Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sức hút từ nấm mối nhân tạo của lão nông Gò Dầu

16:58 27/08/2020 GMT+7

Nấm mối là một trong những đặc sản tinh túy giàu giá trị dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh rất tốt. Nấm mối cũng có thể kết hợp để chế biến ra rất nhiều món ăn ngon, hương vị độc đáo. Ông Lê Thanh Liêm – Chủ Nông trại Nấm Quê Hương (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) là đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ nghiên cứu ra mô hình trồng nấm mối nhân tạo, giúp tăng giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Liêm – Chủ Nông trại Nấm Quê Hương bên sản phẩm nấm mối do mình tạo ra.

Nhiều công dụng vượt trội

Nấm mối có giá trị rất cao bởi độ ngon, dinh dưỡng và rất hiếm vì chỉ có thể mọc được trong tự nhiên vào mùa mưa ẩm. Nấm thường rất ít và thưa thớt. Tính đến nay, chỉ một số ít đơn vị có thể lai tạo để nuôi trồng nông nghiệp loại nấm này.

Nông trại Nấm Quê Hương là đơn vị tiên phong nghiên cứu ra mô hình trồng nấm mối nhân tạo, mỗi tháng, nông trại bán được từ 20.000 – 25.000 bịch phôi nấm. Ông Lê thanh Liêm – chủ Nông trại nấm Quê Hương cho biết: Nấm mối mang lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, không chỉ được xem là một món ăn đắt tiền cao quý mà còn là một vị thuốc cho sức khỏe, giúp tăng cường sức đề kháng.

Theo nghiên cứu của Y Học Cổ truyền thì nấm mối có nhiều công dụng vượt trội hơn các loại nấm ăn thông dụng khác. Mùi vị và độ ngọt của nấm khá đặc trưng, khi kết hợp với các món khác vẫn giữ được mùi vị đặc trưng đồng thời tạo thêm vị ngon ngọt tự nhiên. Đặc biệt, loại nấm này còn chứa một số hoạt chất có tác dụng ngừa ung thư, có khả năng ức chế tối đa sự sinh trưởng và phát triển của các loại virus và giúp ngăn ngừa và giảm tỷ lệ phát triển các tế bào ung thư.

Nấm mối có rất nhiều công dụng về dược liệu và dinh dưỡng bởi vì nấm rất giàu chất xơ, ưa sạch, có tác dụng bổ âm, bổ máu, vận thông kinh mạch và giải độc cơ thể từ bên trong. Các hoạt chất Polysaccharide có trong chúng còn có khả năng hoạt hóa miễn dịch cho các tế bào. Ngoài ra, với khả năng giúp thúc đẩy quá trình sinh sản và phát triển của tế bào Lympho, hoạt chất này còn kích hoạt 2 tế bào Lympho B và Lympho T để bảo vệ sức khỏe người dùng hiệu quả.

Bởi vậy Y học Cổ truyền cho rằng, nhờ hàm lượng phốt pho khá cao, có tác dụng hạ đường trong máu nên nếu dùng loại nấm này thường xuyên rất có lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Nấm mối còn giúp cơ thể hỗ trợ điều trị huyết áp cao, giúp dễ ngủ hơn và có một hệ tiêu hóa tốt. Những người lao động trí thức thường bị stress, biếng ăn dẫn tới mệt mỏi thì nên sử dụng loại nấm này để bồi bổ.

Mô hình trồng nấm mối được nhiều người đến tham quan, học hỏi.

Chuyển giao nấm mối nhân tạo

Nông trại Nấm Quê Hương được thành lập từ năm 2018 là mô hình nấm mối đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Ông Liêm cho biết: Trước đây ông có cơ hội được tham quan một số mô hình trồng nấm mối của các nước trong khu vực. Về Việt Nam ông kết hợp với một số kỹ sư để triển khai mô hình này.

Tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật của tỉnh Tây Ninh tổ chức, đơn vị của ông đạt được giải thưởng cao. Hiện nay, nông trại cung cấp phôi nấm cho tất cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho đến tỉnh Quảng Ngãi và đang hướng phát triển mô hình ra các tỉnh phía Bắc. Nông trại luôn tạo điều kiện chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân tham gia mô hình trồng nấm mối để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vì nấm mối mạng lại lợi nhuận cao cho người trồng.

Ông Liêm tính toán: Trồng 50m2 vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng, mỗi tháng thu hoạch lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Muốn trồng nấm mối trước hết phải có nhà trồng mẫu, khu sản xuất, đóng phôi, phòng vô trùng, việc xây dựng nhà trồng nấm mối phải bảo đảm đúng kỹ thuật, phải có lưới chống côn trùng xâm nhập, phải bảo đảm độ ẩm, nước sạch, sử dụng máy lạnh để có nhiệt độ phù hợp…

Khu nhà trồng mẫu của Nông trại hiện có hơn 8.000 phôi, mỗi ngày thu hoạch được hơn 30kg nấm và phân phối phôi nấm cho người trồng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho họ. Trung bình mỗi bịch phôi sau 20 – 25 ngày nuôi trồng sẽ cho ra 300g nấm, thu hoạch liên tục sau 3 tháng thì thay phôi mới. Khi người trồng có nhu cầu, nông trại sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá khoảng 200.000 đồng/kg. Mỗi ngày nông trại cung cấp hơn 50kg nấm phân phối cho hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và các nhà hàng khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Ông Liêm chia sẻ: Muốn trồng nấm mối trước hết phải tạo môi trường phôi làm từ mùn cưa được sàng loại bỏ tạp chất. Trộn mùn cưa vừa sàng trộn đều với nước vôi nồng độ PH 12, sao cho độ ẩm 80% rồi lấy ra tủ kính 6-12h. Cho hỗn hợp dinh dưỡng theo công thức vào mùn cưa vừa ủ xong trộn đều. Cho thêm nước sạch vào hỗn hợp để đạt độ ẩm 60-70%. Đóng hỗn hợp vào túi chuyên dụng với trọng lượng túi khoảng 1,2 – 1,5kg. Sau đó tiệt trùng phôi, xếp phôi vào rọ hấp, không được chồng lên nhau. Tiệt trùng ở 121 độ C trong thời gian 360 phút, ủ thêm 1-2h trong nồi hấp. Lấy một lượng meo vừa đủ cho vào bịch phôi, sau khi cấy meo vào và cho vào phòng ủ tối.

Có rất nhiều phương pháp trồng nấm mối đen, nhưng phương pháp trồng hiệu quả nhất và đơn giản nhất là phương pháp trồng phủ đất miệng túi phôi. Hiện nay, Nông trại đang mở rộng diện tích để cung cấp phôi chất lượng cho nhà trồng và bao tiêu sản phẩm nấm mối đen số lượng lớn. Thi công nhà xưởng theo tiêu chuẩn 4.0, tiết kiệm chi phí cho người trồng, mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) cho biết: Trang trại Nấm Quê Hương là đơn vị đóng góp nhiều cho công tác xã hội của địa phương. Nấm mối đen hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ mô hình làm ăn có hiệu quả này, được tỉnh khuyến khích nhân rộng mô hình chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân.

Trồng 50m2 vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng, mỗi tháng thu hoạch lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Muốn trồng nấm mối trước hết phải có nhà trồng mẫu, khu sản xuất, đóng phôi, phòng vô trùng, việc xây dựng nhà trồng nấm mối phải bảo đảm đúng kỹ thuật, phải có lưới chống côn trùng xâm nhập, phải bảo đảm độ ẩm, nước sạch, sử dụng máy lạnh để có nhiệt độ phù hợp…

Bài, ảnh: Vân Nguyễn