Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn:

Nỗ lực không ngừng để hỗ trợ nông dân, xây dựng nông thôn mới

Quang Tú - 20:25 09/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 9.4.2024, Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Lễ kỷ niệm “20 năm thành lập Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (2003 – 2023).
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Lễ Kỷ niệm. Ảnh Đ.T

Tham dự Lễ Kỷ niệm có ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn; các đồng chí lãnh đạo đại điện cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể; các đồng chí nguyên lãnh đạo của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn; lãnh đạo của Sở NN&PTNT của 63 tỉnh, thành; các chuyên gia, tổ chức quốc tế và đơn vị hợp tác, HTX tiêu biểu…

Tại Lễ Kỷ niệm ông Lê Đức Thịnh cho biết: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thành lập ngày 04/9/2003 theo Quyết định số 96/2003/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với tên gọi ban đầu là Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới và Vụ Chính sách của Bộ. Đến năm 2008, Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn đổi tên thành Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ngày nay và sáp nhập thêm Vụ Kinh tế tập thể thuộc Bộ Thủy sản. Năm 2014, với yêu cầu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trên cơ sở tách ra từ Cục và đến ngày 31/3/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1119/QĐ-BNN- TCCB tiếp tục sáp nhập 3 phòng chuyên môn và 1 đơn vị sự nghiệp từ Cục Chế biến, Thương mại Nông, Lâm, Thuỷ sản và Nghề muối. Hiện nay, bộ máy tổ chức của Cục có 7 phòng chuyên môn và 1 trung tâm. Từ những nhiệm vụ chính ban đầu tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tham mưu chính sách, bố trí dân cư, tái định cư thủy lợi thủy điện đến nay Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tham gia xây dựng được một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước do Cục phụ trách và được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn, kế hoạch, chương trình, dự án khác nhau.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển hợp tác xã, làng nghề, di dân và đảm bảo an sinh nông thôn. Trong đó, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Cục. Tính đến nay, cả nước có gần 21.000 HTX nông nghiệp, luôn chiếm đến 70% tổng số HTX cả nước. Trong đó 65% HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại hoạt động khá, tốt; khoảng 2.500 HTX ứng dụng CNC, chuyên đổi số và gần 5.000 HTX (chiếm 24,2% tổng số HTX nông nghiệp) thực hiện bao tiêu nông sản cho thành viên.

Ngành nghề nông thôn được dự báo là khu vực có tiềm năng phát triển, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa, giá trị Việt ở nông thôn tạo điều kiện kích cầu du lịch. Hiện, cả nước có 216 nghề truyền thống, 2.039 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận và khoảng 880 nghìn cơ sở nghề, tạo việc làm cho trên 3,7 triệu lao động. Tổng doanh thu các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt từ 300 đến 400 ngàn tỷ đồng mỗi năm, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 5-7 triệu/tháng.

Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Ngoài ra, các lĩnh vực quản lý khác của Cục như Cơ điện nông thôn, Diêm nghiệp, Chính sách phát triển nông thôn (Giảm nghèo an sinh xã hội trước đây)… cũng thu được những kết quả rất đáng trân trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua như kinh tế tập thể, hợp tác xã cần được tiếp tục đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô các hợp tác xã; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản bền vững; Lĩnh vực ngành nghề, làng nghề nông thôn cần khắc phục yếu kém về vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm... Chính vì vậy, Cục cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, các cấp, các ngành cùng với lòng quyết tâm, sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để khắc phục được những hạn chế, vượt qua những khó khăn để tiếp tục với những cống hiến mới, những thành tựu mới góp phần vào những thành tựu to lớn của ngành NN&PTNT, vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước – ông Lê Đức Thịnh bày tỏ mong muốn.

Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn.

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Cục đã đạt được trong những năm qua. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là phát triển kinh tế tập thể, HTX. Hiện nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 78% và song song đó cả nước có trên 11.000 sản phẩm OCOP. Những kết quả này có sự đóng góp, tham mưu quan trọng của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của các HTX.

Thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục tiếp tục phát huy, đưa kinh tế hợp tác phát triển lên tầm cao mới với mô hình HTX hiệu quả, đa dịch vụ, thích ứng với cơ chế thị trường; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Muốn làm được điều này, cần tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý về cơ giới hóa, kinh tế trang trại, quản lý nông thôn...

Tại Lễ Kỷ niệm, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 của Bộ NN&PTNT.