Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Quan toà” uy tín của đồng bào dân tộc S’tiêng

07:07 06/08/2021 GMT+7

Đó là cách gọi yêu mến mà đồng bào dân tộc S’tiêng để nói về ông Điểu Sơn (sinh năm 1958) Chi hội trưởng Nông dân ở thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Bằng những việc làm cụ thể, ông đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Gia đình ông Điểu Sơn được tặng giấy khen vì đã có nhiều đóng góp trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ảnh: Phạm Yến

Đến từng nhà tuyên truyền pháp luật

Ở thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng có hơn 80% hộ đồng bào dân tộc S’tiêng và tất thảy đều coi “quan tòa” Điểu Sơn là người thân. Với uy tín của mình trong đồng bào, ông đã hóa giải hầu hết các vụ mất an ninh trật tự, gia đình bất hòa trong thôn.

Ông Điểu Sơn tâm sự: “Vợ chồng nào đánh nhau, mình tìm đến khuyên can, nói cho họ hiểu về tác hại của việc mất đoàn kết trong gia đình. Đứa trẻ nào bỏ học, mình tâm sự với cha mẹ chúng và khuyên nhủ đứa trẻ để gia đình họ hiểu học mới giúp thoát nghèo và cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng khó nhất vẫn là khuyên giải tranh chấp đất đai, nhà cửa. Nhiều lần mình đến còn bị nạt nộ, đuổi về nhưng vẫn kiên trì giảng giải điều hơn, lẽ thiệt. Phải cho đồng bào mình biết làm cái tốt, tránh cái xấu. Chỉ đến khi nào hết khả năng mình mới báo chính quyền nhờ giải quyết”.

Ông Điểu Sơn tâm niệm muốn bà con nông dân tin vào lời nói của mình thì mình phải nêu gương trước. Thời gian vừa qua, khi cả nước đang chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19 thì ông Điểu Sơn cũng tích cực vào cuộc.

Trong thời gian này, hàng ngày, ông tranh thủ thời gian cùng các lực lượng đến từng nhà trong thôn để tuyên truyền tới người dân cách thức sinh hoạt hợp vệ sinh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Nhờ thường xuyên được nhắc nhở cho nên ý thức chấp hành của bà con nơi đây rất tốt.

Chia sẻ bí quyết tuyên truyền, vận động bà con, ông Điểu Sơn bộc bạch: “Để bà con nông dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, mình không ngừng học tập để trau dồi kiến thức và cách truyền tải thông tin đến mọi người. Do đồng bào hiểu biết chưa nhiều cho nên mình cần truyền tải làm sao đơn giản, gần gũi, chân thành để đồng bào nghe hiểu và làm đúng”.

Giúp đồng bào S’tiêng thoát nghèo

Dù bận rộn với công tác xã hội, nhưng ông Điểu Sơn vẫn cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông thường xuyên học tập, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Với mục tiêu làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình, từ đầu những năm 2000 trên 6ha đất khai hoang, vợ chồng ông đã đưa cây điều vào trồng thay thế loại cây kém năng suất trước đây. Từ đó kinh tế gia đình được cải thiện qua từng năm.

Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng ông Điểu Sơn tiết kiệm trong chi tiêu để mua thêm đất phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông đã có được 12ha. Tránh tình trạng mất mùa hay mất giá cục bộ, ông đã dành 6ha trồng điều, 6ha còn lại trồng cao su.

Để cây trồng cho năng suất cao, ông luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn do địa phương và ngành Nông nghiệp tổ chức, chủ động theo dõi chăm sóc, xử lý khi có sâu bệnh hại trên các loại cây trồng.

Ông Điểu Sơn nhận ra rằng: Việc chăm sóc, bón phân cho cây điều và cây cao su rất quan trọng, nó quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm, nên hàng năm ông luôn bón phân, thăm vườn, xử lý sâu, bệnh hại trên cây điều và cây cao su kịp thời. Kết quả là vườn cây của gia đình ông năng suất luôn cao hơn các hộ trong vùng, từ đó kinh tế gia đình ổn định.

Từ kinh nghiệm sản xuất hiệu quả của gia đình, ông Điểu Sơn đã vận động, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong thôn cùng làm theo. Ông Điểu Sơn còn tuyên truyền, vận động bà con xung quanh áp dụng khoa học kỹ thuật, không nên có tư tưởng “bỏ bê, mặc kệ”. Ông giúp bà con tìm hiểu cần bón phân vào thời điểm nào, xịt thuốc ra sao để cây điều ít sâu bệnh, chống rụng trái non, đạt năng suất cao và liều lượng phân bón làm sao để cây cao su cho hàm lượng và sản lượng mủ cao hơn.

Được hướng dẫn cặn kẽ, bài bản của ông Điểu Sơn, nhiều hội viên nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng ở thôn 6, xã Long Tân đã vươn lên khấm khá nhờ áp dụng KHKT trong việc trồng cây điều, cây cao su… Nếu như giai đoạn 2015-2020, Chi hội Nông dân thôn 6 xã Long Tân có 131 hộ nghèo đều là người đồng bào S’tiêng và là hội viên nông dân, thì đến nay chỉ còn 44 hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, ông Điểu Sơn còn luôn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên được bà con tin tưởng, là người có uy tín trong thôn.

Ông Điểu Sơn cho biết: “Mình thường xuyên tham gia công tác xã hội như vận động tuyên truyền các hoạt động văn hóa văn nghệ, dạy cho thanh niên trong thôn biết đánh cồng chiêng, vận động con em chạy xe không uống rượu bia, không chạy quá tốc độ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản; kết hợp với Ban công tác mặt trận thôn vận động những gia đình có con em bỏ học tiếp tục đến lớp; tuyên truyền không xả rác bừa bãi ra sông suối; thăm hỏi, vận động bà con chấp hành đúng chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước; nâng cao nhận thức, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, và tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình…”.

Đối với quỹ Vì người nghèo do thôn và xã phát động, gia đình ông Điểu Sơn luôn là một trong những gia đình tiêu biểu, đi đầu và có nhiều đóng góp quan trọng. Năm 2019, trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ông đã quyên góp 1 triệu đồng để ủng hộ các hộ gia đình khó khăn trong thôn; năm 2018 khi được Nhà nước hỗ trợ làm đường nông thôn, mỗi hộ dân đóng góp 1 triệu đồng để làm đường, riêng gia đình ông đã thực hiện đóng góp đầu tiên với số tiền 3 triệu đồng.

Với những đóng góp cho quê hương, ông Điểu Sơn được chính quyền các cấp tặng nhiều bằng khen. Vừa qua, ông cũng vinh dự được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, giai đoạn 2015 – 2020 và được vinh danh là 1 trong 90 Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc của cả nước.

Chia sẻ bí quyết tuyên truyền, vận động bà con, ông Điểu Sơn bộc bạch: “Để bà con nông dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, mình không ngừng học tập để trau dồi kiến thức và cách truyền tải thông tin đến mọi người. Do đồng bào hiểu biết chưa nhiều cho nên mình cần truyền tải làm sao đơn giản, gần gũi, chân thành để đồng bào nghe hiểu và làm đúng”.

Hải Anh