi vì có một đò của đội bạn (Mỹ Thủy) bị chìm nằm ngang, đò của ông đè lên trên đò họ và rơi xuống, nước tràn vào gần chìm. Ông cho trai bơi dừng mái chèo để tránh thương tích cho trai bơi đò kia. Lúc đó các đò khác đã bỏ xa đò bơi của ông, vị trí lúc đó là thứ 11 trên 13 đội đua. Rồi dần dần ông cho trai bơi tự bồng phao lại “xem như khởi động lại” và từng bước, từng bước lấy dần các vị trí của các đội đua. Cuối cùng thì đội bơi của ông đã về nhì chung cuộc.

Không phải là dễ dàng gì trong bơi thuyền, khi các đội là tương đồng nhau về sức mạnh của trai bơi. Thế nhưng đội của ông vượt lên gần như tất cả. Ông đã chứng minh cho chúng tôi thấy được sự hiểu biết tường tận của một vị thuyền trưởng bản lĩnh đến từng kỹ thuật bơi, kỹ thuật xuất phát, kỹ thuật trở đò, phải hiểu được tố chất của trai bơi đội mình tính cách và cũng như sức khỏe để vận dụng những chiến thuật hợp lý… Hoàn toàn không đơn giản chỉ là việc gõ mõ cho các chàng trai bơi cùng nhau. Một yếu tố đặc biệt được chính ông “bật mí” cho chúng tôi là áp dụng hò khoan Lệ Thủy vào việc dụng mõ.

Tạm biệt ông, chúng tôi tìm đến UBND xã Phú Thủy. Nói về ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã cho biết, đã có một số người có chức quyền đặt vấn đề mời ông Quyết về gõ mõ cho đội bơi của làng, xã họ với một số tiền rất khá, nhưng ông vẫn từ chối, cho dù Phú Thủy không phải là quê hương gốc của ông, mà chính là làng Mỹ Lộc Thượng.

Ông Nguyễn Thanh Quyết (người đứng) trên thuyền đua. Ảnh Trần Long

Trở lại Mỹ Lộc Thượng, một làng có truyền thống bơi đua nổi tiếng nhất huyện Lệ Thủy, chúng tôi tìm đến nguồn gốc của người thuyền trưởng này. Gia đình ông là một gia đình có truyền thống về văn hóa nghệ thuật. Hiện nay mặc dù trong gia đình không ai theo nghề truyền thống nhưng theo những người dân ở đội 3, làng Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy này thì trong gia đình vẫn duy trì truyền thống về hò khoan Lệ Thủy. Điều đó đã lý giải cho chúng ta phần nào về những cách thức ông đang thổi hồn cho đội đua của ông – vốn được người dân địa phương ví von là “con rồng” trên sông Kiến Giang.

Bài Anh Vũ – Ảnh Trần Long