Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Săn tìm gỗ quý dưới… âm phủ

13:29 28/12/2017 GMT+7

Nếu cây gỗ nằm ở độ sâu 4m thì cần 4 người khỏe mạnh lặn xuống bùn để móc dây cáp. Người nào nín thở được lâu thì lặn trước. Người lặn sau đạp lên vai người lặn trước để đè xuống. Mỗi người đều buộc một sợi dây vào thắt lưng, nếu có trục trặc thì giật sợi dây để những người đứng trên bờ biết kéo lên.

Vài năm gần đây, tại các xã vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, người dân tổ chức săn tìm gỗ quý (chủ yếu là gỗ trắc) trong lòng đất.  Theo tin từ một người dân, chúng tôi tìm đến xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh, Gia Lai), nơi có cánh đồng ruộng trải dọc theo chân núi. Đây là nơi người dân xăm tìm gỗ quý rầm rộ nhất diễn ra vài năm trở lại đây sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Khi chúng tôi tìm đến cách đồng thuộc địa bàn làng Có, một nhóm xăm tìm gỗ cũng vừa xăm trúng một cây gỗ ở độ sâu 4m dưới âm phủ.

Thanh sắt dùng để xăm gỗ dưới lòng đất.
Hiện trường xăm trúng gỗ tại làng Có.

Chị Siu Ngoa ở tại làng Có cho biết: “Nhóm của mình có 22 người đi xăm cả một tuần nay rồi, bây giờ mới xăm trúng gỗ nhưng không biết nó có phải là gỗ trắc hay không nữa. cây này chắc là nhỏ thôi, nếu là gỗ trắc thì may ra mới lấy lại được tiền công, còn không phải thì lỗ nặng”.

Sau khi phát hiện một cây gỗ tại một đám ruộng của người trong làng, nhóm của chị Ngoa đưa máy tời, máy bơm nước đến địa điểm để kéo gỗ lên. Đây là khâu khó khăn nhất trong việc săn tìm gỗ trong lòng đất, bởi cây gỗ nằm ở dưới đám ruộng sình lầy. Người dân phải vừa hút nước vừa đào hết lớp đất cứng dọc theo vị trí cây gỗ. Sau đó, sử dụng máy bơm nước sục nhão lớp bùn để lặn xuống móc cáp vào cây gỗ cho pa lăng tời lên.

Máy bơm nước, máy tời pa lăng và máy sục bùn được đưa đến hiện trường.

Theo anh Khươm,người có kinh nghiệm nhất trong nhóm săn gỗ ở tại làng Ya (xã Chư Đăng Ya) cho biết: “Việc lặn xuống bùn là rất nguy hiểm. Nếu cây gỗ nằm ở độ sâu 4m thì cần 4 người khỏe mạnh lặn xuống bùn để móc dây cáp. Người nào nín thở được lâu thì lặn trước. người lặn sau đạp lên vai người lặn trước để đè xuống. Mỗi người đều buộc một sợi dây vào thắt lưng, nếu có trục trặc thì giật sợi dây để những người đứng trên bờ biết kéo lên. Để lấy được một cây gỗ, mình phải máy tời pa lăng, một máy hút nước ra và một máy bơm nước sục bùn. Nếu gỗ nằm sâu thì phải lặn xuống bùn đến cả chục lần mới có thể móc được dây cáp”.

Tại xã Chư Đăng Ya, cứ sau mỗi mùa gặt, người dân bắt đầu đi xăm tìm gỗ trên đồng ruộng, chủ yếu là xăm tìm gỗ trắc. Họ chia thành từng nhóm từ 20 – 40 người. Mỗi người dùng một thanh sắt dài khoảng 3 – 4m và đi thành hàng ngang cách nhau 1m để xăm. Khi xăm trúng gỗ, họ khoan để lấy mẫu gỗ lên ngửi mùi. Nếu đúng là gỗ trắc thì mới kéo lên để bán rồi chia đều cho nhau theo ngày công và một phần chia cho chủ ruộng.

Cánh đồng này trước đây chỉ là một khe núi, hai bên là rừng rậm, từ thời xa xưa, người dân nơi đây đã khai hoang đất để trồng lúa và lấp rất nhiều cây gỗ dưới lòng đất. Cách đây chừng 5 năm, người dân phát hiện trên ruộng có một cây gỗ trắc lớn và lấy lên bán với giá 500 triệu đồng. Từ đó, người dân biết được vùng đất này có gỗ trắc nên hàng năm tổ chức xăm tìm.

Máy tời pa lăng được độ chế
Người dân đưa máy móc đến hiện trường cây gỗ được tìm thấy

Anh Khươm cho biết thêm: Tại Chư Đăng Ya, năm nào người dân cũng xăm trúng gỗ trắc và bán với giá từ vài chục đến vài trăm triệu. Mới đây, một nhóm xăm gỗ tại làng Có cũng tìm thấy một cây gỗ trắc. Sau khi kêu bán giá 100 triệu đồng, thì có một nhóm xã hội đen tìm đến trả giá 50 triệu. Họ nói nếu không bán cho họ thì không ai vào đây mua được. Hiện nay, tại Chư Đăn Ya có nhiều nhóm đi xăm gỗ, mà nếu trúng gỗ thì bị xã hội đen vào ép giá nên nhóm của anh Khươm chuyển sang khu vực làng Hót (xã Đăk Kroong, Đăk Đoa) để làm.

Theo ông Nay Vân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Păh cho biết: “Việc người dân săn tìm gỗ quý dưới lòng đất đem đi bán là phạm pháp. Theo quy định thì khi người dân phát hiện phải báo cho cơ quan chức năng. Việc người dân xăm trúng gỗ trắc ở Chư Đăng Ya, chúng tôi chưa nhận được thông tin”.

Tiến Thành