Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đất ở huyện miền núi Hướng Hóa

Đức Thủy - Bùi Ánh - 07:19 05/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt tình hình sạt lở núi, bờ sông, suố... huyện miền núi Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị đang là khu vực có nguy cơ tiềm ẩn gây thiệt hại lớn về người và của cải.

Là địa phương bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa kéo dài gây sạt lở đất, vùi lấp nhà trong năm 2020 làm 9 người chết, khu vực thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa) có hơn 40 hộ dân, sống ven các vách núi đang là mối nguy tiềm ẩn khi mùa mưa về.

Những ngôi nhà nằm trên khu đất dốc mới san ủi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Ông Hồ Hoàng Hiền, trú ở thôn Tà Rùng, xã Húc cho biết: Cứ đến mùa mưa bão, bà con trong thôn lại sống trong lo âu, thấp thỏm vì nguy cơ sạt lở chực chờ. Dù người dân đã được chính quyền thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ sạt lở khi có mưa bão đến để bà con tìm tới nơi trú ẩn an toàn tại những địa điểm ở trường học hoặc những nhà kiên cố để trú ẩn nhưng bà con ở đây cũng vẫn lo lắng vì sẽ bị cuốn mất nhà, mất đất.

Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc cho biết: Toàn xã có gần 300 hộ dân, với hơn 1.680 nhân khẩu sống trong vùng nguy hiểm, có 6 điểm nguy cơ sạt lở cao nhưng xã chỉ có 1 khu tái định cư. Hiện nay, trình trạng sạt lở trong mùa mưa khiến người dân ở các thôn Tà Rùng rất lo lắng. Đợt mưa lớn vừa rồi gây chia cắt một số vùng khi nước lớn chảy qua các ngầm, tràn khiến giao thông bị chia cắt cục bộ.

Dọc đường Hồ Chí Minh Tây, đoạn qua thôn Miệt Cũ (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá). Sau khi nhận tiền hỗ trợ tái định cư từ Nhà máy điện gió Phong Liệu, nhiều hộ dân ở đây đã tự xây dựng những ngôi nhà kiên cố và nhà sàn mới bên trên những mỏm đất mới được san phẳng, phía dưới đều là khe suối, nhìn ra phía trước là hồ Thủy điện Rào Quán.

Nhiều vết nứt chằng chịt xuất hiện sau cơn mưa

Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến này hiện có khoảng 10 căn nhà được xây dựng bên sườn núi dốc, những khu vực đất bồi trong khuôn viên xây dựng nhà đã xuất hiện rất nhiều vết nứt dài, chằng chịt. Hiện đa số các ngôi nhà này vẫn trong tình trạng không có điện lưới và nguồn nước sạch để sử dụng.

Ông Hồ Văn De là một trong những gia đình chịu ảnh hưởng của việc thi công dự án điện gió, ông được nhận 400 triệu đồng tiền hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, với chừng đó tiền hỗ trợ, gia đình ông không đủ mua đất làm nhà nên đã đến gần hồ Thủy điện Rào Quán, thuê máy san ủi mặt bằng để tự dựng nhà. Mặc dù biết việc san ủi làm nhà xong, sau trận mưa thì khu đất đã xuất hiện những vết nứt dài hết sức nguy hiểm, nhưng theo ông gia đình không còn lựa chọn nào khác.

Theo ông Hồ Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, khi dự án điện gió Phong Liệu triển khai, toàn xã có 68 hộ nằm trong diện ảnh hưởng phải di dời tái định cư. Đa phần các hộ dân nhận tiền hỗ trợ và di dân tự do. Tuy nhiên, những hộ dân này không có đất ở nên đã tự làm nhà dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, có nguy cơ sạt lở cao. Dù xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng trước thực tế người dân không có nơi ở an toàn, chính quyền cũng không còn cách nào khác.

Ngọn đồi tại km8, tỉnh lộ 587 qua xã Húc, huyện Hướng Hóa bị sạt trượt từ nhiều năm trước.

Trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, có hàng trăm hộ dân đang đối mặt với hiểm họa sạt lở đất và nguy cơ lũ quét. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các khu tái định cư để giúp các hộ dân đến nơi ở an toàn, trong khi mùa mưa bão đang diễn ra. Hiện nay, sạt lở đất đang có nguy cơ đe dọa trên toàn huyện Hướng Hóa, với gần 50 điểm sạt lở, ảnh hưởng trên 700 hộ dân với hơn 3.500 nhân khẩu.

Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Toàn huyện Hướng Hóa có nhu cầu bức thiết là phải xây dựng 8 khu tái định cư nhưng hiện mới xây dựng được 3 khu tái định cư. Hàng ngàn hộ dân sống bên các sườn núi cũng như ven sông, suối luôn lo âu bởi sạt lở núi và lũ quét. Trước mắt, để an toàn cho người dân, huyện đã tuyên truyền vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng khi có mưa lớn kéo dài; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.