Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người tạo niềm tin để nông dân gắn bó với nghề

11:25 24/01/2020 GMT+7
Gặp bà Võ Thị Bích Liễu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bò sữa Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), tôi chợt nhớ lại bài thơ “Anh Chủ nhiệm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Dù hai con người cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng ở một

Gặp bà Võ Thị Bích Liễu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bò sữa Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), tôi chợt nhớ lại bài thơ “Anh Chủ nhiệm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Dù hai con người cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng ở một góc độ nào đó, bà Liễu cũng là một “anh chủ nhiệm” làm ăn chung theo mô hình hợp tác xã (HTX) theo cách nhiều người góp vốn, góp đất và góp công cùng thu lợi nhuận.

Sản phẩm làm từ sữa của HTX cung cấp cho các trường học.

Nhỏ mà hiệu quả

HTX Bò sữa Đông Thạnh chuyên thu mua sữa bò tươi, chế biến các sản phẩm từ sữa, kinh doanh các sản phẩm từ sữa chính thức chuyển đổi thành Công ty sữa Khánh Như vào cuối tháng 11/2018 với 70 xã viên, Hội đồng Quản trị (HĐQT) gồm 7 người, bà Võ Thị Bích Liễu là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nói chính thức thành lập là vì trước đó, thực tế nhóm những nông dân hợp tác với Võ Thị Bích Liễu đã sản xuất khá hiệu quả, mỗi ngày HTX này đã chế biến khoảng 5 tấn sữa. Bà Võ Thị Bích Liễu cho biết ngay trong năm 2018, HTX đã đạt doanh thu là 32 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 đạt doanh thu 17 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu năm 2019 này sẽ cao hơn năm 2018. HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người, với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

HTX đã thu mua sữa nguyên liệu ổn định từ 8 thành viên của HTX và 70 xã viên. Trong đó đưa vào sản xuất khoảng 2 tấn sữa mỗi ngày, số còn lại cung cấp nguyên liệu cho Công ty Chế biến sữa bò Long Thành. Cơ sở sản xuất của HTX đã đạt chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản phẩm của HTX sản xuất và chế biến chủ yếu là: yaourt (sữa chua) các hương vị trái cây truyền thống, sữa tươi thanh trùng nguyên chất. Gần đây, HTX nhận thấy người tiêu dùng ưa chuộng thêm loại sữa chua nếp cẩm nên đã cho ra đời sản phẩm này và được thị trường yêu thích và đón nhận.

Khát vọng phát triển

Bà Võ Thị Bích Liễu cho biết bà vốn được đào tạo với chuyên ngành dược sĩ, do yêu thích nuôi bò sữa và là nghề truyền thống của người dân nơi đây nên bà đã thành lập ra HTX bò sữa Đông Thạnh, nhằm thỏa mãn đam mê và tạo ra công ăn việc làm cho người dân nơi bà sinh sống. Ban đầu thành lập HTX còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của Phòng Kinh tế và Hội Nông dân huyện Hóc Môn nên dần dần HTX đã hoạt động ổn định và chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Bà Liễu cho biết, bà và các thành viên HĐQT luôn khao khát mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho các xã viên nhằm quy tụ nhiều hơn nữa xã viên vô làm ăn với HTX.

Bà Liễu chia sẻ với chúng tôi, sữa của HTX có hương vị đặc trưng, thơm ngon so với các sản phẩm khác nhưng giá bán sản phẩm của HTX vẫn thấp so với các sản phẩm cùng loại, là do thị trường của HTX còn hạn hẹp, thương hiệu còn mới đối với người tiêu dùng, và chưa có đội ngũ phát triển kinh doanh chuyên môn, chưa có vốn đầu tư cho quảng bá, xây dựng thương hiệu…

Do vậy, sản phẩm của HTX trên thị trường chưa được nhiều người biết đến so với những sản phẩm cùng loại có thương hiệu lớn, quảng cáo nhiều trên báo chí, trên tivi. Khó khăn nữa hiện nay là nguồn sữa nguyên liệu ngày càng eo hẹp do quá trình đô thị hóa, một số hộ nuôi bò phải thay đổi ngành nghề.

Theo bà, nhu cầu dùng sản phẩm từ sữa của cộng đồng ngày càng cao nên HTX còn rất nhiều cơ hội phát triển. Giải pháp hiện nay của HTX là tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại để có đầu ra ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, từ đó sẽ tăng giá thu mua sữa cho nông dân, tạo động lực niềm tin cho người nông dân gắn bó với nghề chăn nuôi và phát triển đàn bò.
HTX sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm chủ lực là sữa tươi thanh trùng từ nguồn nguyên liệu tự nhiên 100% sữa bò nguyên chất ở địa phương, không pha nước hay hóa chất, không sử dụng chất bảo quản, luôn đặt an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng lên hàng đầu.

Bà Võ Bích Liễu bên dây chuyền sản xuất sữa tươi thanh trùng.

Một điều cần lưu ý, cơ sở HTX Bò sữa Đông Thạnh hiện nay có diện tích chỉ khoảng 600m2 nhưng mỗi ngày chế biến từ 4- 5 tấn sữa nguyên liệu, lo cho 12 lao động làm việc với thu nhập ổn định, và bao tiêu sản phẩm cho 70 xã viên, cộng với 8 thành viên HĐQT. Điều này cho thấy HTX này là một mô hình làm nông nghiệp đô thị rất hiệu quả, diện tích nhỏ nhưng hiệu suất cao, là một mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết ổn định. Rất mong các ban ngành chức năng tạo điều kiện để HTX phát triển mạnh hơn nữa.

Mô hình sản xuất theo chuỗi cần được nhân rộng

Do nhu cầu dùng sữa của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng cao nên có thể nói ngành chế biến sữa rất phát triển. Tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều công ty lớn sản xuất sữa theo mô hình chuỗi liên kết khép kín, cần được nhân rộng như: Công ty TH True Milk đầu tư sản xuất sữa theo chuỗi khép kín (từ chăn nuôi bò sữa, chế biến và tiêu thụ sữa).

Một số doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi bò sữa và ký hợp đồng bán sữa nguyên liệu cho doanh nghiệp khác chế biến như mô hình liên kết của Công ty Hoàng Anh Gia Lai với Công ty Nutifood, Công ty Furture Milk liên kết với Vinamilk để bán sữa tươi nguyên liệu từ đàn bò trên 1.500 con. Tại TP. Hồ Chí Minh, các HTX chăn nuôi bò sữa như: HTX Tân Thông Hội – chuyện Củ Chi; HTX Bò sữa Đông Thạnh… hoạt động theo chuỗi khép kín vừa bảo đảm mua sữa cho xã viên để chế biến và cung cấp cho các công ty chuyên về chế biến.

Tuy nhiên, do đa phần các cơ sở chăn nuôi đều ở quy mô hộ gia đình, áp dụng phương pháp chăn nuôi truyền thống, không có quy trình rõ ràng nên năng suất chưa cao và dễ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khi dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

Chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đang là ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu kinh tế của toàn huyện nên cần có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa để hỗ trợ nông dân nơi đây.

Những trường hợp lỗ là chăn nuôi chưa đúng cách, nuôi bằng chuồng tôn nắng nóng, môi trường ô nhiễm khiến chất lượng sữa kém, thay vì trồng cỏ lại đi mua làm tăng chi phí đầu vào…Thiết nghĩ, mô hình sản xuất HTX nông nghiệp đô thị, diện tích nhỏ, sản xuất theo chuỗi liên kết ổn định, mang lại hiệu suất cao là rất đáng được tạo điều kiện để phát triển mạnh hơn nữa.

“Hiện nay, ngành Chăn nuôi bò sữa vẫn có lãi nhưng chỉ đối với những nông dân thật sự chuyên nghiệp, biết đầu tư kỹ thuật cao thì chất lượng sữa mới đảm bảo và tăng sản lượng”.
Bà Võ Thị Bích Liễu – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bò sữa Đông Thạnh

Bài, ảnh: Vân Nguyễn