Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Phép màu lặng lẽ” của phân bón Văn Điển trên những vùng đất chua

15:34 03/09/2019 GMT+7

Canh tác trên “đất chua”, nông dân thường phải bón thêm vôi. Tuy nhiên, khi sử dụng phân nung chảy Văn Điển, bà con nông dân không cần phải bón thêm vôi, trong vài năm sẽ làm thay đổi lý, hóa tính đất theo hướng có lợi cho cây trồng. Vì sao lại có hiện tượng này?

Để tìm câu trả lời thấu đáo, phóng viên Làng Mới đã trao đổi với kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình về vấn đề này.

Nông dân chuẩn bị bón phân “lúa 1” (phân chuyên dùng bón lót) của Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh tư liệu.

Theo kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh, trong cuộc sống muôn loài, lượng a xit hay độ chua có vai trò rất quan trọng đến sự sống còn của mỗi cá thể. Nó thường xác định chất lượng, đặc tính, khả năng hấp thu và sự hòa tan của nhiều chất dinh dưỡng. Với con người, sự biến động nhỏ về độ axit máu cũng có thể dẫn đến tử vong. Với cây trồng, độ chua (hay độ pH) của đất tác động nhiều đến các tính chất vật lý, hóa học và vi sinh vật của đất, đến sự phát triển và năng suất của cây trồng.

Vì sao nhà nông phải bón vôi cho cây trồng?

Độ pH ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ví dụ, sự sử dụng lân (P) bị giảm trên đất chua chứa nhiều sắt (Fe), Al (nhôm). Sự hữu dụng của molipden (Mo) giảm là hậu quả của sự giảm pH đất. Các loại đất khoáng chua thường hay có hàm lượng Al và mangan (Mn) hoà tan cao. Khi hàm lượng các nguyên tố này đạt mức thừa sẽ gây độc cho cây. pH đất dưới 5 hoặc trên 7 sẽ làm gia tăng sự biến đổi phân lân hoà tan trong nước thành các dạng có tính hữu dụng thấp hơn đối với cây trồng. Một số loại bệnh phát sinh từ đất cũng bị ảnh hưởng bởi pH đất. Bệnh nấm vảy (Scab) của khoai tây Irish, bệnh ghẻ của khoai lang, và thối rễ đen của thuốc lá phát triển trong điều kiện đất trung tính và kiềm.

Mức độ pH ảnh hưởng đến sự phân giải phân hóa học và các chất khó tiêu trong đất thành các chất dễ tiêu cho cây. Nó xác định vai trò của các dinh dưỡng khoáng cho cây trồng. Mỗi cây trồng có riêng một khoảng pH thích hợp. Ngoài khoảng đó sẽ làm cây trồng phát triển yếu, năng suất, chất lượng thấp và sâu bệnh nhiều. Độ pH của đất thấp quá làm hạn chế sự phát triển rễ, làm rối loạn chức năng của màng plasma, vách tế bào, hạn chế sự sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt của mô phân sinh đỉnh; mặt khác còn ảnh hưởng xấu đến sự sử dụng các chất  đạm (N), lân (P), kali (K), vôi (Ca), magie (Mg) của cây trồng… Đất quá chua  có thể  gây ngộ  độc nhôm (Al) cho cây. (Trong môi trường pH < 5.0, các chất  Al, Fe, và Mn trở nên dễ hoà tan và  có thể gây độc cho cây).

Sản xuất nông nghiệp nước ta diễn ra trong điều kiện nhiệt đới và cận nhiệt đới với khí hậu gió mùa, lượng mưa hàng năm lớn và khá tập trung theo mùa. Về địa hình “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” (1 phần ruộng, 3 phần đồi núi, 4 phần biển), nhiều núi cao, độ dốc lớn… nên hiện tượng xói mòn, rửa trôi diễn ra rất khốc liệt… Mặt khác, qua nhiều năm canh tác, do quá trình xói mòn, rửa trôi; do dinh dưỡng trong đất bị mất đi theo sản phẩm thu hoạch trong khi nông dân chưa chú trọng đến khâu bồi dục đất, đất nông nghiệp nước ta đã thay đổi rất nhiều cả về lý, hóa tính đất. Điều này càng trầm trọng hơn, khi trong vài thập kỷ qua nông dân ít sử dụng phân hữu cơ, lạm dụng thái quá phân hóa học, tệ hại hơn là quen dùng các loại phân hóa học có phản ứng chua  nên hàm lượng mùn trong đất ngày càng nghèo kiệt đã làm cho đất trở nên chai cứng, phá vỡ kết cấu đất, giảm độ xốp. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trung vi lượng thiếu hụt rất trầm trọng như canxi, magie, silic, lưu huỳnh, bo, kẽm, molipden, coban…

Trong các dinh dưỡng khoáng, vôi vừa là thức ăn cho cây; vừa liên kết các hạt li mông, keo đất tạo ra các đoàn lạp làm tăng độ tơi xốp cho đất, quan trọng nhất là vôi tham gia phản ứng trung hòa các axit nên có tác dụng  khử chua và tham gia cải tạo đất nông nghiệp.

Đầu những năm 60 thế kỷ trước, khảo sát đánh giá đất nông nghiệp nươc ta cho thấy: trên 60% diện tích đất nông nghiệp bị chua và nghèo lân nghiêm trọng. Thực tế các vùng sình lầy ở trung du, miền núi,  vùng thấp trũng ở Đồng bằng sông Hồng được gọi là vùng đất kìm hãm, vì đất chua và thiếu lân nên rất khó thâm canh lúa, màu. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp bón vôi bột trước khi bón lân super. Tuy vậy, nhiều chân ruộng chua trũng lúa vẫn chậm tốt, sâu bệnh nhiều và nhiều rong rêu, gây rất nhiều phiền toái cho nông dân.

Phân bón Văn Điển vừa tốt cho cây, vừa bồi bổ đất lâu dài

Về khả năng sử dụng phân bón để khắc phục “đất chua”, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh nêu ra một gợi ý là phân nung chảy Văn Điển. Ông phân tích: Phân nung chảy Văn Điển, được phối hợp tinh tế 3 loại quặng: Apatít, Secpentyl, sa thạch, với công nghệ nung chảy ở nhiệt độ 1.450 độ C và làm lạnh đột ngột đã cho ra sản phẩm phân bón đa dinh dưỡng, trong đó P2O5 15-19%, MgO 15-18% ,SiO2 24-32%, CaO 28-34%, và nhiều  chất vi lượng Fe, B, Mn, Zn, Co, Cu, Mo… Loại phân bón này giàu chất kiềm và kiềm thổ nên  có tính kiềm tiềm tàng. Phân không tan trong nước nên không bị rửa trôi, bay hơi hoặc bị các chất Fe, Al chuyển hóa thành các chất khó tiêu cho cây trồng. Chỉ khi cây tiết acid hoặc trong môi trường chua thì phân mới tan và phóng thích ra các Ion A++ vừa có tác dụng khử chua vưà bồi dục đất nông nghiệp, điều chỉnh pH môi trường đất về trạng thái phù hợp hơn với cây trồng.

Mô hình trình diễn bón phân NPK Văn Điển cho khoai tây tại tỉnh Thái Bình. Ảnh Tư liệu.

Trên 96% các chất dinh dưỡng trong phân nung chảy Văn Điển được cây trồng hấp thụ hết trên 98%. Không chỉ hiệu quả sử dụng của phân Văn Điển cao hơn các loại phân thông thường khác, mà trong quá trình cây trồng sử dụng phân Văn Điển độ pH trong dung dịch đất tăng dần, đất tơi xốp hơn. Do vậy, khi sử dụng phân nung chảy Văn Điển và các loại phân đa yếu tố NPK  được sản xuất từ phân nung chảy Văn Điển không phải bón thêm vôi, trong vài năm sẽ làm thay đổi lý, hóa tính đất theo hướng có lợi cho cây trồng.

Trở lại vùng đồng bằng sông Hồng, từ những năm  1995-2000, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… từng bước mở rộng diện tích sử dụng phân bón Văn Điển chuyên dùng cho cây lúa. Giai đoạn 2000-2010 cây lúa vùng này được thâm canh cao nhất, năng suất lúa cao nhất, ít sâu bệnh nhất và nông dân nhàn nhất nhưng lại được mùa nhất. Có lẽ do phân bón Văn Điển được sử dụng ở đây nhiều nhất so với các thời gian trước (điển hình Thái Bình đã có vụ sử dụng trên 30.000 tấn phân đa yếu tố NPK chuyên dùng cho lúa của Văn Điển) có nhiều xã như Quỳnh Khê, An Tràng của huyện Quỳnh Phụ, trong nhiền năm nông dân chỉ sử dụng phân bón Văn Điển mà không sử dụng các loại phân bón khác cho lúa và rau màu. Tuy không phải bón thêm vôi nhưng đồng ruộng ít chua hơn, không còn nhiều rong rêu trên ruộng lúa; không còn nhiều màu vàng bám vào chân thợ cấy nữa. đất cũng tơi xốp hơn và dễ canh tác hơn.

Hiện nay, lượng phân bón Văn Điển sản xuất ra chưa đủ cung cấp cho cà phê, cao su, hồ tiêu… vùng Tây Nguyên, chưa đủ nhu cầu cho đất chua phèn vùng Đông Nam Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Phân bón Văn Điển không chỉ đã trở thành niềm tin, là thương hiệu uy tín đối với các vùng chuyên canh lúa, chuyên canh cây ăn quả ở các tỉnh đồng bằng và trung du, mà còn cả cho các vùng chuyên sản xuất chè sạch, chè chất lượng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều đó  chứng minh  phân nung chảy Văn Điển không chỉ thay thế vôi trong khử chua và cải tạo đất, mà còn trực tiếp thâm canh cây trồng trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững.

Trọng Hòa – Nam Phong