Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân thêm gắn bó với Hội

Phạm Hoàng - 07:14 31/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Gia Lai đã và đang tích cực khuyến khích các cấp Hội cơ sở hướng dẫn hội viên, ND có chung ngành nghề sản xuất thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp để liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập…

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi, trồng trọt
Mô hình tổ hội nghề nghiệp nuôi dê và tổ hội nghề nghiệp nuôi heo làng Phun Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông được hội viên ND địa phương tích cực tham gia. Ông Nguyễn Sơn Động - Chủ tịch Hội ND xã Ia Băng cho hay: Làng Phun Thanh có hơn 250 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, trong đó, 70% là người Jrai.
Theo lãnh đạo Hội ND xã Ia Băng, xưa nay, bà con ND, nhất là người dân tộc thiểu số vốn quen với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, ít hiệu quả. Được Nhà nước, các cấp, các ngành hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, tiêu thụ sản phẩm, bà con đã dần làm quen với phương thức chăn nuôi mới, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên có tích lũy và làm giàu.
Nhằm giúp đồng bào Jrai phát triển mô hình chăn nuôi, Hội ND xã đã hướng dẫn ND thành lập 2 mô hình tổ hội nghề nghiệp nuôi dê và tổ hội nghề nghiệp nuôi heo làng Phun Thanh. Các tổ hội ND nghề nghiệp này duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần. Trong những lần sinh hoạt, các thành viên chia sẻ, thảo luận những thông tin về giá cả thị trường, kỹ thuật chăn nuôi, kết nối tiêu thụ sản phẩm, cách thức phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. 

Thành viên chi hội nông dân nghề nghiệp trồng và chăm sóc sầu riêng huyện Chư Păh bên vườn sầu riêng của gia đình.
Chủ tịch Hội ND xã Ia Băng cho biết, lúc mới thành lập, mỗi tổ hội chỉ có 4 thành viên thì nay đã phát triển lên 8 thành viên. Các tổ hội đã góp phần tạo thêm việc làm, phát triển nhanh đàn gia súc ở địa phương, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số.
“Từ thành công của 2 tổ hội ND nghề nghiệp nêu trên, người dân trong làng nói riêng, bà con trong vùng nói chung đã tìm đến các mô hình để học hỏi kinh nghiệm, đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi, không thả rông gia súc ra đường. Những chuyển biến tích cực trong sản xuất và đời sống của làng Phun Thanh đã được các cấp, các ngành ghi nhận và công nhận làng đạt chuẩn nông thôn mới” - ông Nguyễn Sơn Động nói.
Hiện nay, trên xã Ia Băng đã thành lập 4 tổ hội ND nghề nghiệp, trong đó có 3 tổ hội chăn nuôi ở 2 làng Klah và Phun Thanh. Mô hình tổ hội ND nghề nghiệp hoạt động rất phù hợp với bà con ND và đạt hiệu quả cao. “Tới đây, xã xúc tiến thành lập thêm các tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi gia súc ở làng Tơ Băng, làng Băng Ngol, làng Dơ Ngol, thôn Phú Mỹ và thôn Phú Vinh”- Chủ tịch Hội ND xã Ia Băng cho biết.
Còn tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) được thành lập năm 2020. Khi mới thành lập, Tổ có 7 thành viên đăng ký tham gia canh tác hơn 5ha cây ăn quả các loại. Đến nay, Tổ phát triển lên 15 thành viên đăng ký trồng hơn 30ha cây ăn quả. 
Ông Đồng Mạnh Hùng - Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Ia Drăng cho hay: “Nhờ tham gia tổ hội, các thành viên được hưởng nhiều lợi ích, được tập huấn khoa học kỹ thuật, được mua phân bón trả chậm. Mỗi năm, các thành viên được hỗ trợ mua trên 100 tấn phân bón vi sinh trả chậm. Riêng gia đình tôi mỗi năm mua trả chậm 10 tấn phân bón cho 2,7ha cây trồng lâu năm. Nhờ đó mà diện tích ổi Đài Loan, mít Thái, vú sữa, sầu riêng, Bơ 034... đều sinh trưởng tốt, cho nguồn thu gần 700 triệu đồng”.
Đổi mới phương thức hoạt động
Tại huyện Chư Păh, để phát triển sầu riêng bền vững, Hội ND huyện Chư Păh đã thành lập các HTX, chi, tổ hội trồng và chăm sóc sầu riêng như: Hội Sầu riêng huyện với 21 thành viên; Tổ hợp tác sầu riêng xã Nghĩa Hưng với 41 thành viên; Nông hội sầu riêng xã Ia Nhin với 27 thành viên; HTX Dịch vụ nông nghiệp sầu riêng Hòa Phú (xã Hòa Phú); 2 chi hội ND nghề nghiệp trồng sầu riêng và chăm sóc sầu riêng tại xã Ia Nhin và Ia Khươl; 15 tổ hội trồng và chăm sóc cây sầu riêng.
Theo báo cáo Hội ND tỉnh Gia Lai, trong nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh xây dựng được 77 chi hội ND nghề nghiệp, 966 tổ hội ND nghề nghiệp và 87 chi, tổ hội nghề nghiệp trong hợp tác xã (HTX). Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 78 chi hội ND nghề nghiệp, 1.066 tổ hội nghề nghiệp với 10.784 thành viên.
Phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, thu hút hàng chục ngàn hội viên, ND tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 115 câu lạc bộ ND sản xuất kinh doanh giỏi, có 66.485 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã vận động tăng trưởng Quỹ hỗ trợ ND được 36 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ ND toàn tỉnh đến nay lên hơn 57 tỷ đồng.

Mô hình tổ hội nghề nghiệp nuôi dê của nông dân huyện Chư Prông.
Ông Võ Anh Tuấn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai cho biết: Nhằm đổi mới phương thức hoạt động, Hội ND tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hội viên ND cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hình thành kinh tế tập thể trong nông nghiệp, hướng tới xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã. Theo ông Tuấn, sau khi các chi, tổ hội ND nghề nghiệp được thành lập, Hội ND tỉnh cùng chính quyền, cơ quan chức năng các huyện, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi như Quỹ hỗ trợ ND, Ngân hàng CSXH; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu…; kết nối các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.
Nhiều tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp sau thời gian hoạt động hiệu quả đã mạnh dạn đầu tư, tiến tới thành lập hợp tác xã để nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất. Toàn tỉnh Gia Lai có 516 tổ hợp tác, 311 HTX nông nghiệp (tăng 192 HTX so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, có 22 HTX do Hội ND trực tiếp hướng dẫn thành lập với 733 thành viên.

    Thời gian tới, Hội ND tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho ND. Có thể nói, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chung tay cùng với huyện trong việc xây dựng huyện nông thôn mới”.
 Ông Võ Anh Tuấn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai.