Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những mốc thời gian lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945

07:09 19/08/2021 GMT+7
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN.

* Từ ngày 14 – 18/8: Nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Mỹ Tho, Sa Đéc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, kịp thời nổi dậy giành chính quyền.

* Ngày 16/8: Một đơn vị Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào, đánh chiếm thị xã Thái Nguyên để mở đường về Hà Nội.

* Ngày 17/8: Giải phóng quân đánh tỉnh lỵ Tuyên Quang. Phát xít Nhật chống trả dữ dội, nhưng trước khí thế vũ bão của quân cách mạng, chúng phải xin điều đình và đến ngày 21/8 chính quyền tỉnh đã về tay Việt Minh.

* Ngày 18/8: Nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công – đây là bốn địa phương giành được chính quyền tỉnh sớm nhất trong cả nước. Còn tại Hà Nội, ngày 17/8, Tổng hội Viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh này.

* Ngày 19/8: Nhân dân đánh chiếm Bắc Bộ phủ, giành được chính quyền ở Hà Nội – nơi đầu não đặt cơ quan cai trị của bọn đế quốc lúc bấy giờ. Cùng ngày này, khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công ở các tỉnh lỵ Yên Bái, Phúc Yên, Thái Bình (miền Bắc) và Thanh Hóa, Khánh Hòa (miền Trung).

* Ngày 20/8: Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi ở các tỉnh lỵ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình (miền Bắc).

* Ngày 21/8: Cuộc khởi nghĩa thành công tại các tỉnh lỵ Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Kiến An, Nam Định (miền Bắc) và Nghệ An, Ninh Thuận (miền Trung).

* Ngày 22/8: Cuộc khởi nghĩa tiếp tục giành thắng lợi ở các tỉnh lỵ Hưng Yên, Quảng Yên (miền Bắc).

* Ngày 23/8: Tại Huế, cuộc khởi nghĩa lật đổ được Vương triều Nguyễn, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế suy tàn, nhu nhược, bảo thủ và phản dân chủ. Cùng ngày này, khởi nghĩa còn thành công ở các tỉnh lỵ khác: Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Đông, Hải Phòng (miền Bắc), Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Thuận, Lâm Viên (miền Trung) và Tân An, Bạc Liêu (miền Nam).

* Ngày 24/8: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Phú Thọ, Hà Nam (miền Bắc), Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Thuận (miền Trung) và Gò Công, Mỹ Tho (miền Nam).

* Ngày 25/8: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Sơn Lạng (miền Bắc), Kon Tum (miền Trung).

Cũng ngày hôm đó, phấn khởi sau khi được tin Việt Minh đã nắm chính quyền tại Hà Nội, Huế cùng rất nhiều nơi khác ở miền Bắc, miền Trung, nhân dân Sài Gòn và hầu hết các tỉnh thuộc miền Nam như Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long Xuyên, Tây Ninh, Trà Vinh, Châu Đốc, Sa Đéc, Bến Tre, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Biên Hòa đã vùng lên khởi nghĩa thành công.

* Ngày 26/8: Nhân dân Sơn La, Hòn Gai (miền Bắc), Cần Thơ (miền Nam) khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

* Ngày 27/8: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá (miền Nam) thành công.

* Ngày 28/8: Cuộc khởi nghĩa thắng lợi nhanh chóng ở Đồng Nai Thượng (miền Trung) và Hà Tiên (miền Nam).

Như vậy, về cơ bản, chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 14 – 28/8/ 1945), quyền thống trị, áp bức của bọn đế quốc (Pháp, Nhật) được xây dựng suốt gần một trăm năm và chế độ quân chủ chuyên chế phản tiến bộ tồn tại hàng nghìn năm đã bị nhân dân ta lật đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước được thực sự thuộc về nhân dân.

Khải Hoàn (sưu tầm)