Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi tôm xen lúa – Hướng phát triển chủ lực cho nông nghiệp Bạc Liêu

15:20 27/11/2019 GMT+7

Để tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, Ban Kinh tế (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu triển khai xây dựng Mô hình nuôi tôm càng xanh xen trồng lúa nhằm hỗ trợ thúc đẩy hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. Mô hình cũng đồng thời tạo động lực thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị tôm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, hữu cơ, sinh thái.

Ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Trưởng Ban phụ trách, Ban Kinh tế , T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Hội Nông dân Bạc Liêu đi khảo sát mô hình tại xã Vĩnh Lộc (Hồng Dân, Bạc Liêu). Ảnh K.T

Tôm, lúa – đối tượng sản xuất chủ lực

Xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là một xã vùng sâu của tỉnh, với diện tích tự nhiên là 4.822ha, diện tích sản xuất nông nghiệp là 3.900ha. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp là chính, toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi sang một vụ lúa, một vụ tôm (gọi tắt tôm – lúa). Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường gia tăng, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá vật tư đầu vào tăng, làm đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thực tế trên đã làm gia tăng tính rủi ro đối với hoạt động sản xuất, trong khi hiệu quả sản xuất có xu hướng giảm trầm trọng.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xác định mô hình “nuôi tôm càng xanh nhằm hỗ trợ thúc đẩy hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị” là hướng phát triển trọng tâm trong thời gian tới và cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế sản xuất và tập quán sản xuất của tỉnh. Với kinh phí đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng, dự án được thực hiện tại hợp tác xã tôm – lúa Chiến Thắng tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, được thực hiện trong 4 tháng (9/2019 -12/2019). Chính vì vậy, tôm – lúa cũng sẽ là đối tượng sản xuất chính, chủ lực ở đây trong thời gian tới.

Mặt khác, tỉnh Bạc Liêu cũng xác định nông nghiệp là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, mô hình sản xuất tôm – lúa tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cũng là loại hình sản xuất được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh phát triển. Bởi, đây là hình thức sản xuất giải quyết được bài toán có thể sản xuất bằng cả nguồn nước ngọt vào mùa mưa và nguồn lợ vào mùa khô, tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, giảm rủi ro, giảm chi phí sản xuất do hai đối tượng sản xuất này có thể bổ trợ cho nhau. Vừa là mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm và có thể hình thành chuỗi sản xuất có sản lượng lớn, giá trị cao.

Bà Lê Thanh Giang – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình triển khai với mục đích, giúp người dân trong việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm càng xanh (giống phù hợp với sinh thái vùng, chống chịu tốt với một số bệnh) nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho thành viên hợp tác xã giúp cho hợp tác xã từng bước áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị từ đó góp phần quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương, khuyến khích mở rộng phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cơ cấu kinh tế ở địa phương, tạo sản phẩm có có năng suất, chất lượng cao phục vụ nhu cầu đời sống cho nhân dân và nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Đối với tôm càng xanh, nuôi trên ruộng lúa sẽ sinh trưởng tốt hơn, ổn định về chất lượng và giá tăng 10 – 20 ngàn đồng/kg so với năm 2018 nên hộ nuôi lãi khá, giá tôm xô (15 – 30 con/kg) dao động 190 – 220 ngàn đồng/kg” – bà Giang nói.

Đồng thời, qua xây dựng mô hình góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, về kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã; giúp thành viên hợp tác xã có thêm kiến thức về quản trị, quản lý, điều hành hợp tác xã và những lợi ích mang lại từ việc tham gia phát triển hình thức kinh tế tập thể.

Nâng cao thu nhập cho nông dân

Những năm qua, các hộ sản xuất tôm trong xã Vĩnh Lộc chủ yếu mua giống và bán sản phẩm cá thể, nhỏ lẻ nên chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp. Trong điều kiện như vậy, hầu hết các hộ sản xuất tôm đều có nhu cầu sử dụng dịch vụ mua giống và bán sản phẩm tập trung, để giảm chi phí và tăng thu nhập. Do vậy, từ khi mô hình nuôi tôm càng xanh với quy mô 100ha với 26 thành viên Hợp tác xã tôm – lúa Chiến Thắng tại xã Vĩnh Lộc ra đời đã giải quyết được vấn đề đầu vào và đầu ra cho xã viên.

Khu vực xây dựng Mô hình nuôi tôm càng xanh xen trồng lúa nhằm hỗ trợ thúc đẩy HTX, THT phát triển sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Vĩnh Lộc (Hồng Dân, Bạc Liêu). Ảnh: K.T

Trải qua gần 3 tháng thực hiện, nhờ sự đoàn kết và phương thức sản xuất an toàn, hiện đại, Hợp tác xã Chiến Thắng đang dần dần tạo nên một cuộc “cách mạng” trong sản xuất, tiến tới nâng cao đời sống của các thành viên, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thông qua các nội dung của dự án cũng là cơ hội để các cán bộ Hội, hội viên nông dân và các hộ xã viên được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới và đánh giá hiệu quả thực tế của Dự án mang lại. Một số cán bộ Hội Nông dân các cấp và nông dân có kiến thức và kỹ năng quản lý, trở thành lực lượng tư vấn ở địa phương và hướng dẫn nông dân khác thực hiện, nhằm tạo sự lan tỏa, nhân rộng mô hình. Góp phần xoá đói giảm nghèo cho một số hội viên nông dân trong vùng. Hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, năng suất cao, ổn định.

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Kinh tế, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, năng suất tăng tối thiểu có thể đạt được 10% (>0,5 tấn/ha), hiệu quả tăng đến trên 15% so với ngoài mô hình, tỷ lệ sống đạt trên 30%, kích cỡ thu hoạch khoảng 30con/kg, góp phần giúp Hợp tác xã thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. Thông qua việc triển khai dự án, nông dân cũng dần hoàn thiện kiến thức để có thể chủ động duy trì và triển khai nhân rộng, tạo uy tín, thương hiệu để tiêu thụ trực tiếp hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp một cách dễ dàng với giá trị cao hơn.

Đồng thời, góp phần nâng cao khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy và kỹ thuật sản xuất cho nông dân góp phần phát triển sản xuất quy mô lớn với chất lượng, năng suất cao hơn, phương thức làm ăn tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Thành công của dự án sẽ góp phần hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững: Áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo cân bằng sinh thái vùng sản xuất tôm – lúa.

Thông qua việc triển khai dự án, nông dân dần hoàn thiện kiến thức để có thể chủ động duy trì và triển khai nhân rộng, tạo uy tín, thương hiệu để tiêu thụ trực tiếp hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp một cách dễ dàng với giá trị cao hơn”
Ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Trưởng Ban phụ trách, Ban Kinh tế, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.

Huyền Trang