Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông sản thăng hạng nhờ tem OCOP

09:55 10/09/2020 GMT+7
Giải pháp dán tem cho mỗi sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam đã đem lại hiệu ứng tích cực như “giấy thông hành” cho những nông sản chất lượng trên thị trường. Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương không ngừng nâng cao

Giải pháp dán tem cho mỗi sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam đã đem lại hiệu ứng tích cực như “giấy thông hành” cho những nông sản chất lượng trên thị trường. Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ để tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP.

Nâng chất OCOP

Trong kế hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm Chương trình OCOP năm 2020, tỉnh Quảng Nam ưu tiên lựa chọn các sản phẩm mang tính mới (có phương án áp dụng công nghệ mới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã được cải tiến đảm bảo quy định, hình thức sang trọng, bắt mắt); các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO… để sản phẩm OCOP đảm bảo điều kiện tham gia xuất khẩu chính ngạch vào thị trường quốc tế; sản phẩm từ các làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống do các chủ thể là Hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, các sản phẩm còn phải mang tính đặc hữu, đặc trưng của địa phương, có lợi thế về nguyên liệu, lao động, có tiềm năng thị trường; các sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP được các chủ thể tiếp tục nâng cấp, như đầu tư máy móc, trang thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì, nhãn mác… nhằm gia tăng giá trị và có tiềm năng được đánh giá thăng hạng sao OCOP.

Việc tuân thủ đúng quy trình OCOP cũng được chú trọng qua việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn, nhất là cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, chủ thể sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các cam kết của chủ thể về chất lượng sản phẩm sau khi công nhận các hạng sao OCOP; ưu tiên bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Đặc biệt, khâu rà soát lại danh mục sản phẩm đã đăng ký nhằm hạn chế, giảm thiểu số lượng các sản phẩm (tham gia OCOP) trùng lặp về chủng loại (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm), sản phẩm còn ở dạng thô, chưa qua chế biến, chế biến sâu, các sản phẩm tươi sống. Các sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, chủ thể không nỗ lực triển khai, tự động bỏ cuộc, không tiếp tục tham gia chương trình.

Gắn tem cho sản phẩm thăng hạng

Theo ông Mai Đình Lợi – Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh cho biết, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định công nhận 12 sản OCOP đạt thứ hạng 4 sao và 73 sản phẩm được xếp hạng 3 sao. Cùng với 25 sản phẩm được công nhận của năm 2018, các sản phẩm này vừa được Chi cục PTNT tỉnh cấp tem và hướng dẫn sử dụng tem OCOP Quảng Nam.

“Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn khởi tạo tem truy xuất nguồn gốc trên hệ thống truy xuất VCHECK. Mỗi chủ thể được cung cấp thử nghiệm 1.000 tem OCOP cho một sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt từ hạng 3 sao OCOP trở lên” – ông Mai Đình Lợi cho biết.

Theo đó, mỗi tem truy xuất nguồn gốc là một mã truy xuất, ngẫu nhiên, không trùng lặp. Tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm là hình thức mới, tiến bộ trong kiểm soát chất lượng, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đây được nhìn nhận là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng tầm sản phẩm. Mỗi tem truy xuất được nhìn nhận như một “chứng thư” cho chính sản phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể chống bị làm giả, tạo điều kiện quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm.

Đại diện Công ty TNHH Đại Chí Foods với sản phẩm tương ớt mè được nâng cấp 4 sao cấp tỉnh năm 2019 cho biết, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là một bảo chứng về chất lượng sản phẩm. Nó sẽ khiến sản phẩm không bị nhập nhèm với các dòng sản phẩm khác của thị trường, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tràn lan. Việc này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, đảm bảo thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Không chỉ các đơn vị tham gia OCOP hào hứng với việc dán tem mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm: từ nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp sản xuất… Để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần tải ứng dụng VCHECK trên điện thoại thông minh và quét mã tem trên sản phẩm, thẩm định chất lượng trước khi mua hàng. Các thao tác này được thực hiện dễ dàng và nhanh, chỉ trong khoảng 1 phút.

Đại diện Công ty Vạn Phúc Hoa, đơn vị thực hiện xây dựng tem phục vụ truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP của Quảng Nam cho biết, từ thông tin về sản phẩm cho đến thông tin về nhà sản xuất, lẫn nguyên liệu, quy trình chăm sóc, quy cách chế biến, đóng gói cũng như các giấy chứng nhận… đều được thể hiện trên mã tem này. Tem truy xuất là một giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín, sự minh bạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng…

Trước khi dán tem OCOP khẳng định về thương hiệu sản phẩm đã được công nhận, các sản phẩm tham gia vào chương trình này đều đã tìm hiểu về cách thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR code. Khi sản phẩm có tem OCOP, cũng đồng thời nâng cấp chứng nhận của sản phẩm.

Ở góc độ người tiêu dùng, đa số hiện nay đều mong muốn được biết rõ về nguồn gốc, lai lịch sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Xuân An, ở phường Tân Thanh, TP.Tam Kỳ cho biết: “Gia đình tôi nhiều năm nay vẫn luôn mong được sử dụng các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm được sản xuất từ địa phương. Hai năm trở lại đây tôi hay mua thực phẩm tại các cửa hàng thực phẩm sạch. Gần đây, tôi được các bạn bán hàng tư vấn về việc sử dụng điện thoại để quét tem điện tử thông minh, từ đó biết được nguồn gốc, chủng loại, cơ sở sản xuất… nên tôi càng thêm yên tâm về chất lượng của các sản phẩm nông sản Quảng Nam”.

Ông Mai Đình Lợi cho biết thêm, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký dán tem cho 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Việc dán tem có ý nghĩa rất quan trọng vì giúp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tránh việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào các sản phẩm OCOP.

Mỗi tem truy xuất nguồn gốc là một mã truy xuất ngẫu nhiên, không trùng lặp. Tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm là hình thức mới, tiến bộ trong kiểm soát chất lượng, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đây được nhìn nhận là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng tầm sản phẩm.

Lê Quân