Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thanh Hóa: Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên nâng cao thu nhập

Bùi Ánh - Lương Hà - 07:06 06/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Xuất hiện và lan tỏa nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Quỹ hỗ trợ nông dân được triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. 

Nguồn vốn Quỹ góp phần hình thành nền kinh tế tập thể, tổ hợp tác, tổ hội nông dân nghề nghiệp hướng đến liên kết trong sản xuất

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tích cực giải ngân, hỗ trợ hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống và có những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ HTND toàn tỉnh quản lý 63,834 tỷ đồng cho gần 3.238 lượt hộ vay ở 702 dự án. Các dự án đã và đang thực hiện xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Điển hình như: Dự án “Trồng cây đào cảnh” tại xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn đã xây dựng thành công Hợp tác xã trồng đào cảnh và vùng cây cảnh của huyện Triệu Sơn; Dự án “Trồng rau quả chất lượng cao trong nhà lưới” tại xã Nga Thành, huyện Nga Sơn đã xây dựng thành công Hợp tác xã sản xuất rau, quả chất lượng cao Nga Thành và 02 sản phẩm (dưa vàng và dưa chuột) của hợp tác xã đạt sản phẩm OCOP; Dự án “Ươm giống cây công nghiệp” xã Vạn Hòa và dự án “Trồng cây ăn quả” tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống đã xây dựng thành công Hợp tác xã giống cây lâm nghiệp xã Vạn Hòa và Hợp tác xã cây ăn quả Yên Mỹ; Dự án “Nuôi ong mật” đã góp phần phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở xã Hà Đông, huyện Hà Trung; Dự án “Nuôi chim bồ câu thương phẩm” tại xã Dân Quyền huyện Triệu Sơn đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa…

Các dự án ứng dụng công nghệ cao như dự án: “Trồng dưa trong nhà lưới” ở xã Nga Thắng, huyện Nga Sơn; Dự án:“Nuôi cá nước ngọt” ở xã Thiệu Long huyện Thiệu Hóa. Các dự án góp phần vào phát triển làng nghề như: dự án:“Chế tác đá mỹ nghệ” tại xã Minh Tân huyện Vĩnh Lộc; Dự án “Sản xuất, kinh doanh mộc dân dụng” tại phường Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn; Dự án “Làm chao đèn” tại xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa... góp phần vào nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm ATTP, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm chủ lực của các địa phương trong tỉnh. Các hộ vay vốn luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn đúng mục đích, nên các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND cũng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả 

Từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương, Quỹ HTND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã chỉ đạo HND các cấp thành lập mới được 15 tổ hợp tác, 05 hợp tác xã, thành lập mới 14 tổ hội Nông dân nghề nghiệp và 06 chi HND nghề nghiệp; Hướng dẫn, giúp đỡ các hộ vay vốn ở 10 dự án có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, VietGAP.

Qua việc đầu tư cho vay theo dự án tổ hợp tác, hợp tác xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn trong nông nghiệp, nông thôn; góp phần chuyển biến nhận thức của nông dân trong việc tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; nâng cao được năng suất lao động, tăng thu nhập, các hộ tham gia dự án có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, liên kết mua vật tư đầu vào, xuất bán sản phẩm đầu ra... để tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Nhiều hộ khởi sắc nhờ nguồn vốn Quỹ

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn trước khi giải ngân cho vay, các hoạt động hỗ trợ nông dân, tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT cho 140.488  lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, trong đó có các hộ tham gia vay vốn Quỹ HTND; tổ chức được 57 lớp dạy nghề cho 2.589 lượt HVND, giúp được 923 HVND, người lao động có việc làm sau đào tạo; hướng dẫn xây dựng được 93 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị, như ở các huyện: thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc... Qua đó, giúp cán bộ, HVND nâng cao nhận thức, kỹ năng, mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng các tiến bộ KHKT, lựa chọn đưa các giống cây, có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương trong tỉnh.

Được hỗ trợ nguồn vốn người dân tránh được tình trạng thiếu vốn để đầu tư sản xuất

Có thể thấy, hiệu quả của nguồn vốn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên nông dân trên địa bàn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Điển hình như hộ gia đình ông Trần Sỹ Toàn, xã Hợp Lý – huyện Triệu Sơn, ông hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã “Trồng và kinh doanh cây đào, cây cảnh" trên địa bàn. Nhờ biết tận dụng lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương phù hợp với cây đào cảnh mà ông đã mạnh dạn vận động các hộ cùng tham gia nhằm tạo thị trường rộng hơn để thu hút người có thú vui chơi cây cảnh tìm đến.  Hiện nay, toàn xã hiện có hơn 1.500 hộ dân thì khoảng 70% số hộ làm nghề trồng cây cảnh. Với số vốn vay 500 triệu đồng cho 10 hộ vay trong Hợp tác xã mà đến nay diện tích trồng cây cảnh tăng lên đáng kể. Riêng gia đình ông Toàn có 0,5ha trồng đào, thu nhập thuộc vào loại khá và cải thiện cuộc sống đáng kể từ nghề trồng cây đào cảnh.

Mô hình “Trồng và kinh doanh cây đào, cây cảnh" tại xã Hợp Lý – huyện Triệu Sơn phát huy tốt tiềm năng lợi thế của địa phương

Không những thế, hộ anh Hàn Văn Hùng, thôn Chí Cường 2 xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hóa) khởi phát từ nguồn vốn vay Quỹ HTND cấp huyện 40 triệu đồng để tiến hành xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, hằng năm cho doanh thu từ 600 triệu đồng trở lên, giải quyết công ăn việc làm từ 5 -7 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương dao động từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Để nguồn vốn ngày một phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, HND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương; tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm gắn với việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp; quan tâm huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn Quỹ, giúp thêm nhiều hội viên khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.