Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội thi - "sân chơi" giúp nông dân tăng hiểu biết về bảo vệ tài nguyên, môi trường

Bùi Hải Hưng - 15:37 15/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau thành công của Hội thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường” từ những năm trước, sáng ngày 15/8, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tiếp tục tổ chức Hội thi năm 2023. Tham dự Hội thi có 48 thí sinh là hội viên nông dân và các diễn viên, nhạc công đến từ 4 huyện, thị xã, thành phố gồm: Kim Thành, Cẩm Giàng, Kinh Môn và Chí Linh.

Ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Dương trao giải Nhất cho đội Thị xã Kinh Môn.

Chương trình thiết thực đưa kiến thức pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường đến với nông dân

Dự Hội thi có ông Phạm Văn Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Lâm Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; bà Phạm Thị Thanh Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương và các đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cùng cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội Nông dân tỉnh Hải Dương; lãnh đạo Hội Nông dân 4 đơn vị Kim Thành, Cẩm Giàng, Kinh Môn và Chí Linh và đông đảo khán giả.

Hội thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường” năm 2023 có một số điểm mới so với những lần tổ chức trước, đã tạo sân chơi bổ ích và thiết thực để hội viên nông dân thể hiện sự hiểu biết, kiến thức về Luật Bảo vệ môi trường và các đề án, quy định của tỉnh về bảo vệ tài nguyên, môi trường, kiến thức khoa học về vệ sinh môi trường, đồng thời nắm vững vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Các đội đã trải qua 3 phần thi là “Chúng tôi nói về chúng tôi”, “Kiến thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường” và “Tiểu phẩm tuyên truyền”.

Tiểu phẩm tuyên truyền “Nông dân thời 4.0” của đội tuyển thị xã Kinh Môn được trao giải “Tiểu phẩm tuyên truyền” hay nhất.

“Chúng tôi nói về chúng tôi” là phần mở màn, bằng hình thức sân khấu hoá với các thể loại hát múa, tiểu phẩm tự biên, cách trình bày chất phát, mộc mạc, nhiều đội đã tự sáng tác những làn điệu dân ca sâu lắng giới thiệu những nét đặc trưng về lịch sử, văn hoá, kinh tế, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương, ca ngợi tình yêu lao động sản xuất của người nông dân, về những đổi thay của quê hương trong xây dựng nông thôn mới, về tổ chức Hội và phong trào nông dân và  những thành viên của đội tuyển được đông đảo người xem yêu thích, tạo không khí vui nhộn, sôi nổi.

Phần thi của đội thành phố Chí Linh. 

Phần thi “Kiến thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường”, các đội thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành có liên quan và các đề án, quy định của tỉnh về bảo vệ tài nguyên, môi trường, kiến thức khoa học về vệ sinh môi trường; vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường thông qua hai nội dung thi: Trắc nghiệm và xử lý tình huống thực tế. Với sự am hiểu về những kiến thức pháp luật có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, các đội đã thể hiện mạch lạc những kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng tuyên truyền, phương pháp vận dụng các văn bản pháp luật, kiến thức xã hội trong quá trình công tác phong trào nông dân. Từ sân chơi cũng cho thấy nông dân đã có bước chuyển biến trong tư duy về môi trường và ý thức giữ gìn môi trường sống xung quanh mình.

“Tiểu phẩm tuyên truyền” là phần thi sôi động nhất. Các đội tuyển đã có những tiểu phẩm dàn dựng công phu, có nội dung phù hợp với chủ đề Hội thi và đều thể hiện được việc tuyên truyền, vận động, tạo sự lan tỏa rộng rãi để hội viên, nông dân và người dân tích cực hưởng ứng, tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Các đội tham gia phần thi Kiến thức về bảo vệ tài nguyên môi trường.

Chia sẻ cảm xúc về Hội thi, ông Hoàng Minh Côi, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kinh Môn cho biết: “Đây là chương trình thiết thực vì quan trọng nhất là đưa kiến thức pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường đến với nông dân. So với những năm trước, năm nay đội tuyển thị xã một số phần thi có cải tiến, bảo đảm tính khái quát, lan tỏa rộng, tạo không khí hồ hởi, phấn khởi hơn. Đối với các thí sinh là những người nông dân sản xuất vất vả nhưng khi lên sân khấu, họ thể hiện sự đam mê nghệ thuật, luôn yêu đời, diễn xuất mộc mạc và hết mình”.

Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đồng thời là Trưởng ban Tổ chức Hội thi cũng khẳng định: Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Với vai trò nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, hàng năm các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ, hội viên nông dân; tổ chức các buổi Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”; mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; mô hình “Chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”; tổ chức trồng cây xanh, treo băng giôn, khẩu hiệu với thông điệp sử dụng, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; viết tin bài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua các hoạt động truyền thông đã dần nâng cao và thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi của người dân về giữ gìn và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; góp phần ngăn ngừa và kiểm soát những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra, việc cần thiết và ngay bây giờ là chúng ta cần chung tay thực hiện các hành động thiết thực và hiệu quả hơn nữa để bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường; chính vì vậy Hội thi là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường.

"Đến với Hội thi năm nay, các đội tuyển đã cống hiến nhiều tiết mục sôi nổi, hấp dẫn đặc biệt ở phần thi kiến thức về bảo vệ tài nguyên môi trường với các nội dung trắc nghiệm và xử lý tình huống thực tế; các tiểu phẩm tuyên truyền được dàn dựng khá công phu, thể hiện được sự dí dỏm, duyên dáng với nội dung sâu sắc, đề cập đến nhiều khía cạnh thực tiễn trong quá trình cán bộ, hội viên nông dân tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường” - ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đánh giá.

Ông Phạm Văn Thiện và bà Phạm Thị Thanh Tâm trao cờ lưu niệm cho các đội dự thi.

Sau một buổi thi đấu sôi nổi, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho đội tuyển thị xã Kinh Môn, giải Nhì cho đội tuyển huyện Cẩm Giàng, đồng giải Ba là đội tuyển đến từ huyện Kim Thành và thành phố Chí Linh. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải nhánh: “Chúng tôi nói về chúng tôi” hay nhất cho đội tuyển huyện Cẩm Giàng và tiểu phẩm “Nông dân thời 4.0” của đội tuyển thị xã Kinh Môn được trao giải “Tiểu phẩm tuyên truyền” hay nhất.  

Hội thi nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần cùng địa phương tích cực hành động bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh mỹ quan làng, xóm. Qua đó, tổ chức Hội đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, tăng cường nâng cao nhận thức và chuyển biến hành vi của cán bộ, hội viên nông dân về các hoạt động bảo vệ môi trường sống, môi trường sản xuất, sống thân thiện với môi trường; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.