Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi cừu – nghề cho thu nhập cao ở Australia

23:25 25/10/2019 GMT+7
Nuôi cừu là nghề phát triển và mang lại thu nhập cao cho nông dân Australia (Úc). Hiện nay, ước tính số lượng cừu được nuôi ở quốc gia này gấp khoảng 3 lần dân số của đất nước. Chăn nuôi cừu phục vụ cho nền công nghiệp thịt và lông; ngoài ra còn được

Nuôi cừu là nghề phát triển và mang lại thu nhập cao cho nông dân Australia (Úc). Hiện nay, ước tính số lượng cừu được nuôi ở quốc gia này gấp khoảng 3 lần dân số của đất nước. Chăn nuôi cừu phục vụ cho nền công nghiệp thịt và lông; ngoài ra còn được dùng trong việc chế biến thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Vợ chồng ông Matthew Donoghoe chia sẻ kinh nghiệm nuôi cừu với các cán bộ Hội Nông dân V.N.

Vượt qua quãng đường dài gần 200km từ thành phố biển Sydney, chúng tôi đến với nông trại chăn nuôi cừu Crookwell thuộc địa phận Hillview Park, nằm ở Nam Tablelands của khu vực New South Wales, Úc. Đây là một vùng nông thôn rộng lớn, có mật độ dân cư thưa thớt, xung quanh bao gồm các đồng cỏ chất lượng cao phù hợp với chăn nuôi cừu và gia súc. Khu vực này có giống cừu Merino nổi tiếng, do vậy đây cũng là vùng chuyên cung cấp các sản phẩm từ cừu chất lượng cao.

Cơ giới hóa, hiện đại hóa, giảm tối đa nhân công

Dẫn chúng tôi đi thăm nông trại, ông chủ Matthew Donoghoe cho biết: “Nông trại Crookwell có diện tích là 2.000 mẫu Anh (khoảng 800ha), địa hình có sự pha trộn của các loại đất, có 4 khu vực chăn thả khác nhau về kích thước, loại đất, thành phần đồng cỏ và nhiều khía cạnh khác. Hiện trong nông trại đang nuôi trên 2.000 con cừu các loại, chủ yếu là cừu lấy lông, và một số ít hơn là cừu lấy thịt; ngoài ra, vào thời gian ít có hạn hán, nông trại còn nuôi thêm bò. Cấu trúc đàn trong nông trại này được gọi là tự thay thế, tức là nông trại nuôi cừu sinh sản để cung cấp con giống phục vụ chính nông trại kết hợp với bán con giống. 

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là với công việc của một nông trại chăn nuôi quy mô lớn cả về diện tích và số lượng gia súc nhưng để vận hành tất cả các công việc đó lại chỉ vẻn vẹn có 2 vợ chồng ông chủ với sự hỗ trợ của 3 chú chó. Trong đó, ông chủ làm toàn bộ các công việc chính, vừa là người quản lý (lập kế hoạch sản xuất, quan hệ, giao dịch), vừa là người thực hiện tất cả mọi công việc của trang trại (cày xới, trồng cỏ, tưới, bón phân, chăm sóc đàn gia súc, sửa chữa máy móc…), bà vợ lo công việc nội trợ và 3 chú chó hỗ trợ chăn cừu.

Theo ông chủ, sở dĩ nông trại sử dụng rất ít nhân công mà công việc vẫn hiệu quả bởi vì gia đình ông đã đầu tư đầy đủ các loại máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hóa ở hầu hết các khâu của quá trình sản xuất; công việc quản lý và quan hệ giao dịch đều được thực hiện thông qua điện thoại thông minh và máy tính. Bản thân ông chủ vận hành thành thạo và tự sửa chữa cơ bản các loại máy móc, thiết bị trong nông trại. Việc chăn đàn cừu 2.000 con, ngoài ông chủ nông trại còn có sự hỗ trợ đắc lực của 3 chú chó đã được huấn luyện thành thạo với nhiệm vụ lùa đàn cừu di chuyển theo đúng yêu cầu của chủ.

Cạnh tranh buộc phải sản xuất sản phẩm chất lượng

Chia sẻ về chăn nuôi cừu, ông chủ nông trại cho biết: Nói chung, cừu có thể nuôi được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, có những giống cừu chỉ sống được ở khí hậu ôn đới nhưng cũng có một số giống cừu sống được ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, điều kiện sống thiết yếu nhất của tất cả giống cừu chính là nguồn thức ăn từ cỏ. Vì vậy, những nơi thích hợp cho chăn nuôi cừu phải là nơi có nhiều đồng cỏ. Khu vực chăn nuôi cừu phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện địa hình và khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của đồng cỏ. Chăn nuôi cừu ở Úc nói chung là thuận lợi vì có diện tích đất rộng là điều kiện tốt để phát triển các đồng cỏ. Nguồn thức ăn cho cừu là cỏ, do vậy, nếu không phải thuê đất thì chi phí nuôi cừu chủ yếu là những chi phí đầu tư cho đồng cỏ như cày xới, trồng cỏ, tưới, bón phân, kiểm soát cỏ dại để cỏ phát triển tốt. Hillview Park là địa phương có những điều kiện thuận lợi, phù hợp cho việc nuôi cừu, nhất là nuôi cừu lấy lông chất lượng cao.

Ông Matthew Donoghoe đang lùa đàn cừu về chuồng.

Trong ngành Nông nghiệp của Úc, nuôi cừu là một trong những công việc cho thu nhập tương đối cao. Ngành sản xuất lông cừu hiện đang đóng góp một phần đáng kể vào nền kinh tế của Úc khi thu nhập về cừu và len vẫn là một nguồn quan trọng trong tổng thu nhập của nông dân Úc. Có trên 50% nông dân có tỉ lệ thu nhập từ 40% trở lên về cừu và len trong tổng thu nhập của họ. Theo chia sẻ của chủ nông trại Cookwell thì: Loại cừu nuôi lấy lông, mỗi năm thu hoạch lông cừu 1 lần, mỗi lần thu được khoảng 70 đô la Úc (AUD)/1 con, thời gian khai thác từ 5-7 năm. Đây là khoảng thời gian cừu cho lông chất lượng cao nhất, sau đó những con cừu này sẽ được khai thác lấy thịt. Lông cừu đạt tiêu chuẩn chất lượng trước hết là sản phẩm phải đồng nhất. Điều đó thể hiện qua độ dài, đẹp của sợi lông, nhất là độ mảnh đạt chuẩn phải là 1/1000 micromet, tức là siêu nhỏ, siêu mỏng, siêu mịn càng tốt. Thành phần lông cừu chất lượng cao phải đạt được 75% tổng khối lượng là lông, 25% linen (là chất do chính con cừu tiết ra để lông cừu luôn mịn, mượt). Việc tiêu thụ lông cừu được thực hiện thông qua các trung tâm đấu giá. Sau khi thu hoạch, lông cừu được chuyển đến trung tâm thử nghiệm chất lượng mẫu lông cừu để kiểm tra, đánh giá phân loại, các mẫu sẽ được đưa vào catalog và đưa ra đấu giá tại Sydney vào tháng 3 hàng năm. Đối với loại cừu nuôi lấy thịt, thời gian nuôi tính từ khi cừu con sinh ra đến khi cừu rụng hết răng sữa (khoảng 1 năm tuổi), là thời điểm cho thịt ngon nhất. Mỗi con cừu nuôi lấy thịt sẽ thu được khoảng 30 AUD tiền bán lông và 120 AUD tiền bán thịt.

Theo kinh nghiệm của nông dân ở đây, muốn lông cừu đạt chất lượng cao đòi hỏi trước hết là có giống cừu tốt, giống cừu Merino là một điển hình. Cả cừu lấy lông và cừu thịt phải được nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo các điều kiện đầy đủ về thức ăn, thú y, môi trường sống tốt nhất để con cừu luôn khỏe mạnh sẽ cho sản phẩm chất lượng cao.

Tại Úc, việc quản lý chất lượng nông sản rất chặt chẽ, đặc biệt là việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với các nông trại chăn nuôi, mỗi nông trại sẽ được cơ quan quản lý cấp cho một mã số định danh chung cho gia súc của nông trại, chủ các nông trại mở sổ theo dõi, đánh mã số riêng cho từng con. Khi con vật được sinh ra, chủ nông trại đánh mã số qua chip gắn vào tai con vật, đây là mã số của riêng mỗi con trong cả đời, chip chỉ được bỏ ra khi con vật bị giết mổ. Qua chip này có thể biết được các thông tin cơ bản về nguồn gốc của vật nuôi như: Thời điểm sinh, thuộc nông trại nào? và tùy từng nông trại sẽ có thêm một số thông tin như: Tiêu chuẩn chăm sóc? Nguồn thức ăn? Tiêm vacxin? Sử dụng kháng sinh… Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, cạnh tranh đứng vững trên thị trường, nông dân ở đây đều ý thức cao trong việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan quản lý, hoặc tiêu chuẩn đã được quy định, thỏa thuận với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua như các siêu thị hoặc chợ đầu mối. Nông dân không dám làm ăn gian dối, vì như vậy tự họ sẽ gây thiệt hại cho chính mình, thậm chí dẫn đến phá sản.

 

Mỗi con cừu có một mã số riêng từ khi sinh ra.

Theo ông Matthew Donoghoe, việc cấp mã số cho cừu ngay sau khi sinh ra (ảnh) giúp cho các nông trại quản lý, theo dõi được từng con, nhất là việc chăm sóc phòng, chữa bệnh; đồng thời khi tiêu thụ, người tiêu dùng sẽ biết được nguồn gốc của sản phẩm, họ sẽ chọn mua sản phẩm có uy tín, có thương hiệu mà họ đã quen hoặc đánh giá chất lượng để đưa ra quyết định mua.

Bài, ảnh: Huyền Đức