Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là trụ đỡ kinh tế

08:17 29/09/2020 GMT+7
Chiều ngày 28/9, tại tỉnh Đắk Lắk, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức,

Chiều ngày 28/9, tại tỉnh Đắk Lắk, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại. Ảnh: Vân Nguyễn

Tham dự hội nghị có khoảng 400 đại biểu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Thường trực Chính phủ; đại diện các ban của Trung ương Đảng, hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các Ban, đơn vị T.Ư hội Nông dân Việt Nam; các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành của cả nước. Tham dự hội nghị còn có đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.

Vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp còn quá nhỏ so với nhu cầu

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ sự cảm kích, tinh thần ủng hộ nhiệt tình của đồng bào nông dân đối với những quyết sách của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ trong việc phòng, chống, kiểm soát thành công dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đồng thời đồng chí Thào Xuân Sùng cũng gợi mở cho các đại biểu tập trung vào thảo luận, đối thoại ở một số nội dung, vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đề xuất giải pháp, biện pháp, chính sách khuyến khích nông dân rời bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bị động, thiếu bền vững chuyển sang tư duy kinh doanh nông nghiệp làm ăn lớn, sản xuất lớn, hợp tác, liên kết, xây dựng, hình thành các hình thức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm với hai khâu quan trọng nhất phải thực hiện là khoa học công nghệ và khoa học quản trị để thực hiện được mục tiêu ba cao là năng suất, chất lượng cao, giá trị cao.

Thứ hai, vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp, nhất là khu vực sản xuất kinh doanh còn quá nhỏ so với nhu cầu, làm cho sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nông sản chưa cao; quy trình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thiện và chưa đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ ba, việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, không ổn định nhất là vấn đề quy hoạch các vùng sản xuất nông sản trọng điểm, xây dựng các khu vực sản xuất nông nghiệp an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nhà kho chứa vật tư và sản phẩm nông nghiệp, hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý môi trường ….

Những vấn đề vừa nêu là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng sản xuất không theo quy hoạch, cung vượt cầu; chất lượng sản phẩm còn thấp; rủi ro, thất thu còn cao và đó còn là tình trạng đổ bể, vỡ nợ ở nhiều đại lý ký gửi nông sản, trong đó khu vực miền Trung-Tây Nguyên xảy ra không ít vụ việc…

Thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho hợp tác xã nông nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở ở nhiều nơi, trong đó có khu vực miền Trung-Tây Nguyên chưa được đầu tư đúng mức, còn nhiều mặt hạn chế; trình độ học vấn, kỹ năng, năng lực đổi mới và sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn chưa cao nên năng suất lao động còn thấp, theo đó sản phẩm nông nghiệp có giá thành cao dẫn tới giảm tính cạnh tranh trên thị trường, ngay cả thị trường nội địa. Điển hình nhất là ngành chăn nuôi, ngành mía đường, ngành nuôi trồng thủy sản…

Thứ năm, Việt Nam ta có tiềm năng lớn là dân số nông thôn với 63.086.436 người, chiếm 65,6% tổng dân số cả nước; nông dân cần cù và sáng tạo, yêu nước và đoàn kết nhưng các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích nông dân thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp chưa đồng bộ nên tiến độ hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm còn chậm dẫn đến việc lãng phí về cơ hội, lãng phí về tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lực xã hội, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng, sinh học cho ta sản xuất được cả 3 nhóm nông sản nhiệt đới, Á nhiệt đới và ôn đới. Với hàng ngàn giống cây con thổ sản, dược liệu quý hiếm.

Thứ sáu, một bộ phận không nhỏ nông dân có tâm lý không muốn làm nông nghiệp, tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ chuồng, bỏ chăn nuôi vẫn đang diễn ra ở không ít địa phương; không ít nông dân, nhất là thanh niên nông thôn không còn thiết tha với đồng ruộng, họ chuyển sang làm ngành nghề khác, hoặc đến các đô thị làm ăn, có thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp… trong khi chính sách đất đai chưa thực sự khuyến khích, hoặc tạo cơ chế, hành lang pháp lý vững chắc cho việc tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm…

Thứ bảy, việc sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng phân bón đã được quản lý tốt hơn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của nông dân. Thị trường sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư phân bón vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực, nhất là nạn phân bón kém chất lượng, vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng nhái và giá cả không ổn định, đặc biệt, công tác giống cây trồng, vật nuôi của nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác thanh tra và xử lý chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân, doanh nghiệp…

Về vấn đề này đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải được tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), doanh nghiệp và người nông dân không bị thiệt hại ngày càng tăng như hiện nay vì tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, dùng cho sản xuất phân bón.

Do đó, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí khiến giá trị sản phẩm tăng từ 5 đến 8% tùy vào sản phẩm phân bón và phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp chiếm từ 40 đến 50% nên chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng nên và nông sản cũng phải chịu “đội giá”.

Điều đáng nói là quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp nhập khẩu và gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước trong khi đồng chí Thủ tưởng Chính phủ và Chính phủ đang yêu cầu sản xuất mạnh phân bón hữu cơ trong nước.

Thứ tám, mặc dù các cấp ủy Đảng tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo, chính quyền các cấp nâng cao nhiệm vụ quản lý, các lực lượng chức năng được tăng cường nhưng tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn nhiều nơi còn phức tạp. Điển hình nhất là tình hình trạng tranh chấp đất đai, tài sản trên đất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với đơn vị, tổ chức khác; đó là tình trạng nội bộ nông dân phá hoại cây trồng, vật nuôi, tài sản của nhau ở nông thôn… là những vấn đề cần được quan tâm.

“Đó là những vấn đề mà hội viên, nông dân trong thời gian qua đã phản ánh, kiến nghị, đề xuất với mức độ tập trung cao. Rất mong được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền quan tâm tháo gỡ” đồng chí Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân nhấn mạnh.

“Nông dân Việt Nam với truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của dân tộc, vì Chủ nghĩa xã hội, luôn tìm tòi đổi mới và sáng tạo đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, đồng chí Thào Xuân Sùng cũng khẳng định.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn.

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là trụ đỡ kinh tế nước ta

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng đã xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo các bộ, ngành cùng nhau tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục những bất cập trước diễn biến của đại dịch Covid-19, phát huy sự sáng tạo của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh ngành Nông nghiệp.

Thủ tướng cho biết: Phát triển nông nghiệp cần phải đẩy mạnh mở rộng thị trường, mở rộng chế biến và tạo điều kiện cho nông dân vay vốn. Ngoài ra, đầu vào của sản xuất nông nghiệp bền vững như giống, phân bón, thuốc trừ sâu… là khâu quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu tập trung vào những vấn đề chính, cấp thiết của ngành Nông nghiệp cần phương hướng tháo gỡ.

Giải đáp câu hỏi của nông dân Đỗ Thanh Toán (tỉnh Đắk Lắk) về giải pháp để phát triển ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay cà phê Việt Nam đang được các thị trường nước ngoài như Nhật Bản rất ưa chuộng, chính điều này đã khẳng định được giá trị của cây cà phê Việt Nam. Để phát triển cây cà phê cần phải thâm canh tốt, phải nâng cao chất lượng và có quy hoạch cụ thể vùng trồng cà phê. Chính phủ đang mở rộng thị trường, các hướng chế biến và giữ gìn giá trị cà phê Đắk Lắk. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ cà phê chế biến sâu chỉ mới đạt 12%, do đó cần phải nâng cao, mở rộng thương hiệu để quảng bá mặt hàng này. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, trung ương sẽ hỗ trợ vốn…

Chị Trần Thị Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) đặt câu hỏi về các giải pháp để chống nạn sản xuất và tiêu thụ phân bón giả. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Cần có sự tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và các cơ quan cấp tỉnh để giám sát quá trình sản xuất, sử dụng phân bón. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử phải có biện pháp xử lý thật nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ phân bón giả. Hành vi sản xuất phân bón giả, giống giả phải bị lên án.

Một số nông dân đề nghị Chính phủ mở rộng các khu chế biến nông sản trên địa bàn Tây Nguyên, đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp chế biến. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương nhanh chóng có những phương án tháo gỡ những khó khăn của bà con nông dân, kịp thời hỗ trợ để bà con trong thời gian tới. Thủ tướng đã đặt ra hai vấn đề lớn là làm sao hình thành lớp nông dân trẻ với tư duy mới, suy nghĩ phải đổi mới nền nông nghiệp và tinh thần tự lực tự cường của nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay lực lượng lao động của chúng ta rất dồi dào, có tới 65% nông dân sinh sống ở nông thôn, trong vấn đề đầu tư phát triển nhân lực, chúng ta cần phát huy thế mạnh này, tiềm lực này. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng đất nước, hay dịch bệnh Covid-19… Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng được, trong đó có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt tới 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu. Về nông thôn mới, chúng ta đã đạt mục tiêu hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã đặt mục tiêu 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Bên cạnh đó, chúng ta đang hình thành lớp nông dân mới, Chính phủ rất tự hào về điều này, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp, nông thôn từ đồng bằng đến miền núi có sự tăng trưởng tốt như vậy.

Thủ tướng cho biết: Trong tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu nông nghiệp nước ta vẫn phát triển mạnh đạt 2,6%, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là trụ đỡ kinh tế nước ta. Chính phủ vẫn luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nhiều chương trình, chính sách như nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất… Đồng thời yêu cầu: Phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng; ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0; tăng cường liên kết 6 nhà; phát huy văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam; bảo đảm an ninh, an toàn cho nông dân đẩy lùi tín dụng đen, hàng giả, hàng nhái. Sau buổi đối thoại lần này cần giải quyết vấn đề vốn, tạo điều kiện nông dân phát triển sản xuất vươn lên làm giàu.

Vân Nguyễn