Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sôi nổi Hội thổi cơm thi Thị Cấm: Ước mong về một năm no đủ

07:10 18/12/2023 GMT+7
Hội thổi cơm thi Thị Cấm (xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) phản ánh đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cầu mong năm mới no đủ, bình an.

Hội thổi cơm thi Thị Cấm (xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) tưởng nhớ công lao của Thành Hoàng Phan Tây Nhạc, đời Hùng Vương thứ 18, cùng 3 vị công chúa đã có công dẹp giặc, chăm lo cuộc sống của dân.

Các nồi cơm được ủ trong đống than rơm để cơm chín đều. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Các nồi cơm được ủ trong đống than rơm để cơm chín đều. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Hội thổi cơm thi Thị Cấm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021.

Tương truyền, tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh đi đánh giặc, khi qua làng Hương Canh (làng Thị Cấm), ông tổ chức thi tuyển chọn người giỏi việc hậu cần để phục vụ quân binh.

Khi chiến thắng trở về, tướng quân ở lại vùng đất này, dạy dân cấy lúa, dệt vải. Sau khi qua đời, ông được nhân dân tôn thờ là Thành Hoàng làng. Người dân chọn ngày 8 tháng Giêng mở hội thổi cơm thi.

Trước đây, người tham gia 4 đội thổi cơm thi phải là người chưa lập gia đình, nhưng ngày nay chỉ cần là người khỏe mạnh, gia đình không vướng tang.

Đồ chuẩn bị cho lễ hội gồm: nồi đồng, bát, thóc loại tốt, chày, cối đá, bình đồng, dụng cụ kéo lửa, chất đốt (giang, rơm, nứa)… Nồi đồng và bát được để trong hậu cung, khi có lễ hội mới mang ra dùng. Rơm là loại rơm nếp, phục vụ việc giã gạo và nấu cơm, được bện thành cuộn tròn để kê gối giã gạo tránh cối bị trật ra ngoài, đặt trên miệng cối chắn không cho thóc, gạo bắn ra ngoài. Rơm rối và rơm cuộn để dùng nấu cơm. Giang, tre, nứa được chẻ ra, phơi khô dùng để nhóm lửa.

ttxvn-thoi-com-thi-3-8526.jpeg
Các đội tham gia phần thi nấu cơm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Dụng cụ kéo lửa được làm từ các thanh giang, tre già, một nắm bùi nhùi rơm và ít mùn cưa. Khi thực hành lấy lửa, người dùng lấy 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng 2 thanh tre giữ chắc 2 đầu và 2 người kéo co cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần, tạo ma sát để bắt lửa vào mùn cưa và rơm.

Sáng ngày 7 tháng Giêng, dân làng làm lễ mở cửa đình, buổi chiều làm lễ nhập tịch.

Ngày 8 tháng Giêng, buổi sáng các cụ bà làm lễ dâng hương, dân làng ra lễ Thành Hoàng làng, chuẩn bị cho cuộc thi.

Khoảng 10 giờ, 4 chiếc cối đá, chày được đặt trước sân đình chờ tới giờ khai hội; rơm được chuyển ra sân đình; các đô kéo lửa quấn đọn rơm, chuẩn bị giang, tre kéo lửa.

Hoàn tất việc chuẩn bị, Ban Tổ chức và 4 đội thi cùng dân làng tập trung trước đình làm lễ dâng hương lên Thành hoàng. Sau đó, Ban Tổ chức công bố thể lệ, các đội rút thăm để ra nhận thóc (1kg), chày, cối, nồi. Một hồi trống vang lên báo hiệu cuộc thi bắt đầu.

Cuộc thi gồm 3 phần được tiến hành cùng lúc: thi kéo lửa, thi lấy nước và thi thổi cơm. Ban Giám khảo sẽ xới bốn bát cơm để dâng lên Thành Hoàng làng. Cơm sau đó được mang ra gian ngoài của đình để chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các đội tham dự.

Các thành viên Ban Giám khảo căn cứ vào mùi thơm, độ trắng và độ dẻo của hạt cơm để chấm điểm. Nồi cơm nào trắng dẻo thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng.

ttxvn-thoi-com-thi-2-1267.jpeg
Các đội nộp nồi cơm của mình cho giám khảo để chấm điểm. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Bên cạnh cuộc thi nấu cơm, trong thời gian diễn ra hội, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: đá gà, kéo co, ném vòng cổ vịt, đánh cờ tướng, đập niêu…

Hội thổi cơm thi Thị Cấm phản ánh đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cầu mong một năm mới no đủ, hạnh phúc và bình an; là dịp để người dân hướng về nguồn cội, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công giữ nước, xây dựng làng.

Hội thổi cơm thi góp phần bảo lưu, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương./.

Theo TTXVN/Vietnam+