Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tàu cá nằm bờ la liệt, ngành khai thác-chế biến thủy sản tại Kiên Giang gặp khó

07:52 02/07/2022 GMT+7
Xăng dầu liên tục tăng giá, nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt, hàng ngàn tàu cá nằm bờ... và hệ quả tất yếu là các doanh nghiệp chế biến thủy sản lao đao vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Cảng cá Tắc Cậu thuộc huyện Châu Thành là cảng cá lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Nhưng nhiều tháng nay, thỉnh thoảng mới vài chiếc tàu thu mua lên hàng. Theo thống kê từ Ban Quản lý Cảng cá bến cá tỉnh, 5 tháng đầu năm nay  có 913 lượt tàu cập cảng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái là năm dịch bệnh covid 19 hoành hành nhất; Sản lượng hàng thủy sản bốc dỡ qua cảng 40.143 tấn, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù năm ngoái bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình khai thác, đánh bắt thuỷ sản vẫn không thê thảm bằng năm nay khi giá xăng dầu liên tục phi mã. Theo thống kê từ Chi cục thuỷ sản Kiên Giang, số lượng tàu cá nằm bờ có xu hướng ngày càng tăng, nếu như sau tết nguyên đán khoảng 1.000 chiếc thì hiện nay tăng lên gần 2.000 tàu cá nằm bờ, chiếm gần 20% tổng số tàu cá của tỉnh, chủ yếu là tàu khai thác thuỷ sản hoạt động ở vùng khơi làm nghề lưới kéo, là nghề có mức tiêu hao nhiên liệu lớn. Đây cũng là năm khó khăn nhất đối với ngành khai thác, đánh bắt thuỷ sản của tỉnh từ trước đến nay.

Cảng cá Tắc Cậu đìu hiu

Ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ doanh nghiệp tư nhân hậu cần nghề cá Minh Dũng, xã Bình An (huyện Châu Thành) có 3 tàu thu mua thủy sản, nhưng từ đầu năm đến nay đã cho 2 tàu nằm bờ, 1 tàu hoạt động thu mua cầm chừng để trả lương nhân công.

“Chi phí nhiên liệu chiếm đến 70-80% tổng chi phí ra khơi. Giá dầu tăng kéo theo các khoảng chi phí khác cũng tăng theo như: nước đá, lương thực, thực phẩm… Trong khi nguồn thủy sản đánh bắt ngày càng suy giảm, giá các mặt hàng thủy sản không tăng, ngư dân không dám mạo hiểm ra cho tàu ra khơi. Tôi có 3 tàu thu mua thủy sản nhưng từ đầu năm đến nay đã cho 2 tàu nằm bờ, 1 tàu hoạt động thu mua cầm chừng để trả lương nhân công. Nhiều mặt hàng thủy sản khan hiếm, hoặc số lượng giảm mạnh, không đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong đó có mực, bạch tuột. Nguồn cá biển giảm khoảng 20-30% so năm trước”, ông Thắng chia sẻ.

Doanh nghiệp chế biến hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại huyện Châu Thành, chưa có năm nào các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh lại đối mặt với nhiều khó khăn đến vậy. Từ đầu năm đến nay, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản bị thiếu hụt trầm trọng, nguồn thủy sản đánh bắt trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do thời tiết, giá dầu tăng khiến tình hình đánh bắt thủy sản của ngư dân không thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng, các chi phí đầu vào, chi phí dịch vụ logictis đều tăng cao, giá thành sản xuất tăng. Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của đơn vị, nhiều đơn hàng bị hủy, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Thỉnh thoảng mới có 1 tàu hàng lên cá

Ông Đào Hoàng Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường, Phó Giám đốc Thường trực công ty cổ phần Thủy sản Tắc Cậu cho biết, các chủ tàu là đối tác truyền thống của công ty hiện nay giảm phần nửa vì một số nằm bờ, còn một số đánh bắt không có cá nên nguồn cung về cá biển chỉ đáp ứng được khoảng 50%, riêng bạch tuộc chỉ được hơn 20% nhu cầu, doanh nghiệp buộc phải tìm thêm các nguồn hàng từ các tỉnh để đủ số lượng duy trì cho nhà máy. Nguyên liệu không đủ để chế biến, công nhân không có hàng làm cho đủ sản lượng để đạt mức lương sàn nên nhiều tháng nay công ty phải bù lương cho công nhân.

“Mặc dù với mức lương sàn công nhân sống rất khó khăn nhưng đây cũng là gánh nặng rất lớn đối với công ty, chưa kể các chi phí đầu vào cũng đều tăng lên theo. Doanh nghiệp hiện tại hoạt động ở mức từ hòa vốn tới lỗ, khó mà có lợi nhuận. Doanh nghiệp cũng chuyển sang làm cá đồng và cá basa để nguyên liệu chủ động hơn nhưng sức tiêu thụ khi mình chuyển đổi từ mặt hàng này sang mặt hàng khác cũng khó khăn…”, ông Đào Hoàng Chiến than thở.

Một chuyến xe nguyên liệu bạch tuộc hiếm hoi của công ty Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở sẽ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về luật giá, biện pháp chế tài, minh bạch thông tin thị trường nhằm ổn định tâm lý người dân.

“Xăng dầu là mặt hàng có ý nghĩa rất quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống xã hội. 2 mặt hàng này có tác động rất lớn đến chỉ số lạm phát. Từ đầu năm đến nay đã 10 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu với mức tăng 7.000 đồng/lít. Để góp phần bình ổn thị trường, đối với thường trực Ban chỉ đạo 389 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đề nghị UBND tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng hàng hoá cũng như sản xuất”, ông Nguyễn Văn Hoàng nói.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đang tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá; tăng cường hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thực hiện các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản được nhanh chóng, thuận lợi; tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ ngư dân, đẩy nhanh khả năng hoạt động của tàu cá khi có nghị định mới thay thế Nghị định 67 về chính sách phát triển thuỷ sản được ban hành và đặc biệt Sở đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét phương án khoanh nợ, giãn nợ vay cho các chủ tàu cá trong tình hình hiện nay./.

Theo VOV

TỪ KHÓA #ngư dân