Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ninh Thuận đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”

Tin, ảnh: Như Thừa - 09:11 16/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho Vang - Ninh Thuận năm 2023 là sự kiện văn hoá có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận giàu bản sắc.

Tối ngày 15/6, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; đồng thời khai mạc Lễ hội Nho Vang - Ninh Thuận năm 2023.

Ca múa chào mừng Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và khai mạc Lễ hội Nho Vang - Ninh Thuận năm 2023.

Dự khai mạc có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các tỉnh, thành phố; Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán một số nước tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Ninh Thuận có ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu là cán bộ hưu trí cao cấp;  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Tỉnh uỷ viên; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các hội, Hiệp hội, đoàn thể cấp tỉnh; các đơn vị lực lượng vũ trang và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh,…

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và khai mạc Lễ hội Nho Vang - Ninh Thuận năm 2023.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ: Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành “ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

Ngày 29/11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Việc tổ chức đón Bằng của UNESCO sẽ tạo sự lan tỏa đến Nhân dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trong thời gian tới.

Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức đầu tiên vào năm 2014 và trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm/lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc, tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho; đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận.

Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 được diễn ra từ ngày 13/6/2023 đến hết ngày 18/6/2023 với 12 hoạt động cấp tỉnh về văn hóa, thể thao và du lịch rất đặc sắc, hấp dẫn, quy mô lớn và nhiều hoạt động hưởng ứng khác từ các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận.

“Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tham dự các hoạt động, sự kiện tại tỉnh Ninh Thuận, quý vị đại biểu và du khách sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời, những trải nghiệm mới lạ, có ấn tượng tốt đẹp về quê hương, con người Ninh Thuận, cảm nhận được tình cảm chân thành, thân thiện, mến khách của người dân Ninh Thuận” - ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.  

Nghi thức đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Sau nghi thức đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của Người Chăm” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp do đại diện lãnh đạo các Bộ ngành và đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao cho lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông qua Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” ( Giai đoạn 2023-2028)

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng công bố và kêu gọi các Bộ, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng cộng đồng và các cơ quan, ban ngành của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, địa phương có di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”, thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và cộng đồng người Chăm nhiều năm qua đã bền bỉ, kiên trì, tâm huyết cùng nhau gìn giữ, bồi đắp, trao truyền và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và khai mạc Lễ hội Nho Vang - Ninh Thuận năm 2023.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam, được tạo tác từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ đơn giản làm từ tre, vỏ sò, vải…, tạo nên những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hay những sản phẩm mỹ nghệ.

Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có những nét độc đáo, riêng có, thể hiện sáng tạo, kỹ năng của mỗi phụ nữ Chăm được trao truyền thông qua thực hành, đồng thời là lăng kính phản chiếu cuộc sống cũng như những nét văn hóa hàng ngày và gửi gắm những khát vọng tươi đẹp của cộng đồng dân cư.

“Chúng ta vui mừng và tự hào khi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề thủ công truyền thống đầu tiên, trở thành di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của đồng bào Chăm và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên "Dải đất hình chữ S” tươi đẹp. Việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới; đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta cùng có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo không ngừng của người dân Ninh Thuận, nhiều giống nho đã được trồng thành công, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm. Nhiều sản phẩm đặc trưng của Ninh Thuận đã ra đời như rượu nho, mật nho,…giàu dinh dưỡng, là món quà đầy ý nghĩa, thương hiệu, đặc sản của mảnh đất đầy nắng, gió.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lễ hội nho vang là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, đồng thời cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, quảng bá thương hiệu Nho – Vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước và thế giới, theo thời gian sẽ trở thanh một nét văn hóa đặc trưng của miền đất nơi đây. Lễ hội cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên, hiểu biết sâu sắc thêm về các giá trị văn hóa, ý chí vươn lên trong khó khăn thử thách của đồng bào các dân tộc Ninh Thuận; để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Để khai thác những tiềm năng, tận dụng cơ hội, chuyển hóa được những thách thức đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, tỉnh cần tạo những đột phá về quy hoạch, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, năng lượng tái tạo. “Ninh Thuận cần khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, hình thành các hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chủ động thích ứng với tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu. Chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu các làn sóng đầu tư mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế dựa vào tri thức và những định hướng ưu tiên phát triển của địa phương. Ngoài ra, Ninh Thuận phải định vị được những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, làm nền tảng để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, khát vọng cống hiến trong từng người dân, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của địa phương…”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.