Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định về tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

21:33 22/01/2020 GMT+7
Sau dịch tả lợn châu Phi, khiến cho giá lợn tăng cao những ngày qua. Vì thế nhiều hộ chăn nuôi tại một số địa phương nóng lòng muốn tái đàn. Tuy việc tái đàn phải tuân theo các quy định của pháp luật, trong đó có quy định về thời gian tái đàn, đảm

Sau dịch tả lợn châu Phi, khiến cho giá lợn tăng cao những ngày qua. Vì thế nhiều hộ chăn nuôi tại một số địa phương nóng lòng muốn tái đàn. Tuy việc tái đàn phải tuân theo các quy định của pháp luật, trong đó có quy định về thời gian tái đàn, đảm bảo thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học.

LS Phạm Thị Bích Hảo

Vậy khi nào được tái đàn lợn? Các biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học đó là gì? Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này. Luật sư Hảo cho biết:

Căn cứ Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 15. 11. 2018, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY quy định rõ thời gian được tái đàn và ngày 25.7. 2019, Bộ này đã có công văn số 5329/BNN-CN khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó:

Thời gian, điều kiện, quy mô tái đàn được quy định như sau: “Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.”

Biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi nêu ra nhiều giải pháp cho 2 nhóm đối tượng:

Thứ nhất, là tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn nông hộ;

Thứ hai, là tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn trang trại.

Đồng thời khuyến cáo sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn cho lợn.

Theo đánh giá thì chăn nuôi lợn nông hộ là khó kiểm soát nhất, rất dễ gây tái phát, lây lan dịch bệnh. Vậy để đảm bảo an toàn sinh học, hộ chăn nuôi cần thực hiện biện pháp gì, thưa bà?

Những biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn nông hộ được nêu tại phần A của công văn số 5329 / BNN-CN. Bao gồm:

– Yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi

– Yêu cầu về con giống

– Thức ăn và nước uống

– Chăm sóc, nuôi dưỡng

– Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi.

– Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi

– Xử lý chất thải chăn nuôi

– Quản lý dịch bệnh.

Để biết thông tin chi tiết các bạn tham khảo công văn nêu trên.

Có một điểm các bạn cần lưu ý, tại mục 5.7 mục A nêu rõ: “Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.”.

Được biết, nhiều địa phương cũng có những quy định riêng về việc tái đàn lợn, trong đó quy định về thời gian được tái đàn lợn?

Đúng như thế! Trên cơ sở quy định của pháp luật, nhiều địa phương cũng đã có văn bản quy định rất chi tiết về điều kiện, thủ tục tái đàn. Đơn cử:

Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định 122/QĐ-UBND ngày 9 tháng 1 năm 2019 của UBND TP.Hồ Chí Minh) đã đưa ra nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó quy định: “Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng đàn.”.
Hoặc như UBND huyện Thống Nhất, Đồng Nai cũng ban hành công văn số 6666/UBND-NN hướng dẫn việc tái đàn lợn đối với các hộ chăn nuôi như sau: “Khi người chăn nuôi tái đàn lợn, ngoài các yêu cầu về phương tiện vận chuyển, vệ sinh sát trùng, kiểm dịch động vật theo quy định thì cần đảm bảo các điều kiện sau:

+ Khai báo với chính quyền địa phương khi thực hiện tái đàn lợn để theo dõi và quản lý;

+ Địa điểm hộ chăn nuôi tái đàn lợn là những vùng không bị dịch bệnh; những vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch, đủ điều kiện bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học;

+ Cơ sở chăn nuôi tái đàn lợn phải đảm bảo thực hiện quy trình an toàn sinh học; Đồng thời, duy trì thật tốt các giải pháp trong đó chú ý đến chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh.

+ Lợn nhập để nuôi phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi theo quy định.
Khuyển khích phát triển đàn lợn đối với các doanh nghiệp chăn nuôi có điều kiện sơ sở vật chất, kỹ thuật tốt, kiểm soát và thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.

Các hộ chăn nuôi muốn tái đàn hoặc phát triển đàn lợn cần liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để được hỗ trợ về kiểm soát dịch bệnh và sản xuất bền vững.”

Trường hợp người chăn nuôi vi phạm quy định trong việc tái đàn sẽ bị xử lý ra sao?

Đã có nhiều trường hợp vi phạm quy định trong việc tái đàn bị xử lý. Tại Hà Nội trong 3 tháng vừa qua đã xử phạt tái đàn không đúng quy định gần 8.000 con lợn của 196 hộ chăn nuôi. Đáng chú ý trong đó 85% là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhiều lần là không nên tái đàn từ thời điểm này.

Việc tái đàn không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Tiểu mục 1, Tiểu mục 2, Mục1, Chương II, Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Các bạn lưu ý, việc tái đàn không đúng quy định sẽ kéo theo nhiều hành vi vi phạm như: Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y.

Hoặc phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với những hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.
Hoặc phạt tiền từ 4 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Dừng phương tiện vận chuyển động vật hoặc thả động vật xuống vùng đang có dịch trong khi chỉ được phép đi qua;…Bên cạnh đó còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung buộc tiêu hủy lợn.

Cảm ơn Luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)