Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Người có uy tín” giúp đồng bào dân tộc hiểu luật

13:29 20/06/2021 GMT+7

Được mọi người tin tưởng, lựa chọn là người có uy tín, ông Chu Văn Ngoan (dân tộc Nùng) ở xóm La Đùm, xã Văn Hán (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, thực hiện hiệu quả các phong trào phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Ông Chu Văn Ngoan ( người mặc áo trắng) đến tận nhà tuyên truyền, vận động người dân. Ảnh T.L

Ông Ngoan còn là người tích cực hòa giải những vấn đề còn khúc mắc trong dân, tham gia nhiều ý kiến xác đáng với cấp ủy, chính quyền, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Đến từng nhà tuyên truyền pháp luật

Giữa màu xanh bạt ngàn của rừng keo, hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn lợp mái ngói đỏ khang trang, rộng rãi. Trong câu chuyện phát triển kinh tế, ông Ngoan bộc bạch: Trước kia, không riêng gì gia đình ông mà cả xóm La Đùm đều khó khăn. Khi ấy đường sá không có, toàn là đường đất. Cả xóm có 90 hộ dân thì có tới 70% là hộ nghèo, bám trụ với cây lúa, cây ngô mưu sinh, lam lũ là vậy nhưng cuộc sống của gia đình ông cũng như bà con trong xóm không khấm khá hơn là mấy. “Hơn 7 năm được tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm, 14 năm làm Bí thư Chi bộ, nay với vai trò là Người có uy tín, tôi luôn trăn trở làm thế nào để bà con xóm La Đùm thoát khỏi nghèo khổ” – ông Ngoan thổ lộ.

Xóm La Đùm cách trung tâm xã Văn Hán khoảng 4km. Xóm có 180 hộ, trên 700 nhân khẩu với 70% số dân là đồng bào dân tộc Nùng, còn lại là đồng bào dân tộc Kinh, Dao, Cao Lan, Sán Chí. Kinh tế của 90% số hộ trong xóm chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Đa phần trình độ văn hoá thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Do đó, việc đưa những văn bản pháp luật đến người dân là điều vô cùng cần thiết.

Trước thực tế đó, những năm 2000 khi được bầu làm Trưởng xóm La Đùm, ông Ngoan đã dành nhiều thời gian đi đến nhà từng hộ dân trong xóm gặp gỡ nắm tình hình, kết hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để chính quyền địa phương xem xét, tìm cách tháo gỡ.

Ông Ngoan cho biết: Mặc dù, xóm La Đùm có diện tích trồng rừng, chè, lúa lớn với trên 600ha nhưng do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, nên đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, cái nghèo cứ “níu kéo” người dân nơi đây.

Trong khoảng thời gian làm trưởng xóm, ông Ngoan đã “nhờ cậy” chính quyền địa phương đưa nhiều chương trình, dự án như trồng rừng sản xuất; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đến với La Đùm. Thông qua đó, người dân nơi đây đã dần thay đổi tư duy trong làm ăn, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, đưa giống ngô lai, lúa lai vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Mình cứ chân thành, bà con sẽ hiểu”

Ông Ngoan chia sẻ: Với trách nhiệm là Người có uy tín trong thôn, muốn nói để bà con tin tưởng, thì bản thân mình phải tiên phong đi trước, làm trước, mọi người thấy được hiệu quả rồi thì sẽ học tập làm theo. Với bà con hàng xóm, mình cứ chân thành. Cái gì biết thì tuyên truyền, chia sẻ, cái nào thấy chưa đúng thì bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình mà phân tích, góp ý cho mọi người hiểu, cùng nhau làm điều có ích, xây dựng xóm làng.

Với suy nghĩ như vậy, ông đã vận động gia đình tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông đã bỏ công sức cải tạo 3ha đồi của gia đình và thuê thêm 7ha đất để trồng keo; chuyển đổi hơn 5 sào chè trung du sang trồng chè lai; đưa các giống lúa cho năng suất cao vào gieo cấy trên 1 mẫu ruộng. Bên cạnh đó, ông cũng đầu tư 1 chiếc xe tải để làm dịch vụ vận chuyển. Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.

Từ thành công của gia đình, ông Ngoan sẵn sàng chia sẻ với bà con kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Qua cách tuyên truyền, vận động làng xóm như vận động người trong gia đình nên đã góp phần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu của người dân trong xóm.

Ông Phạm Ngọc Thái là 1 trong những hộ nghèo của xóm La Đùm, nhiều năm trước hai vợ chồng ông Thái phải đi làm thuê khắp nơi. Nhận thấy gia đình ông Thái có đất (8ha rừng, 1ha chè, gần 1 mẫu ruộng), có lao động nhưng chưa tìm ra được hướng phát triển kinh tế phù hợp, ông Ngoan đã truyền kinh nghiệm làm ăn cho người hàng xóm. Nhờ đó, ông Thái đã tập trung phát triển mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia trại (2.500 con gà/lứa), mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, gia đình ông Thái không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang.

Tương tự ông Thái, chị Nguyễn Thị Hương cũng là 1 trong những hộ nghèo của xóm La Đùm. Ông Ngoan và các đoàn thể trong xóm đã đến tận nhà để tuyên truyền, vận động gia đình chị chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Chị Hương cho biết: Với nguồn vốn vay từ hộ nghèo và vay mượn từ anh em, gia đình tôi đã đầu tư trồng 10ha keo, nuôi 3.000 con gà/năm và cải tạo 10 sào chè trung du sang trồng chè lai, mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu về khoảng trên 100 triệu đồng và gia đình tôi đã thoát được nghèo.

Không chỉ có chị Hương mà đời sống của bà con trong xóm cũng từng bước được nâng lên, bình quân thu nhập năm 2020 đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. Trước những năm 2015, xóm có trên 50% số hộ nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm chỉ còn gần 5% và trên 19% hộ cận nghèo, nhiều hộ khá giả, làm nhà cửa khang trang, mua được xe tải để phục vụ sản xuất.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Ngoan còn là hạt nhân tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Ông cùng Ban công tác Mặt trận xóm tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc đối ứng và giải phóng mặt bằng trong xây dựng nông thôn mới, vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp…

Từ năm 2015 đến nay, người dân trong xóm đã hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để đổ bê tông được gần 7km đường trục chính của xóm; huy động người dân đóng góp trên 100 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hoá…

Tiêu biểu như gia đình chị Vi Thị Hoa đã hiến trên 500m2 đất cho xóm để xây dựng nhà văn hoá, chị cho biết: Thấy xóm gặp khó khăn trong việc mua đất để xây dựng Nhà văn hoá, gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất, mặc dù diện đất này gia đình đang trồng chè, mỗi năm cũng cho thu nhập hơn chục triệu đồng.

“Ở vị trí nào ông Chu Văn Ngoan cũng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, nhiệt tình và hết lòng vì việc chung, có uy tín với đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ông Vi Ngọc Thi, Bí thư Đảng uỷ xã Văn Hán.

Mai Nguyễn