Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người đam mê giữ hồn cho rừng U Minh Hạ

Hoàng Quân - 07:16 02/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đến Trần Văn Thời (Cà Mau), gần vùng lõi rừng U Minh Hạ, hỏi về người đam mê bám rừng làm giàu, người dân sẽ chỉ đến gặp cha con ông Mười Ngọt.
Nhờ cha truyền dạy, mới 10 tuổi nhưng bé Đăng Khôi đã có thể đặt lờ, lú, trúm để bắt lươn, cá, rắn trong rừng U Minh.

Làm giàu từ sản vật của rừng

Một năm đút túi 100 tấn cá đồng là chuyện nhỏ. Khi cần, ngay mai chụp đìa bắt ngay vài tấn cá đồng coi chơi. Cha con ông Mười Ngọt đều trả lời chắc nịch khi được hỏi về cá đồng trên đất rừng của ông. 

Theo chân anh Phạm Văn Khanh, con trai thứ của ông Mười Ngọt (Phạm Văn Ngọt) đi đổ trúm lươn buổi sáng. Chỉ hơn 30 ống trúm đặt từ chạng vạng tối qua, đã cân được hơn 10kg lươn rừng, có nhiều con nặng đến hơn 1kg.  Mới thấy, thiên nhiên hào phóng cho vùng U Minh Hạ ra sao. Có lẽ thế, nên người Cà Mau hào phóng nhiệt tình như thiên nhiên bao năm qua. 

Nhấp ly rượu nếp ngâm với nhụy ong non đục ngầu như màu sữa, ông Mười kể về hành trình gian truân lập nghiệp mấy mươi năm trước từ Cái Nước phiêu dạt đến đây. Hồi đó nghèo lắm, chắt chiu nhịn đói chịu khổ, mua một mảnh rừng nhỏ, ông đặt lờ bắt cá, gác kèo ong. Tích cóp bao nhiêu tiền từ sản vật của rừng, ông gom góp vay mượn để mua đất rồi trồng rừng giữ cá với mong muốn để chút gì con 3 đứa con còn nhỏ. Bám rừng, được rừng nuôi dưỡng, 3 đứa con ông lớn dần rồi thấm máu mê rừng của ông lúc nào không nhớ. Hơn 10 tuổi, tụi nó đã thành thạo đặt trúm, đặt lờ, đặt lợp, phụ ông bắt cá, gác kèo ong bán cho thương lái. Cứ vậy, hơn 20 năm qua đất rừng được nới rộng theo tuổi lớn của các con ông.

Khu vực đất rừng sản xuất của gia đình ông Mười Ngọt thuộc vùng đệm rừng U Minh hạ. Trên diện tích 66ha ông khai thác theo kiểu cuốn chiếu mỗi năm khai thác vài hecta tràm nước. Đây là loại nguyên liệu dùng để đóng nền móng cho các công trình xây dựng trong ngoài tỉnh. Sử dụng rất phù hợp cho các công trình kiên cố ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm nay. Bởi vậy, bất kể mùa nào cũng đều có các nhà thầu xây dựng hay thương lái tìm tới cha con ông Mười để hỏi mua. Nên không lo chuyện ế. Nhưng cái đam mê đẻ ra tiền của cha con ông ngoài con cá, cây tràm còn là nghề kèo ong. Chỉ đống 2.000 cây kèo chuẩn bị đi gác để ong mật tự nhiên làm tổ cho mùa hạ 2022, anh Khanh nói sau tết mới mê, mật khai thác mùa đó chất lượng tốt nhất. Khi bước vô mùa khô, với những cánh rừng tràm tươi tốt như vầy, kiếm vài ngàn lít mật ong là không khó. Mấy năm nay, nhu cầu thị trường cần mật ong rừng U Minh nguyên chất ngày càng tăng, số mật ong đó không đủ bán, tiền tỷ đó anh. Khanh hồ hởi nói.

Ông Mười Ngọt đang hướng dẫn cho cháu nội (Phạm Đăng Khôi 10 tuổi, con anh Khanh) cách khống chế con rắn ri tượng.

Cha truyền con nối đam mê

Thấy chúng tôi tròn mắt nhìn 1 du khách câu được 3 con cá lóc mỗi con đều hơn 1kg. Ông Mười cười, ổng là khách quen ở Cà Mau đều chạy vô câu mỗi dịp cuối tuần. Bữa nay trời se lạnh nên cá ít ăn, chứ mọi hôm ổng chở về hơn chục ký cá là bình thường.

Cá nhiều như vậy là nhờ đam mê mới có.

Hồi xưa tui mê rừng, nó bơi xuồng đi với tôi bám rừng bắt cá, gác ong. Giờ già bệnh tật giao nó làm, nó mê còn bạo hơn tui nữa. Ông Mười Ngọt nói về anh Khanh như vậy.

Ông kể, hồi năm 2015, khi xem tivi nghe nói U Minh Thượng có khu du lịch sinh thái. Ông mê, nhưng trăn trở sao U Minh Hạ mình không có? Sau nhiều đêm suy tính, ông quyết định nộp đơn ra tỉnh xin được làm. Tỉnh ủng hộ rần rần, vậy là Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ra đời. Lúc chưa dịch, khách vô ùn ùn vì mê cá đồng, mật ong của Khu du lịch Mười Ngọt. Giờ dịch Covid 19 phức tạp, gây khó cho hoạt động, nhưng cũng là cơ hội cho con ông thực hiện đam mê  của nó.

Hồi đó, sản lượng cá, lươn cùng rắn rùa, chim chóc có hạn, khi có quá nhiều người cùng khai thác. Cha con ông thu gom cá rắn con về đổ trong rừng cho chúng sinh sản tái tạo. Thậm chí, đi gom mua trứng le le, trích cồ, cò trắng về ấp, sau đó thả cùng vài trăm con khác về rừng. Dần dần, nguồn cá, chim rắn ngày càng tăng trong tự nhiên như bây giờ. 

Anh Khanh cho biết, đang ấp ủ vay được nguồn vốn rẻ từ các chương trình hỗ trợ nông lâm, du lịch của tỉnh. Đầu tiên là mở con đường và bãi đổ xe để xe hơi vào tận nơi. Sau đó kéo rào lưới B40 có tôn chặn cao 70cm, kèm điện lưới cho diện tích 66ha của khu du lịch. Mục đích chính của anh Khanh là bảo vệ nguồn cá đồng, không để thất thoát. Anh Khanh đã bàn với ông Mười Ngọt sẽ chuẩn bị vài héc-ta đất tự ươm giống cá trê, cá rô, cá bổi, lươn, các loại rắn bản địa tại chỗ. 10ha khác trồng lúa để dưỡng cá, rắn theo khiểu tự nhiên trước khi cho chúng về môi trường rừng sinh sôi nảy nở. Có vậy, anh Khanh có thể tăng năng suất lên vài trăm tấn cá đồng/năm.  

Sản vật của rừng tuy nhiều nhưng không vô hạn, mình muốn bám vào rừng để làm giàu cần phải tái tạo nguồn giống. Ông Mười ngọt đang chỉ cách bắt con rắn rừng nặng hơn 3kg.

“Mong ước vay được vốn sẽ làm, nhưng vay không được cũng vẫn làm. Em sẽ bán mật ong, bán cá, bán đất để gom lấy tiền làm. Có vài tỷ sẽ làm vài tỷ, nhiều hơn sẽ làm nhiều hơn. Nó là ước mơ ấp ủ từ nhỏ của cha con em. Vì có sản vật của rừng thì mới là rừng U Minh. Vì có nó mà gia đình mới đổi đời”. Nói tới đó, Khanh bỏ lửng chạy ra giúp Đăng Khôi, đứa con trai 10 tuổi kéo cái lợp nó đặt đêm qua từ dưới xuồng lên. Trong lợp 3 con rắn ri tượng mỗi con hơn 2kg đang quẫy mạnh tìm cách chui về rừng. 

Điểm du lịch Mười Ngọt là điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ nằm ở  ấp 4 xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng mang tính chất dân dã, đem đến cho khách du lịch nhiều cảm giác khác nhau từ mạo hiểm, khám phá không gian bao la của rừng U Minh Hạ. Mặc dù mới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid 19, nhưng mỗi tuần vẫn có vài trăm du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm. Mục đích thành công của du lịch, chính là tạo được nguồn kinh phí để cha con ông tái tạo lại sản vật cho rừng. Cha con ông Mười Ngọt mong muốn. 

 “Mong ước vay được vốn sẽ làm, nhưng vay không được cũng vẫn làm. Em sẽ bán mật ong, bán cá, bán đất để gom lấy tiền làm. Có vài tỷ sẽ làm vài tỷ, nhiều hơn sẽ làm nhiều hơn. Nó là ước mơ ấp ủ từ nhỏ của cha con em. Vì có sản vật của rừng thì mới là rừng U Minh. Vì có nó mà gia đình mới đổi đời”.
Anh Phạm Văn Khanh