Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Ngãi: Triển khai mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”.

Hoàng Tuấn - 16:21 17/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều (16/6), tại huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM đã phối hợp Tổ chức Hội nghị triển khai mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”.
TS Ngô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM
TS. Ngô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM trình bày mô hình tại Hội nghị.

Trình bày tại Hội nghị, TS Ngô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: Mô hình du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn mang tên “ Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” góp phần thiết lập lại hệ thống sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác những câu chuyện kỳ bí từ thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây, và khơi gợi lại câu chuyện kỳ bí “thế lính hoàng sa”, đưa vào trong bộ tài liệu thuyết minh và từng điểm đến du lịch.

Mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” thu hút hơn 120 thành viên tham gia vào mô hình từ các dịch vụ khác nhau như nhà hàng, khách sạn, homestay, dịch vụ trải nghiệm, xe ôm… với mục tiêu kết nối các dịch vụ cung cấp theo chuỗi các hoạt động tour, tuyến du lịch, gắn kết các tác nhân đảm bảo cho việc phát triển du lịch đi vào nề nếp không có tình trạng chèo kéo khách hoặc cạnh tranh giá cả như hiện tại.

Đặc biệt mô hình luôn nhắm đến việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và dịch vụ cung cấp cho du khách, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cộng đồng tham gia vào mô hình du lịch “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”. Từ đó, xây dựng được thương hiệu du lịch Lý Sơn, mang về nguồn thu cho cộng đồng từ du lịch và  không ngừng tăng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào quá trình xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Lý Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Ninh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lý Sơn cho biết: Với những đặc điểm nổi trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hoá, Lý Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển và du lịch, dịch vụ. “Tài nguyên du lịch của Lý Sơn có cả thiên tạo lẫn nhân tạo và dĩ nhiên các tài nguyên ấy đều giữ nét riêng biệt không lẫn lộn” – ông Lê Văn Ninh nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” được xây dựng nhằm thiết lập lại hệ thống sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác những câu chuyện kỳ bí từ thiên nhiên, văn hóa và con người ở Lý Sơn, khơi gợi lại câu chuyện kỳ bí “thế lính Hoàng Sa”, đưa vào trong bộ tài liệu thuyết minh và từng điểm đến du lịch.

Ông Nguyễn Văn Nhật – Giám đốc Công ty TNHH Phú Sinh chia sẻ: Hiện nay tôi đang làm mô hình du lịch trải nghiệm, du khách đến với farm sẽ được tìm hiểu mô hình trồng hành tỏi truyền thống ở đảo Lý Sơn, cảm nhận được sự vất vả của người nông dân khi làm nghề này. Tại đây du khách còn được tự tay trồng hành, tỏi. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là những kỷ niệm thú vị đối với du khách.

Khi tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”, chúng tôi sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Trước hết chúng tôi sẽ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh để nhiều du khách biết đến quê hương Lý Sơn của chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi được hướng dẫn để làm du lịch cộng đồng một cách bền vững, hoạt động một cách khoa học, lo-gic hơn so với cách làm độc lập trước đây. Khi liên kết được với các đơn vị lữ hành, lượng khách cũng sẽ đông hơn, tạo nguồn thu nhập cho người dân khi chuyển từ sản xuất truyền thống sang làm du lịch.

Khi tham gia mô hình, chúng tôi cũng phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn chung. Hiện farm đang sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, đảm bảo sạch, không sử dụng hoá chất.

mô hình du lịch cộng đồng
Du khách trải nghiệm trồng tỏi.

Cảm nhận về mô hình, bà Đặng Thị Ngọc Huệ (du khách đến từ TP.HCM) chia sẻ: “Tôi rất thích đảo Lý Sơn. Đảo Lý Sơn có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có nhiều đặc sản đặc trưng. Đặc biệt, khi tham gia tour “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”, tôi cảm nhận được sự khác biệt. Thông qua tour, tôi được đến gần với người dân hơn, được tiếp cận với những nét văn hoá của người bản địa, được trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Người dân ở Lý Sơn rất hiền hoà, dễ thương và mến khách”.

Không dấu được cảm xúc, Bà Thăng Thanh Thanh du khách đến từ TP.HCM thổ lộ:  “Tôi rất xúc động khi khi đến farm trồng hành, tỏi, khi thấy những người nông dân lam lũ, chịu thương chịu khó đội nắng trồng tỏi. Tôi cảm nhận được sự cực nhọc, vất vả của họ.

Ở Lý Sơn có những cảnh đẹp mà không nơi đâu có được. Người dân ở đảo Lý Sơn rất thân thiện, nhiệt tình, vui vẻ, đón tiếp du khách nồng nhiệt. Tôi rất xúc động, tự hào khi đất nước Việt Nam có hòn đảo Lý Sơn xinh đẹp”.

Hiện nay ý nghĩa của mô hình đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp như Công ty M&M Communications; Công ty TNHH Tư Vấn Truyền Thông Và Sự Kiện Cánh Cam; Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Lữ Hành Chim Cánh Cụt, Resort Đảo Ngọc Lý Sơn tài trợ: Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu (thực hiện bởi M&M Communications); hỗ trợ các hoạt động quảng bá các tour, tuyến du lịch, đồng phục cho mô hình và đóng góp ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch cho mô hình trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và địa phương cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”.

Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn
Đại diện các doanh nghiệp và địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác.

 

Kết quả bước đầu mô hình đã xây dựng được cơ chế quản lý, bộ nhận diện thương hiệu mô hình, các tour-tuyến và bộ sản phẩm du lịch với hệ thống hoạt động và dịch vụ chi tiết để sẵn sàng cung cấp cho du khách tại các điểm thiên nhiên kỳ bí và điểm trải nghiệm của cộng đồng với nội dung như sau:

-       Các điểm tài nguyên tự nhiên gắn liền với đặc điểm địa mạo, địa chất độc đáo núi lửa và biển của Lý Sơn: Hang Cau, Núi Thới Lới, Cổng Tò Vò, bãi biển nham thạch, …

-       Các điểm tài nguyên nhân văn (đình, chùa, miếu, nhà cổ) gắn liền với truyền thống xây dựng và bảo vệ đảo trong suốt chiều dài lịch sử: Đình An Hải, Đình An Vĩnh, Chùa Hang, Chùa Đục, Âm linh tự, Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải, …

-       Các điểm sinh cảnh văn hóa nông nghiệp, ngư nghiệp gắn liền cuộc sống của người dân trên đảo: cánh đồng hành, tỏi, cảng biển, bãi biển đánh bắt, …

-       Hệ thống điểm cung ứng dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí, trải nghiệm trên đảo.

Đặc biệt mô hình đã xây dựng Bộ thuyết minh câu chuyện “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”. Bộ thuyết minh gắn liền với các điểm du lịch, dịch vụ, hoạt động đưa vào chương trình du lịch, là công cụ quan trọng để cộng đồng chuyển tải các giá trị mà sản phẩm du lịch chứa đựng đến du khách, nhờ có bộ thuyết minh mà những câu chuyện, giá trị cốt lõi của sản phẩm được du khách tiếp thu, làm tăng sự trải nghiệm, tính lưu giữ và hiểu biết văn hóa khi sử dụng dịch vụ du lịch. Bộ thuyết minh vừa gắn liền với cuộc sống của cộng đồng, vừa mang tính khái quát hóa để thuận tiện cung cấp cho du khách.