Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tạo “vòng tròn giá trị” cho cây chuối

Lê Thị Quyên - 07:18 17/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Lớn lên ở mảnh đất Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) - nơi điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây chuối phát triển, ông Lý Minh Hùng thuộc lớp nông dân tiên phong của địa phương phát triển nâng cao giá trị cho cây chuối với mong muốn ổn định tiêu thụ và đưa trái chuối đến những thị trường cao cấp hơn.
Sản phẩm của HTX Thanh Bình tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại. 

Hội ND hỗ trợ khởi nghiệp trồng chuối hữu cơ

Trước đây, gia đình ông Hùng gắn bó với cây hồ tiêu. Tuy nhiên, giá tiêu giảm mạnh, đời sống gặp khó khăn, cây chuối là sự lựa chọn hàng đầu của người dân nơi đây. Gia đình ông chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng tiêu sang trồng chuối già hương cấy mô. Tuy nhiên, vì chủ yếu vẫn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên cây chuối khiến người trồng bao phen lao đao do rớt giá. Trước tình hình đó, năm 2018, ông đã cùng một số bà con tham gia Tổ hợp tác sản xuất cây chuối xã Thanh Bình nhằm giải quyết một phần khó khăn về giá và đầu ra sản phẩm.

“Xu hướng trồng trọt theo hướng hữu cơ đang được cả thế giới quan tâm. Để xuất được hàng vào các thị trường cao cấp thì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là ưu tiên số một. Do đó, tôi chọn hướng sản xuất hữu cơ. Năm 2019, tôi chuyển 3ha chuối của gia đình sang trồng hữu cơ. Hiện nay, đối với ngành trồng chuối trên địa bàn huyện Trảng Bom dù sản lượng tiêu thụ khá ổn định nhưng thị trường chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, giá trị mang lại chưa cao. Mong muốn của tôi là đưa được trái chuối đến những thị trường cao cấp hơn.” - ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, để trở thành nhà cung cấp trái cây tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu, người trồng phải chịu được áp lực rất lớn là: Đảm bảo về nguồn tài chính; đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng, trong đó vấn đề tài chính là một áp lực không nhỏ. Mới đây, thông qua kết nối của Hội ND xã, HTX Thanh Bình đã được vay 130 triệu đồng, 5 hộ thành viên được vay mỗi hộ 10 triệu đồng… từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp để đầu tư sản xuất.

Cùng với đó, tháng 12/2021, Tổ Nghề nghiệp trồng chuối bằng phương pháp hữu cơ thuộc Hội ND xã đã ra đời với 15 thành viên. Khi tham gia vào tổ nghề nghiệp, nông dân cam kết sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ, quá trình canh tác hạn chế tác động đến môi trường và không ảnh hưởng sức khỏe con người.

Nắm bắt nguyện vọng của bà con, ông Lưu Chí Mười, Chủ tịch Hội ND xã Thanh Bình đã đề xuất mở các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng chuối, làm phân hữu cơ…, qua đó góp phần giúp phát triển vùng trồng chuối cấy mô, tận dụng phụ phẩm từ cây chuối để phát triển chăn nuôi dê. Nhờ vậy mà nông dân trên địa bàn xã được hướng dẫn kỹ thuật mới giúp đem lại năng suất cao, giảm chi phí đầu tư.

Để đạt chuẩn về chất lượng, phải thực hiện những tiêu chuẩn rất khắt khe, nếu không đáp ứng sản phẩm không đạt sẽ bị loại ngay. Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo sản xuất ổn định với số lượng lớn. “Hiện nay quy trình sản xuất và sơ chế chuối tươi của HTX Thanh Bình thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến của thế giới như ISO 22000:2018, FSSC và định hướng thời gian tới để xuất khẩu đi thị trường Trung Đông sẽ áp dụng thêm tiêu chuẩn HALLA cho sản phẩm chuối tươi” - ông Hùng thông tin.

Ông Lý Minh Hùng kiểm tra độ ẩm bẹ chuối khô. 

Biến rác thành tiền, tạo “vòng tròn giá trị” cho cây chuối 

Đầu năm 2017, giá chuối lao dốc đến độ Nhà nước phải kêu gọi giải cứu. Năm 2018, khi ông Hùng tham gia Tổ hợp tác sản xuất cây chuối xã Thanh Bình liên kết với doanh nghiệp, giá cả, đầu ra ổn định nên thu nhập cũng bảo đảm. 

Tuy nhiên, liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ giúp nông dân giải quyết một phần khó khăn về giá cả và đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, việc tận dụng và nâng cao giá trị sản phẩm vốn có vẫn không thể thực hiện được. Chính vì vậy, ông Hùng quyết định thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình vào năm 2019, và tự mình xúc tiến để xuất khẩu chuối tươi sang thị trường Trung Quốc. 

“Mong muốn của tôi là thành lập HTX, kết nối thành hệ thống các trang trại với quy mô lớn đạt cả công suất, chất lượng. HTX chính là đầu mối quản lý chặt chẽ để các thành viên cùng thực hiện trồng trọt theo quy trình đạt chuẩn xuất khẩu để giải quyết cả bài toán về chất lượng và số lượng, ổn định thu nhập cho các thành viên”- ông Hùng bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Lý Minh Hùng đã nghiên cứu và thực hiện thành công xử lý bẹ chuối cấy mô xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Điều này không chỉ tận dụng được những bẹ chuối bỏ đi sau thu hoạch mà còn mở ra cơ hội phát triển chuối bền vững cho bà con nông dân.

Bẹ chuối vốn được người trồng coi như rác thải, nhưng sau khi tách sẽ được đem đi phơi nắng, nếu trời mưa thì mang đi sấy, sau đó thực hiện xử lý làm dẻo bẹ chuối. Thay vì vứt bỏ như từ trước đến nay, giờ người dân chỉ cần tách thân chuối, phơi tái thì ông Hùng sẽ thu mua 8 ngàn đồng/1 ký. Mỗi thân chuối khi tách phơi khô sẽ đạt từ 1,3 - 1,7 ký thành phẩm, trung bình 1 hec - ta chuối người dân có thể thu nhập thêm được trên 20 triệu đồng.

Sản phẩm sợi chuối của HTX Thanh Bình.

Ông Hùng chia sẻ, ông đang ấp ủ kế hoạch mở làng nghề làm xơ, sợi chuối ngay tại vùng nguyên liệu để giúp nông dân có thêm việc làm, thu nhập. “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sử dụng xơ, sợi chuối để làm ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường như: Dép đan dùng trong khách sạn cao cấp, túi xách, rổ rá, chiếu, sợi dây cột đồ... 

Để phục vụ cho hướng sản xuất hữu cơ, HTX hướng dẫn cho nông dân tận dụng các phụ phẩm từ cây chuối để tái sản xuất, riêng vỏ chuối sau khi sơ chế cũng được ủ làm phân để bón lại cho cây chuối. HTX đang đẩy mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa vào quá trình chế biến như dây chuyền cấp đông IQF, hệ thống sấy bơm nhiệt quy mô lớn, dây chuyền sấy lạnh phục vụ cho sản xuất tinh bột chuối, tận dụng cùi buồng chuối để sản xuất chén, bát… Mong muốn của ông Hùng là làm được một “vòng tròn giá trị” cho cây chuối. Trong “vòng tròn” đó, trái chuối được sử dụng tối đa cho xuất khẩu, chế biến. Phụ phẩm thì được tận dụng để nuôi lại cây chuối cũng như sản xuất các sản phẩm khác. 

“Hiện nay, HTX Thanh Bình đang có 120ha diện tích chuối, năng suất bình quân dao động 45 – 52 tấn quả/ha. Với giá chuối thành phẩm khoảng 12.000 đồng/kg, HTX đã xuất khẩu sản phẩm qua các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với lợi thế vừa xuất khẩu chuối tươi, vừa sản xuất chuối chế biến nên trái chuối của HTX gần như được tận dụng hết và không phải vứt bỏ. Do đó, ngoài việc bao tiêu cho các thành viên, HTX còn thu mua thêm chuối của người dân trong vùng”.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình.