Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sức sống 100 năm ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

08:46 31/08/2020 GMT+7
Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp (xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã có hơn 100 năm. Nơi đây là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật vùng Nam Bộ. Tạo nên sức hút cho làng nghề là nhờ bàn tay tài hoa của những nghệ nhân

Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp (xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã có hơn 100 năm. Nơi đây là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật vùng Nam Bộ. Tạo nên sức hút cho làng nghề là nhờ bàn tay tài hoa của những nghệ nhân cả đời gắn với nghề.

Ông Trương Quang Tịnh, bên bộ sưu tầm các tác phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp lâu năm.

Giá trị nghệ thuật từ tâm huyết và sáng tạo

Ông Trương Quan Tịnh – Nghệ nhân ưu tú, chủ Cơ sở Sơn mài Định Hòa cho biết: Với những giá trị nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp hiện nay đã xuất đi nhiều nước trên thế giới và là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế khi ghé thăm Bình Dương.

Các sản phẩm sơn mài của Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp có nhiều thể loại như: Sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc… Riêng loại sơn truyền thống sử dụng làm sơn mài Tương Bình Hiệp là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng khác với các vùng khác trong nước.

Với trên 50 năm gắn bó với nghề sơn mài, nghệ nhân Trương Quan Tịnh cho biết: Trong khâu chế biến sơn, đánh sơn cho chín được xem là một khâu quan trọng, đòi hỏi tay nghề, quá trình tích luỹ kinh nghiệm lâu năm của người thợ sơn. Để tạo nên một tác phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu cổ truyền thống phải qua 25 công đoạn khác nhau. Riêng với công đoạn sơn, mỗi sản phẩm sẽ phải mất từ 3 – 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Đây là sự kỳ công để mỗi tác phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp có giá trị nghệ thuật cao qua tâm huyết sáng tạo đến từng chi tiết của các nghệ nhân.

Cũng theo nghệ nhân Trương Quan Tịnh, để định giá một tác phẩm sơn mài, quan trọng nhất là người vẽ, chất liệu, nguyên liệu sẽ tạo nên giá trị khác nhau. Chất liệu để làm sơn mài tùy theo từng loại sản phẩm mà sử dụng khác nhau như: Gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình, ván ép dùng làm tranh, hộp, gốm dùng làm bình, tượng, vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm thường có kiểu dáng nhẹ, mỏng như bát đĩa, lục bình… Các sản phẩm sơn mài này đã chinh phục được thị trường khó tính như: Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ, Dubai, Canada, Đài Loan, Nhật Bản… Ngoài ra, còn xuất sản phẩm trang trí nội, ngoại thất, đồ gia dụng cao cấp cho khách sạn 7 sao tại Dubai.

Nét đẹp truyền thống của sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ chính là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát trong mỗi chi tiết, đường nét. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, người mua tranh sơn mài ngày càng ít, thợ giỏi, nghệ nhân xưa nay tuổi đã cao lại bỏ nghề, lớp kế thừa không có, “tre già nhưng măng không mọc” đó là trăn trở lớn nhất của những nghệ nhân gạo cội như ông Tịnh trong việc duy trì được kỹ thuật trang trí truyền thống.

Trước khó khăn này, theo ông Tịnh, trong thời gian tới cơ sở Sơn mài Định Hòa sẽ phát triển hai dòng hàng là hàng gia dụng để bán ra thị trường và hàng truyền thống nhằm bảo toàn kỹ thuật truyền thống cho thế hệ sau.

Nghệ nhân đang vẽ lên lục bình.

Được tôn vinh di sản văn hóa Quốc gia

Từ sau năm 1975, nghề sơn mài Bình Dương phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sơn mài Thành Lễ, sơn mài Đồng Tâm và hàng trăm cơ sở sản xuất sơn mài khác đã tạo ra những sản phẩm phong phú kiểu dáng, tinh tế trên những họa tiết hoa văn. Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp từ khi hình thành và phát triển luôn là nơi sản xuất tiêu biểu quy mô lớn đạt nhiều thành tựu về mặt kinh tế, mỹ thuật. Được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay vẫn duy trì sự phát triển tốt.

Với những giá trị của mình, sản phẩm sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp trải qua hàng trăm năm gìn giữ và phát triển. Những giá trị ấy đã nâng tầm trở thành một di sản văn hóa đáng trân trọng của dân tộc. Năm 2016, Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đến Bình Dương, ngoài các địa điểm văn hóa, du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng, Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp hiện là một điểm đến thú vị để du khách có thể tìm hiểu nghề sơn mài truyền thống và chọn mua một sản phẩm sơn mài làm quà lưu niệm, món quà vừa mang đậm nét văn hóa địa phương vừa có giá trị nghệ thuật cao.

Hơn 100 năm qua, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đã được tặng thưởng nhiều huy chương, xuất khẩu sang thị trường quốc tế và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Hiện nay, Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp đã trở thành điểm đến cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Bình Dương. Điều này góp phần khắc phục những khó khăn như thiếu lao động trẻ, nguyên vật liệu tăng, sản phẩm đầu ra không ổn định… Từ đó, có thể phát huy giá trị của làng nghề sơn mài và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Bình Dương trong bối cảnh tỉnh đang có những nỗ lực quảng bá, khai thác tiềm năng và lợi thế việc xây dựng thương hiệu du lịch riêng.

Các tác phẩm độc đáo và các sản phẩm gia dụng của cơ sở sơn mài Định Hòa.

Cơ sở sơn mài Định Hòa nói riêng và Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp nói chung, quanh năm được du khách trong và ngoài nước đến thăm. Vì đến đây du khách có thể thấy được các công đoạn sản xuất, nghệ nhân đang thực hiện trên tác phẩm, có cửa hàng trưng bày tất cả các sản phẩm rất đẹp mắt và có người hướng dẫn chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển đến từng công đoạn làm ra sản phẩm. Việc đưa Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp gắn với du lịch được tỉnh Bình Dương ưu tiên phát triển và đầu tư vào nhiều dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Ông Lê Văn Phước – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết: Ông Trương Quan Tịnh là nghệ nhân ưu tú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Điêu khắc tỉnh Bình Dương và có nhiều đóng góp trong việc đưa Làng sơn mài Tương Bình Hiệp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và tham gia hỗ trợ nhiều tư liệu, hình ảnh cho Bảo tàng làm ra sách “Sơn mài Bình Dương – Đường đi đến di sản văn hóa”. Ông Tịnh là người có bề dày gắn bó máu thịt với nghề sơn mài, cơ sở sản xuất và trưng bày sơn mài Định Hòa của ông có quy mô khá lớn khoảng 25.000m2 và nhiều tư liệu, hình ảnh quý giá giống như một bảo tàng sơn mài.

Đến Bình Dương, ngoài các địa điểm văn hóa, du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện là một điểm đến thú vị để du khách có thể tìm hiểu nghề sơn mài truyền thống và chọn mua một sản phẩm sơn mài làm quà lưu niệm, món quà vừa mang đậm nét văn hóa địa phương vừa có giá trị nghệ thuật cao.

Nguyễn Vân