Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân miền núi đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa ngay từ đầu năm

10:36 12/02/2023 GMT+7
Nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh miền núi Yên Bái đang tích cực đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân này, theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng và sản lượng cao.

Anh Ngô Mạnh Tuấn ở thôn 6, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản hữu cơ và chính sách hỗ trợ phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững đã giúp các hộ gia đình thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo anh Tuấn: "Được hỗ trợ của Nhà nước như thế thì chúng tôi cảm thấy rất là tốt bởi vì vốn đầu tư mất khá nhiều tiền cho nên được hỗ trợ thì cũng giảm bớt phần nào".

Ông Nguyễn Tài Kỷ, thôn Thác Cái, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên cũng phấn khởi cho biết, từ gói hỗ trợ 30 triệu đồng theo tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh, gia đình đã có thêm động lực để tiếp tục đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua thêm 10 con trâu giống về để chăn nuôi.

nong dan mien nui day manh phat trien nong nghiep hang hoa ngay tu dau nam hinh anh 1

Trồng và chế biến các sản phẩm từ cây nghệ được nhiều hộ nông dân và HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái quan tâm và có hiệu quả cao.

"Gia đình chúng tôi căn cứ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh thì cũng thực hiện mô hình chăn nuôi bán công nghiệp. Đến giờ phút này, hiệu quả kinh tế nói chung ổn định" - ông Kỷ chia sẻ.

Cũng nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, từ bán sản phẩm thô sang chế biến sâu đã giúp người trồng nghệ ở xã Tân Thịnh, TP Yên Bái nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Đặc biệt, người nông dân nơi đây đã liên kết lại thành lập HTX và đầu tư trang thiết bị để chế biến tinh bột nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 6 tấn tinh bột; giá thành bán ra thị trường giao động từ 300 đến 400 nghìn đồng/kg, giúp HTX có doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Tạ Văn Túc, thôn Trấn Ninh, xã Tân Thịnh, TP Yên Bái cho biết: "Đã được là sản phẩm OCOP 3 sao chúng tôi rất là vinh dự. Sau này sản phẩm của chúng tôi sẽ được chuyển đi đến các nơi, sang cả đến nước ngoài".

nong dan mien nui day manh phat trien nong nghiep hang hoa ngay tu dau nam hinh anh 2

Nông dân Yên Bái trồng cây dược liệu cho thu nhập cao.

Trong hai năm qua, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ hơn 90 tỷ đồng giúp các hộ dân, HTX và doanh nghiệp phát triển hàng nghìn mô hình sản xuất các loại, từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm đến phát triển thủy sản hàng hóa...

Đồng thời, tạo động lực cho việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; mở rộng và nâng cấp các sản phẩm OCOP; tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản chủ lực, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp địa phương.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2023 này, ngành nông nghiệp tiếp tục có những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa các thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. 

nong dan mien nui day manh phat trien nong nghiep hang hoa ngay tu dau nam hinh anh 3

Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

"Ngành Nông nghiệp sẽ cùng với các địa phương xây dựng, củng cố, duy trì, giữ chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường ngày một tốt hơn" - ông Điển nhấn mạnh.

Năm 2023, trong bối cảnh dịch bệnh không còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, nông dân Yên Bái và các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp quyết tâm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; khắc phục tình trạng sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung, có sự liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Theo VOV