Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tham gia mô hình “5 cùng”, nông dân giúp nhau làm giàu

07:04 19/10/2021 GMT+7

Nhằm hỗ trợ nông dân trong sinh hoạt Hội, tạo sự gắn kết giữa hội viên với nhau, thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa đã tích cực thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp dựa trên cơ sở 5 tiêu chí: “Cùng lĩnh vực sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng sẻ chia, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi”, qua đó giúp nông dân có nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cán bộ Hội ND tỉnh Thanh Hoá thăm mô hình tổ Hội sản xuất rau quả hữu cơ công nghệ cao ở xã Đông Tiến (Đông Sơn). Ảnh Lương Hà.

Lấy lợi ích để tập hợp, thu hút hội viên

Xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, với diện tích mặt nước ao hồ lớn, các hộ gia đình đã và đang sản xuất theo hình thức kết hợp lúa – cá nhưng chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm và riêng lẻ. Là hộ nuôi cá lâu năm, nhưng không có kỹ thuật nên hầu như năm nào ao cá của gia đình ông Trần Lê Hùng, thôn 5, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn cũng xảy ra dịch bệnh, năng suất thấp.

Năm 2016, được Hội Nông dân (ND) huyện cho tập huấn kiến thức, ông Hùng cùng 40 hộ nuôi cá trong xã đã thành lập chi Hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản. Tham gia chi hội, các hội viên được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn và tìm đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đến nay, các hộ nuôi cá trong chi hội đều nắm vững kỹ thuật, kiểm soát tốt dịch bệnh, trung bình mỗi năm 1ha nuôi trồng thủy sản cho thu nhập 250- 300 triệu đồng.

Ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Hội ND tỉnh Thanh Hoá có 629 cơ sở Hội, 5.569 chi hội, 2.708 tổ hội. 100% cơ sở, làng, bản, thôn xóm có tổ chức Hội với hơn 535.000 hội viên, đạt 98,2% so với hộ nông dân trong toàn tỉnh.

Trong những năm qua, các cấp Hội đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội và chi, tổ Hội thông qua việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy lợi ích làm động lực để thu hút, tập hợp hội viên. Việc thành lập chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là 1 trong những nội dung, phương thức thiết thực mà Hội ND tỉnh Thanh Hoá đã và đang tập trung đẩy mạnh.

Theo đó, thực hiện Đề án 24, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức xây dựng điểm 2 mô hình chi hội nghề nghiệp tại huyện Nga Sơn, tổ chức rút kinh nghiệm sau đó triển khai ra toàn tỉnh. Từ đó, Hội ND các huyện, thành phố lựa chọn, khảo sát tại một số cơ sở để xây dựng điểm mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp của đơn vị và nhân ra diện rộng.

Ông Lưu Văn Tỉnh – thành viên HTX nuôi ong Thạch Thành đang kiểm tra đàn ong mật. Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường 14 tấn mật ong, đạt doanh thu khoảng 1.8 tỷ đồng. Ảnh Vũ Sinh

Giúp hội viên cùng phát triển kinh tế

Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp. Trong đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân đang là một trong những nguồn vốn quan trọng. Hiện các cấp Hội đang quản lý và đầu tư có hiệu quả 58,7 tỷ đồng tại nhiều dự án khắp cả tỉnh.

Cùng với đó, Hội tổ chức tín chấp và ủy thác với các ngân hàng cho 184.527 hộ nông dân vay với tổng dư nợ trên 12.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn dưới mức cho phép, cho thấy việc đầu tư đang đem lại hiệu quả.
Song song hỗ trợ các nguồn vốn, Hội ND tỉnh Thanh Hóa còn mở rộng các chương trình phối hợp, liên doanh, liên kết. 6 tháng đầu năm 2021, Hội ND Thanh Hóa tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp và Trường Cao đẳng Nông Lâm Thanh Hóa về đào tạo, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng thời, phối hợp tổ chức dạy nghề cho 2.729 hội viên, nông dân; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 110.975 lượt người; xây dựng được 27 chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, rau, củ, quả an toàn; phối hợp cung ứng 11.713 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân…

Những nguồn lực này đã giúp xây dựng được 9 Chi hội nông dân nghề nghiệp với 244 hội viên tham gia, 92 tổ Hội ND nghề nghiệp với 697 hội viên tham gia; trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 42 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã và thành lập được 68 doanh nghiệp mới.

Nhiều chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đang là tâm điểm của việc gắn kết, đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Điển hình như Tổ hội trồng rau quả hữu cơ công nghệ cao tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn. Theo đó, để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đồng thời đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, tổ hội đã mạnh dạn xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất các loại rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ. Trên diện tích 1,5 ha nhận thầu của địa phương, 40 thành viên của tổ hội đã đầu tư 1.000m2 nhà kính để luân canh trồng dưa Kim hoàng hậu, dưa chuột, cà chua, rau ăn lá họ cải…. Hàng năm, cung ứng cho thị trường khoảng 120 tấn rau, củ, quả các loại, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 25-30 lao động thời vụ. Đầu năm 2019, Tổ hội đã đầu tư 3 cửa hàng thực phẩm sạch để giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại huyện Đông Sơn và liên kết tiêu thụ với khoảng 10 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Thanh Hóa.

Các chi hội nghề nghiệp tiêu biểu như: Chăn nuôi tại xã Nga Tiến và Nga Thạch, huyện Nga Sơn với 40 hội viên; nuôi ong tại xã Thành Kim và Kim Tân, huyện Thạch Thành với 40 hội viên; trồng đào cảnh tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh với 120 hội viên; làm vườn và trang trại tại xã Hà Hải, huyện Hà Trung với 92 hội viên…
Ông Quân cho biết: Các chi, tổ hội nghề nghiệp đều được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động cùng có lợi và đảm bảo đạt được tiêu chí “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi…

“Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Mỗi năm, Hội ND tỉnh Thanh Hóa xây dựng từ 60 – 63 mô hình kinh tế gắn với THT. Đến nay, toàn tỉnh có 561 HTX nông nghiệp, 898 THT trong đó có 135 THT và 28 HTX do Hội ND thành lập và phối hợp thành lập”,
Ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hoá.

Bài, ảnh: Mai Trân