Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thiếu định hướng Nhà nước, nông dân vẫn sản xuất theo kiểu “chợ chiều”

01:04 23/03/2018 GMT+7

Vỡ quy hoạch ở nhiều loại cây trồng như hiện nay dẫn đến thừa mứa, giá chạm đáy phải đổ bỏ, đây là bài toán khó giải của ngành trồng trọt khi không có công cụ khống chế. Để giải bài toán này đòi hỏi sự chủ động kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp để tìm ra được tín hiệu thị trường và tiêu thụ ổn định.

Hiện tượng củ cải, su hào trồng quá nhiều rồi không có đầu ra, chất đống đổ bỏ vừa qua ở ngoại thành Hà Nội, cùng nhiều loại nông sản rớt giá thảm như hồ tiêu, cà phê, cao su… được ví von như chuyện người dân “thả gà” rồi cơ quan quản lý đi đuổi theo khi mà việc vỡ quy hoạch diện tích trồng trọt dường như khó khống chế.

Chẳng hạn như cà phê, quy hoạch chỉ cho phép trồng 520.000ha, nhưng đã phát triển lên tới 620.000ha, tức là dư thừa tới 100.000ha. Mặt hàng cao su cũng vượt quy hoạch, từ 800.000ha trong mức cho phép lên hơn 1 triệu ha.

Việc vượt quy hoạch ở nhiều loại cây trồng, thiệt thòi nhất vẫn là nông dân

Hai điểm yếu của ngành trồng trọt

Chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp mới đây ở Tp.HCM, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng ngành trồng trọt có hai điểm yếu. Thứ nhất là quy hoạch diện tích cây trồng vẫn chưa bám sát được thị trường. Thứ hai là vấn đề kiểm soát và giám sát thực tiễn quy hoạch cây trồng. Điều này đặt ra vấn đề lớn hơn là làm sao khống chế được quy hoạch đó.

Ông Sơn đưa ra ví dụ như hiện nay có nhiều loại cây ăn quả có xu hướng vượt quy hoạch rất mạnh. Hai năm vừa qua, chẳng hạn diện tích trồng cam đã tăng từ 50.000ha lên 75.000ha nhưng không có thị trường xuất khẩu, chủ yếu là tiêu thụ trong nước, giá cam tụt xuống nghiêm trọng. Trong khi đó, Nhà nước lại không có công cụ để khống chế.

Có thể lấy trường hợp ở hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk ở Tây Nguyên như là điển hình của những địa phương mà nhiều diện tích cây nông sản vượt quá xa so với quy hoạch ban đầu. Gần đây, hệ lụy đã thấy rõ, đơn cử như nông dân trồng hồ tiêu ồ ạt rồi giá tiêu rớt giá chạm đáy làm người dân lao đao.

Lý giải chuyện hồ tiêu rớt giá, ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết diện tích trồng hồ tiêu tăng quá nhanh vào năm 2015 – 2016. Thời điểm đó, giá quá đắt (hơn 200 triệu đồng/tấn tiêu) nên nhà nhà lao vào trồng tiêu, bởi vì diện tích tăng quá nhanh nên sản lượng cũng tăng rất lớn.

Đó cũng là tình trạng chung của các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2014, diện tích trồng tiêu ở khu vực này mới tăng lên trên 50.000ha thì đến năm 2017 đã tăng đến hơn 71.000ha (thực tế còn cao hơn nhiều), vượt gấp nhiều lần so với quy hoạch năm 2020.

Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu nhiều nhất, vượt trên 12.500ha so với quy hoạch, kế đến là Đắk Nông (vượt 14.000ha), Gia Lai (vượt 10.000ha).

Việc vỡ quy hoạch diện tích trồng tiêu ở Tây Nguyên dẫn đến nhiều hệ lụy, vừa rớt giá vừa có hàng ngàn ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ, rệp sáp… làm thiệt hại cho các gia đình trồng tiêu cả ngàn tỷ đồng.

Cần vai trò của doanh nghiệp

Ông Bính đặt vấn đề: Từ mức giá đỉnh trên 200 triệu đồng/tấn, đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng vài chục triệu đồng/tấn, liệu mức giá này có còn giảm tiếp trong những tháng tới hay 5 – 6 năm tới hay không trước tình trạng vỡ quy hoạch hồ tiêu?

Có nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý hình như chưa đưa ra được một thống kê, dự báo nào cho khả dĩ trong năm tới và giữa các năm về: Nhu cầu thị trường, mức tiêu thụ các năm trước, cảnh báo cũng như điều phối, tìm thị trường trong và ngoài nước – một khâu có tính cách mạng trong sản xuất tiêu thụ.

Hơn nữa, tại sao cứ loay hoay mãi sản phẩm truyền thống trong khi có 80-90% thức ăn chăn nuôi nhập khẩu – một con số khổng lồ, được chế biến từ ngô, đỗ tương. Bản thân Việt Nam cũng phải nhập các loại nguyên liệu khi nguồn cung trong nước còn thiếu hoặc giá cao.

Từ tình trạng lỡ làng vỡ quy hoạch cây trồng như hiện nay, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng có hai việc phải làm trong thời gian tới. Thứ nhất là lập quy hoạch phải dựa trên tiềm năng nông sản của thế giới, tốc độ tăng trưởng của thị trường nông sản trên thế giới đối với tổng sản lượng và đối với từng mặt hàng.

Những trái cây nhiệt đới như chuối, nhãn, dứa… phải bám sát nhu cầu của thế giới để làm quy hoạch, chứ không phải chỉ dựa vào nguồn cung của chúng ta.

Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lưu ý như diện tích cây ăn trái theo dự báo sẽ tăng lên 30% vào năm 2030, còn từ nay đến năm 2020 chỉ tập trung giữ vững 910.000ha cây ăn quả để chú trọng khai thác, nâng cao năng suất và chất lượng.

Trên thực tế, trong chuyện hệ lụy từ vỡ quy hoạch là số lượng hợp đồng liên kết còn rất thấp do DN chưa dám đầu tư sâu, vẫn còn sự bẻ kèo giữa nông dân và DN và ngược lại, thiếu hành lang pháp lý trong liên kết…

Điều này dẫn đến tình trạng nông dân vẫn sản xuất theo kiểu “chợ chiều”, thích là sản xuất, thấy người hàng xóm sản xuất là sản xuất, chứ không sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Đến khảo sát các vườn cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay sẽ thấy các loại cây trồng được trồng rất tản mạn, hiếm có 5 – 6 liền kề trồng chung một loại cây trồng. Vì vậy, theo Cục Trồng trọt, song song với việc cải tạo các vườn tạp cần chuyển các vườn tạp thành vườn đơn, sắp tới sẽ ban hành những chính sách về việc này.

Điều quan trọng là để phục vụ cho việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, bên cạnh việc liên kết giữa DN với nông dân, còn đòi hỏi nền tảng đầu tư từ các DN tìm những vùng đất mới và hình thành các vùng sản xuất tập trung để có sản lượng nhất định và có thể nhân rộng theo nhu cầu DN đặt ra.

Sự lớn mạnh của DN và vùng sản xuất tập trung sẽ giúp cho nông dân thấy rằng nếu sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sẽ không hiệu quả, phải đổ bỏ nông sản thì buộc họ phải tự thay đổi.

Thanh Loan