Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Ngãi nỗ lực giải quyết đầu ra cho nông sản, hải sản

11:04 26/09/2021 GMT+7

Dịch Covid-19 tại tỉnh Quảng Ngãi ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nông dân, ngư dân, lượng lớn nông sản, hải sản của bà con gặp khó khăn do tiêu thụ bị gián đoạn. Tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Sau gần 1 tuần đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, ngày 20/9, tỉnh Quảng Ngãi cho phép 6 cảng cá lớn trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại. Tại thị xã Đức Phổ, mấy ngày qua, hàng chục tàu cá, hàng trăm tấn hải sản của ngư dân cập cảng cá Mỹ Á và Sa Huỳnh. Ban quản lý cảng cá Sa Huỳnh sắp xếp mỗi ngày 3 tàu cá chia phiên cập bến, gần 100 người mua bán khoảng 70 tấn hải sản.

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi được phép cập cảng bán hải sản.

Sau 18 ngày đánh bắt trên biển, ông Nguyễn Văn Hào, chủ tàu cá QNg 98011 cùng 10 ngư dân hành nghề lưới vây ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ vui mừng khi được cập cảng cá Sa Huỳnh tiêu thụ hải sản.

Ông Hào cho biết: “Tàu của tôi xuất bến ở cảng Sa Huỳnh đi khơi, đánh bắt xa bờ. Lúc nào chúng tôi cũng mở thiết bị giám sát hành trình. Xuất bến đi ở cảng Sa Huỳnh rồi về lại đây luôn. Khi tàu về bờ, ngư dân được test Covid-19 lại, chờ dưới tàu, khi nào có kết quả, Trạm Kiểm soát Biên phòng điện báo cho chúng tôi về nhà. Ngư dân vào bờ, chính quyền địa phương tạo điều kiện để bà con bán cá, chúng tôi thấy cũng vui. Giá cá bán hiện nay không bằng mọi khi, rẻ hơn nhưng giải quyết được khỏi tồn đọng, bà con rất mừng”.

Hải sản của ngư dân Quảng Ngãi được hỗ trợ tiêu thụ.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng ngàn tấn hải sản, nông sản như: Tôm, cá, dưa hấu, dưa lưới, ớt, tỏi, … của bà con trong vùng dịch bị ứ đọng, tiêu thụ chậm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Sở Công Thương kết nối với các địa phương, hiệp hội tìm cách tiêu thụ hàng hóa nông – thủy sản cho bà con.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã thành lập tổ công tác kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. “Chúng tôi cùng với các huyện thống kê số lượng hàng nông sản của các địa phương. Từ đó, chúng tôi liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ thu mua cho người nông dân, giảm bớt thiệt hại khi hàng nông sản đến kỳ thu hoạch bị ứ đọng”.

Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Nhằm thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ, đường thủy toàn tỉnh, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi…

Các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Địa phương khuyến cáo người dân sơ chế, chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch để tăng giá trị nông sản, kéo dài thời gian tiêu thụ; vận động doanh nghiệp có kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản hoặc thiết bị sấy nông sản hỗ trợ người dân. Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Hiệp hội ngành hàng, hệ thống các chuỗi cung ứng, các hiệp hội tập đoàn bán lẻ trên cả nước hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị thường xuyên kết nối với Sở Công thương các tỉnh, thành phố để giới thiệu, tiêu thụ hàng hoá trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Đạt nhấn mạnh: “Chúng tôi tập trung nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân trên môi trường trực tuyến. Tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ số và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh, tiêu thụ nông sản.

Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng tìm kiếm và phát triển thêm nhiều thị trường mới… Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”./.

(Theo VOV)